Câu thơ Quang Dũng cứ văng vẳng bên tai suốt dọc hành trình từ Hà Nội lên đến Mai Châu (Hòa Bình), nơi được gọi là kinh đô của người Thái xưa. Ấn tượng đặc biệt của hành trình này chính là dốc Cun quanh co. Rồi đến dốc Thung Nhuối, dừng lại để ngắm cảnh, chợt hình dung đoàn quân Tây Tiến năm xưa, những chàng trai hào hoa đã rời bỏ đô thành hoa lệ để lên đường chiến đấu. Họ đã từng đứng đây, giữa bốn bề rừng núi điệp trùng để lại Hà Nội xa dần nơi cuối tầm mắt…
Bản Lác.
Bản Lác 700 năm tuổi
Từ đỉnh đèo Thung Nhuối, huyện lỵ Mai Châu đã hiện ra, xinh đẹp và trù phú bất ngờ. Mai Châu giống như một bức tranh với những đường mòn uốn lượn, cụm bản làng, vườn cây, hồ nước, đồng lúa chuyển màu theo mùa vụ...
Anh bạn hướng dẫn viên trẻ tuổi hào hứng giới thiệu, nếu muốn hòa mình vào thiên nhiên, những tuyến đi bộ qua các lối mòn sẽ đưa chúng ta qua những khu rừng nguyên sinh, cánh đồng, vườn cây hay khu trang trại trù phú của người dân bản xứ. Nếu muốn hòa nhập để tìm hiểu phong tục của dân tộc Thái, xin mời các anh, các chị đến bản Lác, bản Văn, bản Nhót…
Chúng tôi đã chọn bản Lác, một bản cổ của người Thái còn giữ được nhiều nét đẹp nguyên bản nhất với những ngôi nhà sàn xinh xắn. Có tuổi đời trên 700 năm, dân ở bản Lác chủ yếu là người Thái đen sinh sống đời này qua đời khác với nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm. Hiện nay, bản Lác có hơn 20 nhà nghỉ homestay rộng rãi, thoáng mát để làm dịch vụ, phục vụ cho nhu cầu tham quan của khách du lịch.
Bên trong mỗi nhà làm dịch vụ đều trang bị đầy đủ chăn, đệm, gối được gấp ngăn nắp, gọn gàng. Chúng tôi chọn một nhà nghỉ homestay nhìn ra cánh đồng lúa chín vàng.
Khác với nhà sàn của người Tày Nùng ở khu vực phía Bắc, nhà sàn ở đây cao ráo, sạch sẽ và có cách bài trí khá đẹp mắt, đặc biệt họ giữ được lối kiến trúc cổ. Sàn nhà cách mặt đất khoảng 2m bằng những cột gỗ chắc chắn. Khách đến nhà phải múc nước rửa chân trước khi bước lên cầu thang. Sàn nhà bằng tre hoặc bương. Mái nhà lợp lá gồi hoặc lá mây. Các cửa sổ trong nhà có kích thước khá lớn để đón gió mát và cũng là nơi để chủ nhà treo các giò hoa phong lan, lồng chim cảnh.
Nhà nào cũng có một khung dệt vải thổ cẩm được đặt cạnh một ô cửa sổ. Đây là nơi làm việc của cô con gái lớn. Nghe nói, người con trai hỏi vợ chỉ cần nhìn lên giá xếp chăn đệm gối sạch sẽ với những màu sắc hoa văn trang trí là biết được sự chăm chỉ và tài nữ công của người vợ tương lai. Còn cô gái, muốn biết về người con trai sắp làm chồng mình thì hãy nhìn lên các cột nhà, nếu thấy vô số vảy cá to và nhất là nhiều đuôi cá dán lên cột thì hãy yên tâm là người con trai trong nhà này lao động giỏi, bắt được nhiều cá.
Đi dạo một vòng trong bản, bạn sẽ không thấy bất kỳ hành động chèo kéo du khách hay mời mọc mua hàng. Các mặt hàng như khăn, váy xòe Thái, những chiếc ví xinh xắn, cung, nỏ, sáo trúc, mõ trâu, chiêng, tù và, sừng trâu… được bày bán trước cửa nhà, bạn có thể lấy để thử, chụp ảnh mà không sợ bị để ý hay than phiền, kể cả không mua cũng chẳng khiến chủ hàng buồn lòng.
Và điều đặc biệt là chỉ tốn chừng 20.000 đồng cho một lần thuê váy áo, bạn đã có thể hóa thân thành cô gái, chàng trai người Thái dạo bước quanh bản làng hít hà bầu không khí trong vắt dễ chịu và cảm nhận cuộc sống của người dân vùng cao. Ở đầu bản Lác có một khu đất rộng có thể tổ chức các hoạt động sinh hoạt, giao lưu tập thể như cắm trại, thi hát karaoke. Đêm đến, du khách sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa truyền thống của người Thái, đốt lửa trại, giao lưu nhảy sạp với dân bản và lắc lư cùng điệu xòe Thái giao duyên.
Hàng thủ công bản Lác.
Khám phá văn hóa Thái cổ
Ở Mai Châu, có một địa chỉ đặc biệt dành cho những người yêu văn hóa của người Thái là “Bảo tàng Thái” với trên 1.000 cổ vật. Tới đây, chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống, về sự hình thành và phát triển của đồng bào Thái nơi núi rừng Tây Bắc.
Hầu hết những cổ vật đều gắn bó với sinh hoạt hằng ngày của người Thái ngày xưa như bộ dụng cụ chế biến lương thực (gồm nồi, niêu cơm, bát, đĩa, mâm, đũa, chum, bầu, cối xay đá); bộ dụng cụ săn bắn hái lượm (gồm bẫy, nỏ, súng chi mai, nơm, đăng, đó...); đèn đất, đèn soi, đèn đi tuần của quan lang thời trước; bộ đồ cúng của thầy mo gồm áo làm phép, trống, chiêng, lịch…
Bộ sưu tập nhạc cụ thì gồm khèn bè, kèn đám ma, chiêng, cồng, trống, chập chóe, lằng khằng trong ma chay, cưới hỏi. Bộ trang sức gồm dây xà tích, vòng bạc, hoa tai…
Trong bảo tàng quý hiếm nhất là hơn chục cuốn sách chữ Thái, đặc biệt là 3 cuốn gia phả của dòng tộc người Thái cách đây trên 200 năm. Những cuốn gia phả này đã ố vàng theo thời gian, gáy đã sờn hết, nhiều chữ trong đó bị mờ không còn đọc được nữa. Ngoài ra, còn có bộ sưu tập đồ sành, sứ với hàng trăm chiếc bát, đĩa, ấm chén có xuất xứ từ thời nhà Lý.
Cổ vật có giá trị không kém là chiếc sanh đồng bốn quai tay xoắn, nặng 30kg, khoảng 300-400 năm tuổi. Đây là hiện vật thể hiện tính cộng đồng rất cao và nó thường được dùng để nấu nướng trong các dịp lễ hội, đình đám của người Thái…
Chúng tôi còn đi tiếp vào xã Hang Kia để nghe tiếng sáo với những giai điệu đằm thắm, thiết tha, đi chợ Pà Cò của người Mông chọn mua quà lưu niệm, đến bất cứ đâu, chúng tôi cũng gặp những nụ cười hồn hậu của người bản xứ. Buổi tối, nhờ có anh bạn làm tour guide tháo vát mà chúng tôi được chủ nhà đón tiếp như khách quý chứ không phải chỉ là khách du lịch thông thường.
Ông chủ nhà trịnh trọng trải giữa nhà một chiếc chiếu hoa, bày ra một mâm cơm với những món ngon riêng có của núi rừng như: gà đồi, cá suối hấp, măng đắng, lợn cắp nách... và vò rượu cần. Còn bà chủ nổi lửa đồ xôi trong cái chõ gỗ cao của người Thái.
Trong những điệu xoè duyên dáng, trong những lời hát câu ca cổ xưa của người Thái, mùi xôi nếp nương thơm nồng nàn, cái vị rượu cần nồng ấm và ngọt ngào ấy cứ từ tốn mà làm người ta say lúc nào chẳng biết.