Lương tối thiểu và lương đủ sống

Khanh Lê 21/06/2023 07:06

Trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc ổn định thu nhập, người lao động cần được trợ giúp tâm lý để vững tâm vượt qua khó khăn.

Lương đủ sống là giải pháp để nâng chất lượng cuộc sống cho người lao động. Ảnh: Thu Hằng.

Khi được hỏi về công việc và thu nhập, chị Nguyễn Thị Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, chị lấy chồng khi mới 20 tuổi nên giờ mới 40 tuổi nhưng đã có 3 đứa con học đại học và học cấp 3. Điều này đồng nghĩa với việc gánh nặng mưu sinh đè nặng khi đồng lương công nhân may theo chiều hướng giảm. Ở tuổi 40 chị cũng không thể làm việc đạt hiệu suất như khi còn trẻ.

“Chồng tôi là công nhân điện tử, trước thu nhập đều cũng được 10 triệu đồng/ tháng nhưng gần 2 năm nay công việc không có nên phải nghỉ việc về chạy xe ôm. Để có tiền cho con ăn học tôi tranh thủ bán thêm xôi kiếm thêm thu nhập. Cả ngày quần quật nhưng cuối tháng vẫn bị thiếu hụt tiền ăn, tiền học của con. Có một thời gian dài tôi rơi vào tình trạng lo âu dẫn đến rối loạn thần kinh thực vật. Người lúc nào cảm thấy rất mệt mỏi, chán chường” - chị Hà giãi bày.

Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có 370 KCX-KCN với 7 triệu lao động đang làm việc. Với mức thu nhập bình quân 6,7 triệu đồng/tháng, người lao động (NLĐ) phải đóng tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền học cho con… Hằng tháng, họ có tích lũy nhưng khi có vấn đề xảy ra (bệnh tật hay tai nạn), khoản tiền tích lũy sẽ hết. Khi dịch Covid-19 bùng phát, bản thân NLĐ không tự cầm cự được. Gánh nặng về kinh tế, về cuộc sống mưu sinh đã khiến không ít NLĐ rơi vào tình cảnh khủng hoảng tâm lý.

Tại Hà Nội, địa phương tập trung đông công nhân, theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố, mặc dù năm 2022, tiền lương bình quân chung của NLĐ trên địa bàn tăng từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của NLĐ đạt 6,6 triệu đồng/tháng; riêng quý I/2023 đạt 7 triệu đồng/tháng. Song với mức thu nhập như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.

Ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội nhìn nhận, do tình hình lạm phát, NLĐ phải chịu nhiều chi phí như thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... điều này càng khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở trong các khu công nghiệp và chế xuất. Đặc biệt sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) và đời sống, việc làm của phần lớn NLĐ tiếp tục gặp khó khăn.

Thu nhập bình quân của NLĐ có tăng song không đồng đều, đời sống một bộ phận NLĐ vẫn khó khăn, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý I/2023 của Tổng cục Thống kê phần nào làm rõ thực tế này. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động trên cả nước dù có tăng, tuy nhiên có sự sụt giảm tại một số địa phương tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như TPHCM, Bắc Ninh... Tiền lương không đảm bảo cuộc sống khiến nhiều lao động có mong muốn làm thêm giờ. Việc làm thêm giờ quá sức khiến không ít NLĐ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, thậm chí trầm cảm.

Ông Nguyễn Khánh Long - Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động (Cục An toàn lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng sau đại dịch tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập dễ khiến nhiều người căng thẳng. Ngành nghề dễ bị stress nhất là ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa dược. Chính vì vậy việc đảm bảo mức lương đủ sống cho NLĐ có ý nghĩa rất lớn.

Nhìn nhận về vấn đề lương và mức sống hiện nay của NLĐ, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, mức lương tối thiểu mới đáp ứng cơ bản mức sống tối thiểu của NLĐ, đó là về mặt lý thuyết. Thực tế, cơ quan có thẩm quyền chưa công bố chính xác về mức sống tối thiểu.

“Khi chúng tôi hỏi, có 30 - 40% NLĐ nói rằng mức lương không đủ sống. Vì vậy cần thực hiện điều chỉnh chính sách tiền lương tối thiểu hướng tới đảm bảo lương đủ sống cho NLĐ” - ông Hiểu nói.

Năm 2022, Phân viện Khoa học an toàn, vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Nam đã tiến hành khảo sát đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của 200 nữ công nhân thuộc lĩnh vực dệt may. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, có 28% người có biểu hiện căng thẳng nghề nghiệp mức độ trung bình và 18,5% người có biểu hiện trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Trong đó, đáng lưu ý nhất là có 8,5% lao động có biểu hiện trầm cảm mức độ trung bình và đặc biệt có 1,5% người có biểu hiện trầm cảm nặng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lương tối thiểu và lương đủ sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO