Khác với nhịp sống sôi động ở nội thành thị xã Duy Tiên, trung tâm công nghiệp của tỉnh Hà Nam, vùng ngoại thành khá yên ả. Từ trục đường chính, nối từ Quốc lộ 1 chạy qua trung tâm thị xã nườm nượp xe cộ, rẽ lên đường đê chúng tôi gặp khung cảnh rất đỗi yên bình với một bên là xóm làng một bên là đồng ruộng.
Đường đê có những đoạn cây xanh hai bên cành lá giao nhau làm dịu đi cái nắng nóng tháng 7. Giữa vùng nhiều cây xanh ấy, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nằm gần, ở phía trong trụ sở xã Yên Nam.
Qua cổng Trung tâm, chúng tôi gặp ngay hình ảnh có tính “điều dưỡng” là một công viên thu nhỏ, rợp bóng cây xanh; các công trình như khu Văn phòng của Trung tâm, các dãy phòng ở của thương binh được bố trí, bao quanh, vòng tròn và cùng có cửa mở nhìn ra công viên.
Ở đó, chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó thì vẫn đang hiện hữu qua thân thể không còn lành lặn của 60 thương binh nặng đang được điều dưỡng tại đây. Những ký ức trận mạc lúc nhớ, lúc quên được các cựu binh thương binh kể lại đôi khi chỉ bằng cách lấy tay diễn đạt. Và, chúng tôi cũng cảm nhận được ở đó có một tập thể gồm 28 con người, trong đó có 12 cán bộ, nhân viên y tế đang ngày ngày lặng lẽ, cần mẫn chăm cho các thương binh.
Như khi cựu chiến binh, thương binh Đỗ Cương Lĩnh (quê huyện Thường tín, Hà Nội) vừa trở về sau buổi sáng được Trung tâm đưa lên Hà Nội chạy thận định kỳ thì điều dưỡng Lê Thu Huyền đã có mặt tại phòng của ông, trò chuyện, thăm hỏi, làm những công việc chuyên môn y tế theo yêu cầu. “Bị thương tật hành hạ, nhất là vào lúc thời tiết thay đổi nên các bác thương binh luôn cảm thấy khó ở trong người, rất dễ cáu giận. Hiểu rõ điều đó nên quá trình chăm sóc chúng tôi xác định phải luôn nhẫn nại, ân cần, tâm lý. Ngoài làm tốt các yêu cầu về chuyên môn y tế đôi khi chúng tôi cũng phải biết “tấu hài” một chút để giúp các bác lấy lại sự vui vẻ” – chị Huyền chia sẻ.
Trò chuyện với các nhân viên điều dưỡng, hộ lý ở đây mới hay chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho các thương binh ngay tại Trung tâm chỉ là một phần công việc của họ. Theo điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng - Phó phòng Y tế của Trung tâm, ngoài thương tật nặng, các thương binh ở đây hầu hết tuổi đã cao, có nhiều bệnh nền nên Trung tâm thường xuyên phải đưa lên các bệnh viện ở Hà Nội để điều trị dài ngày, theo chế độ chung là 21 ngày. Mỗi lần như vậy thì các nhân viên y tế của Trung tâm phải thay nhau đi theo để chăm sóc các thương binh.
Trong số 60 thương binh, có 2 thương binh phải chạy thận 3 lần/tuần (trong đó có thương binh Đỗ Cương Lĩnh). Cứ vào ngày đã định, từ sáng sớm một nhân viên y tế lại theo xe của Trung tâm đưa hai bác lên Hà Nội chạy thận, sáng đi, chiều về. Đó là những trường hợp có thể chủ động, nhiều trường hợp bệnh tật tái phát trong đêm, phải đưa đi cấp cứu. Khi đó, trung tâm phải huy động số đông các nhân viên y tế. “May mắn nhà chúng tôi cũng gần Trung tâm nên khi cần, dù là trong đêm thì chỉ cần 5-10 phút chúng tôi đã kịp thời có mặt” - điều dưỡng Hằng chia sẻ.
Ngoài những nhân viên Y tế của Trung tâm, đến đây, chúng tôi còn được gặp những người phụ nữ khác cũng đang mang hết tình cảm, sự yêu thương để chăm sóc cho các thương binh. Thương binh nặng Triệu Ngọc Thanh 63 tuổi nhưng đã điều dưỡng ở Trung tâm hơn 40 năm. Mấy năm qua sức khỏe yếu đi nhiều, ông không thể ngồi xe lăn, phải nằm trên giường, nói năng cũng khó khăn. Nhưng bên ông lúc nào cũng có người vợ là bà Nguyễn Thị Hồng cận kề chăm sóc.
Năm 1979, khi ông về điều dưỡng ở Trung tâm này được một thời gian thì gặp bà là người địa phương. Đồng cảm với những mất mát của ông, bà nguyện gắn bó để chăm sóc, bù đắp cho ông. Lễ cưới được tổ chức năm 1992, sang năm 1993 ông bà sinh được một cậu con trai. Bà cũng kể rằng, do ông không thể đi lại, nhớ quê, nhớ 7 anh chị em ở Lạng Sơn mà không thể về nên thỉnh thoảng bà cùng con trai thay ông lên Lạng Sơn thăm thân.
“Gia đình các anh chị em ở trên ấy cũng khó khăn nên thỉnh thoảng ông cũng dành chút tiền từ lương thương binh để tổ chức một chuyến xe, đưa các anh chị em từ Lạng Sơn về đây để anh chị em có dịp gặp mặt” - bà Hồng chia sẻ. Nói năng khó khăn nhưng ông Thanh nghe rất rõ. Nghe bà Hồng nhắc đến hai từ “Lạng Sơn” ông khóc nấc lên.
“Ông ấy vẫn vậy đấy, cứ nói đến quê, đến anh em lại khóc. Hơn 40 năm ở đây rồi, có mấy khi được gặp đâu” - bà Hồng nói.
Chiều xuống, nắng hè dịu đi nhiều phần, từ các phòng nhiều thương binh tay đẩy xe lăn ra công viên nằm giữa Trung tâm hóng gió thiên nhiên. Họ tụ lại thành từng tốp, chuyện trò dưới bóng cây.
Nói về cuộc sống ở Trung tâm Điều dưỡng, các bác đều cho biết rất tốt, rất tiện, rất vui, rất phù hợp. “Tôi thỉnh thoảng cũng về nhà an dưỡng. Nhưng ở nhà lại thấy buồn vì con cháu còn phải đi làm. Ở đây có phòng ốc rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, ốm đau, cần gì đã có các cháu điều dưỡng, hộ lý phục vụ, lại có đồng đội để chuyện trò, tâm sự” - thương binh Trần Văn Vệ (78 tuổi, quê ở Gia Viễn, Ninh Bình) chia sẻ. Ngồi kế bên cựu chiến binh Nguyễn Văn Thư cũng là người vui vẻ, lạc quan. Khi nghe tôi chia sẻ đài báo bão sắp về, ông cười hóm hỉnh: “Cần gì phải đài báo, thời tiết cứ chuẩn bị thay đổi là cái chân của tôi nó thông báo rồi. Đấy, nó đang giật giật rồi đấy. Đúng là sắp có bão rồi!”
Cũng vào dịp này năm trước, khi về thăm các thương binh nặng ở đây, phòng thương binh Triệu Ngọc Thanh là phòng đầu tiên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến vào thăm. Khi biết ông Thanh là người dân tộc thiểu số, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đã rất xúc động, nắm tay người cựu chiến binh - thương binh, gọi “anh”, xưng “em” khi trò chuyện. “Em tên là Chiến, anh quê ở Lạng Sơn còn em quê ở Tuyên Quang, em cũng là người dân tộc thiểu số. Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn biết ơn công lao, sự hy sinh xương máu của các anh để đất nước hôm nay được bình yên. Mong anh yên tâm điều trị, điều dưỡng, mạnh khỏe, vui vẻ”.
(Còn nữa)