Đây là thông tin đáng chú ý tại phiên thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia nhằm để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.
Tăng lương để bù trượt giá
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, tại phiên họp lần này, phía đại diện cho người lao động đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 6,5% - 7,3%, thời điểm tăng lương từ 1/7/2024.
Theo ông Hiểu, 2 mức đề xuất được đưa ra trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế, xã hội, cân nhắc nhiều mặt, gồm cả trách nhiệm chia sẻ với người sử dụng lao động. Mức tăng đề xuất ở lần họp này cao hơn so với phiên họp lần trước do tình hình kinh tế xã hội có dấu hiệu tốt hơn. Trong khi đó, mục tiêu tăng lương tối thiểu từ 1/1/2024 không thực hiện được vì thủ tục pháp lý. Khi lùi thời điểm tăng lương một khoảng thời gian (6 tháng) cần phải nâng mức tăng để bù đắp cho người lao động.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những năm qua đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng. Vì lẽ đó, nếu mức lương thấp sẽ không đảm bảo mức sống tối thiểu, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng.
Đại diện công đoàn cũng cho hay, công đoàn không đặt mục tiêu tăng lương tối thiểu từ 1/1/2024 vì những thủ tục pháp lý. Bởi, việc lùi một khoảng thời gian cũng là yếu tố cần phải nâng mức tăng để bù đắp cho người lao động. Đồng tình với quan điểm cần tăng lương, song đại diện cho doanh nghiệp (DN), ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý, mức tăng theo đề xuất của công đoàn chưa phù hợp với tình hình hiện nay."Chúng tôi đồng ý cần phải điều chỉnh lương tối thiểu, song mức tăng như công đoàn đề xuất lúc này thì không thể" - ông Phòng nhấn mạnh.
Theo đại diện VCCI, việc điều chỉnh là cần thiết trong thời gian tới bởi lương khu vực công sẽ điều chỉnh thì khu vực DN cũng cần thực hiện tương ứng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, DN cũng rất khó khăn, thậm chí nhiều đơn vị đang phải gồng mình để duy trì việc làm cho người lao động.
Chốt đề xuất tăng 6%
Mặc dù vẫn còn những ý kiến trái chiều về mức đề xuất nhưng theo Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Lê Văn Thanh, Hội đồng đã thống nhất mức trình tăng tiền lương 6%.
Đây là mức phù hợp và được sự thống nhất của các thành viên, trong đó có đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Việc tăng lương thực hiện từ 1/7/2024. Có lẽ đây là phiên họp thắng lợi nhất của hội đồng từ trước đến nay, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.
Như vậy, theo dự kiến, lương tối thiểu vùng 1 tăng hơn 280.000 đồng, tức tăng 4,96 triệu đồng/tháng. Vùng 2 tăng gần 250.000 đồng, tức tăng 4,41 triệu đồng/tháng. Vùng 3 tăng hơn 218.000 đồng, tức tăng 3,86 triệu đồng/tháng. Vùng 4 tăng 195.000 đồng, tức tăng gần 3,45 triệu đồng/tháng. Bình quân là 3,933 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, lương tối thiểu giờ cũng tăng 6% theo từng vùng. Hiện nay, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Mặc dù đây mới là mức để Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất với Chính phủ, tuy nhiên thông tin tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2024 đã khiến rất nhiều người lao động phấn khởi. Với mức tăng 6% lương tối thiểu vùng người lao động sẽ được tăng tối thiểu từ 195.000 đồng/tháng, cao nhất là 280.000 đồng/tháng tùy từng vùng. Mức tăng này sẽ là động lực để công nhân yên tâm sản xuất bởi, dù sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng DN vẫn có sự sẻ chia về quyền lợi cho người lao động.
Ông Trần Văn Hiệu - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho hay, qua khảo sát của công đoàn các khu công nghiệp tỉnh, đại đa số các DN đang trả lương thực tế (lương cơ bản) cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng trên địa bàn từ 15-18%. Tuy nhiên theo ông Hiệu, việc tăng lương tối thiểu vùng sắp tới giúp công đoàn trong DN có cơ sở để có thể thương lượng tăng lương thực tế cho người lao động.
Khảo sát về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2023 do Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phối hợp cùng Viện Công nhân và Công đoàn tiến hành cho thấy, thu nhập trung bình của gần 3.000 người lao động tham gia khảo sát đạt 7.885.000 đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng; 23,3% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của DN. Cũng theo kết quả khảo sát, chỉ có 24,5% người lao động cho biết, tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết, thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. Ngoài ra, chỉ có 8,1% người lao động có dư dật, tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống, phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập…
“Mức tăng 6% là phù hợp trong bối cảnh người lao động chia sẻ với khó khăn của DN. Bên cạnh đó, mức tăng này cơ bản đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. Với mức tăng lương tối thiểu vùng này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên để người lao động nâng cao năng suất, cùng doanh nghiệp vượt khó” - ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá.