Lương và làm thêm giờ, hai việc tưởng chừng tách rời trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi nhưng lại liên quan mật thiết với nhau: Cải thiện tiền lương, nâng cao thu nhập cuộc sống cho người lao động gắn với nâng cao năng suất lao động. Ông Nguyễn Ngọc Phương- Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: Quang Vinh.
PV: Thưa ông, khi thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, vấn đề mở rộng khung giờ làm thêm đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Vậy theo ông làm sao để lương và thời gian lao động đảm bảo được sự dung hòa?
Ông Nguyễn Ngọc Phương: Nhu cầu của doanh nghiệp (DN) là muốn lợi nhuận, còn người lao động (NLĐ) tại các DN cũng muốn tăng tiền lương để tăng mức sống cho bản thân. Một vấn đề đang xảy ra ở nước ta so với các nước khác là năng suất lao động Việt Nam thấp so với các nước, và đây là yếu tố khiến thu nhập của NLĐ thấp hơn các nước, không đáp ứng nhu cầu cuộc sống thực tại. Chính vì thế khi sửa đổi luật, nhiều người rất quan tâm đến mức sống, thu nhập của NLĐ nhưng đang còn nhiều tranh luận, đòi hỏi việc bổ sung sửa đổi lần này phải đảm bảo cân đối giữa lợi ích của DN và lợi ích của NLĐ. Cho nên làm sao để tăng thu nhập của NLĐ như làm thêm giờ, tăng năng suất, hoặc làm thế nào để lợi ích của NLĐ không bị thiệt thòi sau khi các DN sử dụng lao động, đó là điểm quan trọng đang được bàn thảo cân nhắc khi sửa đổi luật lần này.
Nhiều ý kiến đã đề nghị cần xét tới yếu tố tiền lương trong luật lần này làm sao để NLĐ đủ sống, chứ nếu mới đáp ứng 70% nhu cầu cuộc sống thì khó có thể cống hiến đem lại năng suất cao, thưa ông?
- Nâng tiền lương cho NLĐ không chỉ là nhu cầu nguyện vọng của ĐBQH mà còn là nguyện vọng của người lao động cả nước, song nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bởi, NLĐ phải có năng lực, kỹ năng để tăng giá trị tăng lợi nhuận cho DN thì họ mới có đủ tiền để trả lương. Nếu đáp ứng mức tối đa cho NLĐ thì DN sẽ phá sản. Cho nên chủ trương chung là làm thế nào để tăng doanh thu cho DN, từ đó tăng tiền lương cho NLĐ đang là yếu tố cần có sự liên kết với nhau trong quá trình tổ chức và thực hiện. Trước hết, định hướng của luật là sẽ tăng giờ làm, có lộ trình trả tiền làm thêm theo lũy tiến. Đó là yếu tố tăng thu nhập cho NLĐ. Tất nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện cần xem xét kỹ lưỡng để chủ các DN không được bóc lột NLĐ, hoặc chiếm dụng lợi ích của NLĐ nếu họ có những cống hiến xứng đáng cho DN.
Là một ĐBQH, vậy cá nhân ông có băn khoăn gì về giờ làm việc và mức lương để cho NLĐ đủ sống?
- Ai cũng băn khoăn về giờ lao động và mức lương, nhưng cái này phụ thuộc vào thực tiễn cuộc sống. Ví dụ kể cả công chức, viên chức của ta so với các nước khác, lương vẫn thấp hơn họ. Tuy nhiên trong điều kiện thu nhập của cả quốc gia không thể đủ khả năng bù lại chi phí nên không thể tăng lương. Do đó mức độ điều kiện tăng lương của cán bộ, công chức cũng phải đáp ứng được khả năng chi phí của quốc gia. Với khối DN cũng vậy. Mức độ tăng lương cũng được định hướng trong luật khi yêu cầu tăng thu nhập cho NLĐ để đảm bảo đời sống cho NLĐ. Đồng hành với nó là việc NLĐ phải tăng ý thức, tăng kỹ năng lao động để tăng năng suất. Từ đó tăng thu nhập cho DN thì họ mới đủ tiền trả lương cho NLĐ, nếu không, đến lúc DN phá sản thì NLĐ sẽ càng vất vả hơn.
Hiện TP Hồ Chí Minh đã xin cơ chế riêng để tăng lương cho cán bộ, công chức. Vậy nhìn rộng ra với những nơi tự cân đối được ngân sách liệu họ có thể dùng ngân sách để tăng lương cho người lao động và thu hút người tài, Ông nghĩ sao về việc này?
- Mô hình của TPHCM là mô hình chính sách tiền lương riêng đã được Quốc hội thảo luận và thông qua. Bởi đây là địa phương đứng đầu cả nước trong việc đóng góp vào ngân sách quốc gia. Từ đóng góp như vậy Quốc hội, Chính phủ mới nhất trí để cho TPHCM chủ động trong việc thực hiện chính sách tiền lương. Đây là mô hình vừa động viên, vừa khuyến khích NLĐ. Do đó theo tôi cũng cần phải khuyến khích, nhân rộng nếu các địa phương khác đủ điều kiện, chúng ta cũng nên xem xét để tiếp tục mở rộng các mô hình này để các tỉnh có thể chủ động hơn, tích cực hơn, hăng hái hơn trong việc vừa đóng góp ngân sách cho quốc gia, vừa nâng cao mức sống của NLĐ, cán bộ công chức, viên chức.
Vừa qua Chính phủ đã tổ chức hội nghị về cải thiện năng suất lao động. Theo ông, để làm được điều này chúng ta cần có giải pháp nào trong thời gian tới?
- Hiện nhiều DN đã đầu tư vào thiết bị, máy móc hiện đại để tăng năng suất, tăng thêm doanh thu. Họ đã có những suy nghĩ định hướng trong đào tạo, tuyển dụng cán bộ, NLĐ đủ năng lực đáp ứng được với dây chuyền thiết bị máy móc hiện đại đó. Đồng hành với việc tăng năng suất và tăng tiền lương cho NLĐ có yếu tố quan trọng của các chủ DN. Làm sao cải tiến trình độ năng lực của NLĐ để tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho DN và NLĐ. Yếu tố quan trọng nhất là DN phải cải tiến phương thức sản xuất, đầu tư vào máy móc và nâng cao trình độ cho NLĐ, có giải pháp trong tuyển dụng NLĐ phù hợp với công ăn việc làm của bản thân DN.
Còn ở trong khối nhà nước, muốn tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức phải có nguồn và gắn liền với tinh giản biên chế. Khi tinh giản bộ máy lúc đó tăng lương mới đem lại hiệu quả, ý nghĩa. Đó là yếu tố cần thiết. Trong lĩnh vực cán bộ, công chức viên chức nhà nước ăn lương của Nhà nước, hiện chúng ta đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Việc này sẽ nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức đang làm việc. Hiệu quả của công việc tăng lên, số lượng công chức giảm đi sẽ có điều kiện để tăng lương cho cán bộ công chức. Cùng đó, các cơ quan quản lý chặt chẽ việc sử dụng nhân lực lao động và sử dụng nguồn thu của mình để chi phí cho NLĐ.
Trân trọng cảm ơn ông!