Dù theo thống kê, tiền lương của người lao động năm 2023 có tăng so với năm 2022 nhưng nhìn chung vẫn không đủ bù trượt giá, đảm bảo chi tiêu. Bởi vậy, người lao động đang mong mỏi được tăng lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, nhiều khả năng việc tăng lương tối thiểu vùng vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ không thành hiện thực.
Khó tăng lương sớm?
Xung quanh thời điểm tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, trao đổi với báo chí, ông Tống Văn Lai - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia (Hội đồng) dự kiến vào cuối tháng 11/2023. Do đó, việc tăng lương tối thiểu vùng có thể không kịp thực hiện từ 1/1/2024.
“Dù kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng tình hình kinh tế, xã hội, an ninh toàn cầu, khu vực tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta. Do đó, chúng tôi sẽ họp lại để Hội đồng trình lên Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu cho năm 2024 vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2023” - ông Lai chia sẻ và cho biết thêm, quý IV, Hội đồng mới họp bàn phương án, sau đó khuyến nghị Chính phủ thì chắc chắn không kịp điều chỉnh lương tối thiểu vào ngày 1/1/2024.
Ngoài việc chưa thể xác định thời điểm điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong năm 2024, thì việc tăng lương tối thiểu trong năm tới cũng được cho là gặp nhiều thách thức. Bởi theo Bộ LĐTBXH, 9 tháng qua, mặc dù thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động có việc làm quý III/2023 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, song tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn diễn ra.
Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, cả nước có hơn 812.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 10% so với cùng kỳ, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 772.000, tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Đời sống công nhân khó khăn
Nhiều người lao động cho biết, họ đang gặp nhiều áp lực chi tiêu do ảnh hưởng giá cả sinh hoạt trong những tháng cuối năm. “Giá hàng hóa tăng vùn vụt, 1 mớ rau cũng 10-15 nghìn đồng, chưa kể thịt cá, thực phẩm… khác đều tăng. Tổng chi tiêu, tiền nhà, tiền ăn, tiền học… một tháng của 4 người trong gia đình tôi không dưới 17 triệu đồng. Trong khi đó năm nay dù vào tháng nước rút nhưng công nhân chúng tôi vẫn chưa có nhiều việc để làm thêm. Lương không tăng thì cuộc sống của vợ chồng tôi rất áp lực” - chị Nguyễn Thị Bình, công nhân Khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân may Khu công nghiệp Thạch Thất (Hà Nội) than thở, khó khăn chồng chất khi chỉ còn 2-3 tháng nữa là tới Tết. Nếu tiền lương không tăng thì Tết này, nhiều lao động cũng không dám về quê.
Theo chị Hằng, nhiều tháng nay giá cả leo thang và chưa có điểm dừng đã khiến đời sống công nhân vốn đã chật vật càng thêm khốn đốn. “Tôi may mắn không bị mất việc làm nhưng thu nhập giờ cũng thấp đi nhiều, chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng/tháng. Chồng tôi cũng làm công nhân cơ khí thu nhập hơn chút đỉnh nhưng với giá cả như hiện nay số tiền này không thấm vào đâu. Chính vì vậy, công nhân chúng tôi rất mong chờ đến năm 2024 để được tăng lương, vì tăng ít hay nhiều thì cũng phần nào giảm thiểu áp lực” - chị Hằng giãi bày.
Trao đổi bên lề cuộc họp báo mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Hội đồng đã thống nhất lùi thời điểm bàn tăng lương tối thiểu vùng vào cuối năm nay. Nhiều khả năng vào cuối tháng 11 và tháng 12 này sẽ nhóm họp lại. Bởi vậy, có thể việc tăng lương tối thiểu vùng vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ chưa thể được thực hiện.
Theo ông Phòng, tăng lương tối thiểu vùng không phụ thuộc vào cải cách tiền lương. Việc tăng lương tối thiểu vùng được định sẵn trong luật lao động, được thực hiện định kỳ. Mục tiêu để tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Ông Phòng cũng cho biết thêm, nguồn tăng lương tối thiểu là nguồn tiền từ doanh nghiệp, do vậy, nếu doanh nghiệp khó khăn thì cũng không có nguồn để tăng lương tối thiểu vùng.
Vấn đề tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động cũng nhận được sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội. Cụ thể thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 nhiều đại biểu cho rằng, nếu như chúng ta cứ lần lữa và để cho người lao động tự cầm cự với nguồn thu nhập của mình như hiện nay thì người lao động cũng không thể tiếp tục bám trụ tại các thành phố lớn, họ buộc phải quay trở về địa phương - nơi sinh ra và lớn lên để quay lại với các nghề nghiệp cũ.
Trước đó, vào đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên để bàn thảo về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Tại phiên họp này, mặc dù đại diện các bên liên quan đều thống nhất cần tăng lương tối thiểu vùng, song chưa thống nhất được thời điểm và mức tăng. Do còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa tìm được tiếng nói chung, Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định tạm thời chưa chốt thời gian phiên họp thứ 2 để bàn lương tối thiểu vùng năm 2024.