Là một trong những dự án giao thông trọng điểm của khu vực TP Hồ Chí Minh, dự án xe buýt nhanh (BRT) đã được quy hoạch từ hơn chục năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Mô hình tuyến BRT số 1 ở đại lộ Đông - Tây.
Vẫn nhiều tranh cãi
Mặc dù hạ tầng giao thông đã hoàn thiện nhưng vì nhiều lý do đến nay dự án BRT số 1 (chạy dọc hành lang Đông - Tây của tuyến đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) vẫn còn trên giấy vì những ý kiến trái chiều. Đặc biệt, sau khi tuyến BRT ở TP Hà Nội triển khai nhưng chưa nhận được sự hưởng ứng của người dân thì dự án BRT ở TP HCM tiếp tục bị “mắc kẹt”.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, tuyến BRT số 1 có chiều dài 23km, chạy qua nhiều quận huyện (quận 1, quận 2, quận 5, quận 6, quận 8, huyện Bình Chánh…) năng lực vận chuyển có thể lên đến trên 10.000 hành khách/ngày. Vậy nếu đưa tuyến BRT này vào sử dụng sẽ là phương án hữu hiệu giải quyết ùn tắc giao thông trong khu vực phía Đông - Tây thành phố. Ngoài ra, BRT cũng sử dụng phương tiện xanh sạch, có nhiều tiện ích và hệ thống nhà ga hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu của hành khách.
Theo ông Cường, đây là lần đầu tiên thành phố thực hiện dự án BRT nên cần có những nghiên cứu, tính toán, thử nghiệm phù hợp với mục đích không gì khác là thu hút người dân tham gia sử dụng loại hình phương tiện này. Tuy nhiên, không vì thế mà bỏ qua, chậm trễ trong khâu triển khai bởi nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng nhanh, đúng giờ của người dân là rất lớn. Nếu chần chừ không quyết định thì có thể dự án sẽ mất tính thời sự, không khả thi sau một thời gian nữa.
Ngoài ra, ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TP HCM cho rằng nên mạnh rạn triển khai dự án này bởi không có bất cứ đô thị lớn trên thế giới nào mà lại không có hệ thống BRT. Thậm chí nhiều đô thị ở Hàn Quốc, Nhật Bản… hệ thống BRT dày đặc, gồm nhiều tuyến đan xen. Riêng ở TP HCM, do tuyến đường triển khai dự án này có hạ tầng tốt, đủ để xây các nhà ga hiện đại, diện tích mặt đường cũng lớn, đủ để phát triển làn đường riêng mà không sợ phải san sẻ cho các loại phương tiện khác. Thậm chí nếu cần, ông Trường còn cho rằng có thể phát triển hệ thống xe buýt thường phụ trợ, nối các ga của BRT để phục vụ nhu cầu người dân.
Nhiều khúc mắc cần giải quyết
Phải đánh giá một cách công bằng, nếu so sánh về hạ tầng, quãng đường, nhu cầu… thì tuyến xe buýt nhanh ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế hơn tuyến xe buýt nhanh đã triển khai ít tháng trước ở thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn còn một số khúc mắc cần giải quyết, tính toán trước khi chính thức đầu tư dự án này.
TS Nguyễn Xuân Long (ĐH Bách khoa TP HCM) cho biết, dù năng lực vận chuyển khá lớn (10.000 lượt khách/ngày) nhưng tuyến BRT số 1 ở TP HCM lại có lộ trình bên rìa chứ không phải đi xuyên qua vùng trung tâm thành phố. Nghĩa là, ở khu trung tâm quận 1 với nhiều các cao ốc văn phòng, cơ quan, chung cư… thì tuyến BRT này lại không đi qua.
Điều đó có nghĩa là dù năng lực cao nhưng khả năng lấp đầy của tuyến BRT này vẫn còn bỏ ngỏ. Đặc biệt, BRT thường được các đô thị lớn trên thế giới triển khai như một công trình phụ trợ cho các hệ thống đường sắt cao tốc đô thị (Metro). Trong khi đó ở TP HCM, tuyến BRT số 1 lại nằm xa và có lộ trình trái với tuyến Metro số 1. Vì vậy, việc không kết nối, thiếu đồng bộ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhu cầu cũng như vận hành khi thực hiện.
Ngoài ra, một chuyên gia giao thông khác cũng cho rằng, do đặc thù giao thông ở TP HCM với tâm lý người dân chưa mặn mà việc sử dụng phương tiện công cộng cũng cần được tính toán.
Cụ thể, như dự án phân làn đường riêng cho xe buýt ở 2 tuyến đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ trong tháng 4/2017 vừa qua để mở đường cho BRT hoạt động đã không thực hiện được vì người chân chưa thực sự đồng thuận. Thế nên, nếu đầu vào các dự án BRT cũng phải có sự cân nhắc, lấy ý kiến người dân. Hơn nữa, với số vốn đầu tư lớn lên đến hàng ngàn tỷ đồng, giá vé của BRT như thế nào để vừa thu hút người dân, vừa thu hút doanh nghiệp đầu tư cũng là một vấn đề cần làm rõ.
Dự án BRT số 1 ở TP HCM được nghiên cứu từ năm 2005, dự kiến khởi công năm 2014 và đưa vào hoạt động năm 2018 nhưng đến thời điểm này (6/2017), số phận của dự án vẫn chưa chính thức được quyết định. Với số vốn khoảng 135 triệu USD, đây là dự án đầu tiên trong tổng số 6 tuyến BRT được thành phố quy hoạch và triển khai.