Hơn 20 năm qua, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát vẫn luôn đau đáu với nỗi niềm giúp nghệ thuật sơn mài có thêm “đất” để lan tỏa được giá trị độc đáo riêng có, từ đó góp phần gìn giữ, phát huy và nâng tầm nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
2023 "mèo sơn mài" chào xuân
Ấn tượng với nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát từ những bộ sưu tập thể theo các con giáp được ra mắt vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, một sáng cuối năm, tôi đến thăm xưởng của anh. Thời điểm này, trong nhà, ngoài sân đâu đâu cũng thấy bóng dáng những chú mèo đang ngóng đợi để được anh họa lên lớp sơn mài.
Thoạt nhìn thì chúng có vẻ như khá giống nhau. Nhưng chỉ sau một vài công đoạn khắc, khảm, sơn, mài... dưới đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, những chú mèo mang màu sắc độc bản dần được ra đời.
Ngồi giữa những khối gỗ đã được tạo hình các con vật, anh Phát chăm chú quan sát từng chi tiết. Những tạo hình bằng gỗ mít sẽ là phần cốt để người nghệ nhân thổi hồn cho chất liệu sơn mài truyền thống. Luôn tay vừa chỉnh sửa những đường khắc, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát kể: “Mỗi sản phẩm phải trải qua hàng chục công đoạn, từ lên ý tưởng, rồi đục, đẽo tạo dáng cho khối gỗ, sau đó phủ lên nhiều lớp sơn (thông thường là 10 lớp), rồi phơi khô, đánh bóng, khảm trứng, khảm trai, vẽ tạo tác... nên nhanh thì mất vài ngày, lâu thì cả tháng mới xong”.
Năm nay anh dự tính làm 2.023 độc bản mèo để chào đón năm mới. Cho đến thời điểm giữa tháng 12/2022, anh Phát đã hoàn thiện được khoảng 1.300 sản phẩm.
Chia sẻ về bộ sưu tập mèo lần này, anh Phát tự hào kể về bộ bàn ghế đặc biệt với tên gọi “Bữa ăn ngày xuân” gồm có 7 chiếc ghế hình mèo và 1 chiếc bàn hình cá. Bộ bàn ghế này được anh lấy cảm hứng từ nhiều bức tranh dân gian Đông Hồ, hình ảnh đám cưới chuột, bức phù điêu, chú bé cưỡi trâu thả diều...
Rất nhiều họa tiết dân gian được anh sử dụng để đưa vào, tạo nên những ấn tượng mang bản sắc Việt. Không chỉ đẹp, độc đáo, bộ bàn ghế còn được anh gửi gắm thông điệp: Sang năm Quý Mão, với đặc tính thông thái, linh hoạt, nhanh nhẹn của loài mèo cũng là thể hiện cho tinh thần của người dân Việt Nam, khi vượt qua nhiều khó khăn, thử thách cuối cùng sẽ có được bữa tiệc chiến thắng.
Ngoài bộ bàn ghế có giá trị sưu tập cao, các độc bản mèo còn được anh Phát dựng theo những câu chuyện dân gian hay biến tấu thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao. Một số sản phẩm có công năng sử dụng như: Làm khay trà, tượng đốt trầm hương hay chiếc đèn ngủ... Không hình nào giống hình nào nhưng tất cả đều được kết hợp với hình tượng mèo để chào xuân Quý Mão.
Rời xưởng điêu khắc, cách đó khoảng 3km, trong không gian khá rộng của ngôi nhà thuộc khuôn viên làng cổ Đường Lâm, anh Phát bày biện rất nhiều độc bản mèo. Ngắm nhìn những sản phẩm, anh Phát không giấu được vẻ tự hào, nhưng tôi thì lại có chút đắn đo, hỏi anh: “Liệu đến tết anh có hoàn thành 2.023 chú mèo không?”.
Anh Phát đáp lại một cách chắc nịch: “Chắc chắn sẽ xong! Mặc dù trong lúc chế tác có nhiều khó khăn, tôi hay băn khoăn làm sao để tạo ra một bộ sưu tập mới có nhiều sự khác biệt so với bộ sưu tập cũ. Bản thân tôi luôn muốn có sự thay đổi, không muốn lặp lại. Tôi muốn sản phẩm của mình có tính độc đáo, là độc bản để kích thích và lan tỏa được sự sáng tạo”.
Xuất thân là một họa sĩ sơn mài nhưng Nguyễn Tấn Phát hiện đang kham luôn cả việc của một người điêu khắc. Các công đoạn để tạo ra một sản phẩm hầu hết đều do anh làm từ đầu đến cuối. Bởi vậy mà Tấn Phát được nhiều người biết đến là bởi cái tài kết hợp giữa điêu khắc và sơn mài, đã và đang góp phần định hướng cho sự phát triển của nghệ thuật sơn mài truyền thống.
Mối nhân duyên sơn mài - điêu khắc
Bén duyên với sơn mài đến nay đã hơn 20 năm, Nguyễn Tấn Phát là nghệ nhân duy nhất tại thị xã Sơn Tây đưa nghệ thuật sơn mài lên các hình khối điêu khắc. Bản thân vốn là một người yêu thích hội họa từ nhỏ, lớn lên được theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, anh nắm chắc trong tay những nguyên lý cơ bản của mỹ thuật nói chung và kỹ thuật sơn mài nói riêng.
Trong không gian yên bình của ngôi nhà làng cổ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tâm sự về quãng thời gian tìm lối đi cho sơn mài. Tìm ra được một hướng đi riêng luôn là điều khó khăn. Không ít lần anh trằn trọc suy nghĩ: Làm thế nào để đưa sơn mài lên sản phẩm điêu khắc? Làm thế nào để người tiêu dùng có được một cách nhìn mới về chất liệu này?
Từ quan niệm “nghệ thuật sinh ra để phục vụ con người”, Nguyễn Tấn Phát đã mạnh dạn lựa chọn con đường của riêng mình. Cứ làm và rút kinh nghiệm, qua thời gian, anh đã thành công đưa chất liệu sơn mài lên gỗ.
Trong quá trình thử nghiệm làm sản phẩm, đối với Tấn Phát công đoạn nặng nhọc nhất thuộc về quá trình điêu khắc và tỉ mỉ nhất thuộc về việc sơn mài. Đưa sơn mài lên trên những bức tượng khó hơn rất nhiều so với khi làm trên bề mặt tranh phẳng. Các tượng gỗ có bề mặt cao thấp, lồi lõm khác nhau ít nhiều sẽ khiến quá trình sơn mài bị cản trở. Vậy nên nếu người nghệ sĩ làm không khéo thì khi mài sẽ dễ bị chạm đến phần cốt của sản phẩm.
Để thành công đưa được sơn mài lên chất liệu gỗ điêu khắc như hôm nay cần sự kiên trì bền bỉ, cùng tài năng và tâm huyết của người nghệ nhân. Từ những bản nháp, giờ đây sản phẩm sơn mài của Nguyễn Tấn Phát đã có được những nét độc đáo, riêng biệt.
Anh gửi gắm vào sản phẩm của mình những câu chuyện sống động về văn hóa Việt Nam. Những tạo hình cổng làng, gác chuông, hoa văn cổ,... hiển hiện trong các tác phẩm một cách sinh động. Anh luôn chọn cách nhấn mạnh đến văn hóa quê hương xứ Đoài như một lời tri ân. Điều đó khiến các sản phẩm của anh không chỉ chứa đựng vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn mang cả hơi thở của làng quê Việt Nam.
Khi nghe về những sản phẩm chứa đựng nhiều tâm huyết như vậy, tôi băn khoăn hỏi Tấn Phát về đối tượng khách hàng, liệu một sản phẩm kỳ công như thế giá thành có phải là một rào cản khi tiếp cận người dùng hay không? Tấn Phát trả lời rằng, hiện nay đối tượng khách hàng của anh khá đa dạng. "Tôi có những vị khách tìm đến để sưu tầm và một số khách khác mua về để trang trí nhà cửa. Các tác phẩm của tôi luôn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng vì nó có tính độc bản, nhỏ gọn, dễ vận chuyển và có công năng sử dụng. Đặc biệt nhất là mang được bản sắc văn hóa Việt trong đó nên giá trị thương mại được đánh giá khá cao”, anh Phát cho hay.
Từ những bước đi táo bạo đầu tiên, Tấn Phát đã có cho mình vài nghìn sản phẩm điêu khắc sơn mài độc nhất. Mặc dù rất chăm chút cho sản phẩm, yếu tố nghệ thuật được đặt lên hàng đầu nhưng bên cạnh đó anh cũng xác định phải tồn tại song song giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Anh lựa chọn một bên là làm nghệ thuật để sống và một bên làm nghệ thuật mang tính hàn lâm. Vẫn cần có chất nghệ thuật đậm đặc trong sản phẩm thì khi hoàn thiện mới mang lại chiều sâu, và các sản phẩm mới có tính thực tế để phục vụ con người. Qua các sản phẩm của mình, Tấn Phát mong muốn người dùng thấy được giá trị của sơn mài khi đưa lên sản phẩm điêu khắc đã được nhân lên nhiều lần.
Với tư duy làm nghề vì cộng đồng, ngoài việc theo đuổi đam mê, Nguyễn Tấn Phát luôn phát triển nghề lồng ghép với việc truyền nghề. Năm 2018 anh khai giảng lớp học về sơn mài cho những người yêu nghệ thuật và muốn phát triển nghề thủ công. Hiện tại anh còn đứng lớp truyền nghề cho một số người dân địa phương hoàn toàn miễn phí.
Thời điểm này, có thể nhận thấy nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã có những thành công riêng trong việc góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Trong tương lai, anh mong muốn mang thêm nhiều yếu tố vùng miền vào sản phẩm để qua đó giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với khách hàng trong nước và quốc tế.