Quốc tế

Mắc kẹt với hậu quả biến đổi khí hậu

Hà Anh 11/12/2024 15:14

Thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu và ít quốc gia nào cảm nhận được tác động của nó rõ rệt hơn Afghanistan.

Anh bai tren
Một đứa trẻ đứng trên vùng đất khô cằn ở huyện Bala Murghab, tỉnh Badghis, Afghanistan. Nguồn: AFP.

Hiện tại, Afghanistan xếp hạng 7 trong Chỉ số thích ứng toàn cầu Notre Dame về các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và ít chuẩn bị nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu. Người dân Afghanistan đang mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn của lũ lụt, hạn hán, giá lạnh, nắng nóng và mất an ninh lương thực. Đối với một quốc gia có mức đóng góp bình quân đầu người vào lượng khí thải carbon toàn cầu thấp thứ 11 thế giới, thì quy mô hậu quả mà quốc gia này phải đối mặt là một sự bất công bi thảm.

Năm 2024, Afghanistan đã trải qua trận lũ lụt nghiêm trọng khiến hàng trăm người thiệt mạng và tàn phá đất nông nghiệp ở các tỉnh phía Bắc. Trước đó, đất nước này đã bị tàn phá bởi hạn hán trong 3 năm liên tiếp. Mùa màng bị phá hủy, khiến hàng triệu người không còn nguồn thu nhập và lương thực chính. Tuy nhiên, bất chấp tác động ngày càng rõ ràng của biến đổi khí hậu đối với người dân Afghanistan, quốc gia này đã bị loại tư cách đại diện theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) - cơ chế chính cho hợp tác khí hậu toàn cầu - kể từ khi Taliban tiếp quản vào tháng 8/2021. Các nguồn tài trợ chính cho thích ứng với khí hậu cũng đã bị đình chỉ kể từ đó.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP29, Afghanistan một lần nữa bị loại khỏi các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, trong một bước tiến tích cực hướng tới sự hòa nhập, Cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia Afghanistan đã được mời làm khách mời của quốc gia chủ nhà Azerbaijan với hy vọng có cơ hội trình bày kế hoạch hành động về khí hậu đã cập nhật của Afghanistan. Họ cũng được đại diện bởi các đại biểu từ 2 tổ chức xã hội dân sự Afghanistan và được tham dự với tư cách là quan sát viên.

Theo ông Abdulhadi Achakzai - nhà hoạt động vì khí hậu tham dự COP29 và là Giám đốc của Tổ chức Phát triển và Đào tạo bảo vệ môi trường Afghanistan, việc từ chối hỗ trợ khí hậu là sự trừng phạt đối với người dân Afghanistan vì hành động của các nhà lãnh đạo. Thực tế là người dân phải gánh chịu hậu quả chứ không phải chính quyền.

Afghanistan cũng đang bị từ chối tiếp cận Quỹ khí hậu xanh - một nguồn tài chính quan trọng để các quốc gia đang phát triển thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Sự loại trừ này ảnh hưởng trực tiếp đến những người dễ bị tổn thương nhất ở Afghanistan và xảy ra vào thời điểm mà sự hỗ trợ quốc tế cho đất nước nói chung đang giảm nhanh chóng.

Nhu cầu can thiệp là cấp thiết, theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), tổng cộng có 12,4 triệu người đang phải trải qua tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và 4 triệu người - trong đó có 3,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi - đang bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Nông dân cần hệ thống thủy lợi bền vững và cây trồng có khả năng phục hồi tốt hơn, trong khi cộng đồng cần chuẩn bị ứng phó thảm họa mạnh mẽ hơn.

Tiến sĩ Assem Mayar - một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ về biến đổi khí hậu cho biết, nếu không có những khoản đầu tư này, tình trạng đói nghèo sẽ trầm trọng hơn và hàng triệu người sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều. Phụ nữ và trẻ em vốn đã phải gánh chịu hậu quả của tình trạng mất an ninh lương thực sẽ là đối tượng phải chịu đựng nhiều nhất. “Tại Afghanistan, nông nghiệp cần sự tham gia của phụ nữ nhiều hơn bất kỳ ngành kinh tế nào khác, nhưng bằng cách loại nước này khỏi nguồn tài trợ khí hậu, cộng đồng quốc tế thực chất đang trừng phạt những người cần được bảo vệ” - Tiến sĩ Mayar nói.

Theo ông Charles Davy - Giám đốc điều hành của Afghanaid, một tổ chức nhân đạo phi chính phủ của Anh, sự miễn cưỡng của các chính phủ trong việc hợp tác với Taliban không nên gây tổn hại đến người dân Afghanistan. Các chuyên gia và tổ chức phi chính phủ đã đề xuất các chiến lược cụ thể để đảm bảo rằng nguồn tài trợ khí hậu đến được với người dân Afghanistan mà không hợp pháp hóa Taliban. Nó có thể thông qua quan hệ đối tác của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và quốc gia. “Cộng đồng quốc tế phải lắng nghe các khuyến nghị của họ và cam kết tìm ra các chiến lược mang tính xây dựng, dài hạn để cung cấp hỗ trợ” - ông Davy cho biết.

Theo Trung tâm Giám sát Di dời Nội địa, khoa học đã chứng minh rõ ràng rằng, nếu không hành động, các vấn đề hạn hán và lũ lụt của Afghanistan sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Đất nước này có số lượng trẻ em phải di dời do thời tiết khắc nghiệt cao nhất vào năm 2023, hơn 700.000 trẻ. Chỉ trong tháng trước, WFP đã cảnh báo rằng, hình thái thời tiết La Nina kéo dài đến hết mùa đông năm 2024 có thể khiến lượng mưa và tuyết ở Afghanistan giảm, gây nguy hiểm cho vụ thu hoạch lúa mì tiếp theo và đẩy nhiều người vào cảnh đói nghèo.

Ông Nasr Muflahi - Giám đốc quốc gia Afghanistan của tổ chức nhân đạo phi chính phủ People in Need cho rằng, biến đổi khí hậu không có biên giới và cộng đồng quốc tế phải thể hiện sự đoàn kết với những người dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta không thể quay lưng lại với Afghanistan. Mỗi ngày không hành động sẽ làm trầm trọng thêm thảm họa khí hậu của đất nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mắc kẹt với hậu quả biến đổi khí hậu