Không chỉ thành nơi “kiếm tiền như nước” với mức thu nhập khủng của những nghệ sĩ, KOL…, mạng xã hội cũng trở thành nguồn cơn của drama, nơi thực hiện “quyền lực ảo” với đầy rẫy những tin giả, tin tiêu cực… ảnh hưởng trực tiếp tới người dùng.
Biến mạng xã hội thành “toà án online”
Hẳn dư luận còn chưa quên “hiện tượng” của CEO Phương Hằng với những drama đình đám suốt 1 năm qua. Người phụ nữ này thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook và nền tảng YouTube để thực hiện các buổi livestream “bóc phốt”.
Bắt đầu với sự kiện tố “thần y” Võ Hoàng Yên lừa đảo, tiếp đến là hàng loạt nghệ sĩ Việt với nghi vấn không minh bạch trong hoạt động từ thiện, rồi đến hoạt động của Tịnh thất Bồng Lai…
Những buổi livestream của bà Phương Hằng cuốn theo hàng chục đến hàng trăm ngàn người theo dõi, biến bà thành “hiện tượng livestream” không ai có thể vượt mặt.
Những lùm xùm xung quanh các buổi livestream của bà chủ Đại Nam đã làm cộng đồng mạng và dư luận liên tục dậy sóng. Thế nhưng không chỉ dừng lại ở việc đấu tố, bóc phốt, bà Hằng còn sử dụng nhiều ngôn từ không phù hợp, ngang nhiên xâm phạm vào quyền và lợi ích của nhiều cá nhân, thể hiện sự coi thường pháp luật.
Điều này khiến CEO Đại Nam cũng vướng phải rất nhiều vụ kiện tụng với các nghệ sĩ.
Dù đã có những cảnh báo trước nhưng hành vi “được nước lấn tới” của bà Hằng dưới sự ủng hộ của cộng đồng mạng đã đẩy sự việc đi quá xa.
Mới đây, ngày 24/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng để điều tra về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Bà Phương Hằng chỉ là một trong những trường hợp điển hình của việc sử dụng mạng xã hội như một “toà án” online, ngang nhiên đấu tố, xúc phạm đến người khác trên không gian mạng.
Mạng xã hội từ đây cũng trở thành một công cụ sát thương, vũ khí tấn công người khác hữu hiệu, đặc biệt là khi sử dụng được hiệu ứng đám đông.
Không ít những lùm xùm xảy ra trên mạng xã hội đã phải trả giá, nhẹ thì xô xát, nặng thì phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.
Nơi vàng thau lẫn lộn
Không ít những nghệ sĩ cũng tận dụng mạng xã hội để gây chú ý với những phát ngôn “sốc”, nói xấu người khác, thậm chí tung tin giả, tin độc…
Vụ Trác Thuý Miêu bị Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM xử phạt về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội có nội dung gây hoang mang trong dân về công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP HCM” từ tháng 7/2021 đã để lại bài học cho nhiều nghệ sĩ khi “lỡ” phát ngôn vạ miệng trên mạng xã hội.
Trước đó, NSƯT Đức Hải cũng từng bị miễn nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn do có những ngôn từ tục tĩu, nhạy cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục trên trang Facebook cá nhân.
Diễn viên Ốc Thanh Vân đã từng phải công khai xin lỗi vì liên quan đến thương hiệu mỹ phẩm của Công ty TS Việt Nam vì đơn vị này bị cơ quan công an điều tra phát hiện lô hàng 11 tỷ đồng không rõ nguồn gốc.
Ca sĩ Đức Phúc cũng từng vướng lùm xùm khi quảng cáo cho một nhãn hàng có mẫu mã giống với một thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng Hàn Quốc. Ngay sau khi nhận được phản ánh nhãn hàng này có sản phẩm kém chất lượng, giọng ca “Ánh nắng của anh” đã phải gỡ bài.
Hay hàng loạt nghệ sĩ khác cũng từng bị chỉ trích khi liên tục quảng cáo các mặt hàng kém chất lượng, quảng cáo “lố”, thổi phồng công dụng sản phẩm như Lê Dương Bảo Lâm, Ngọc Trinh, Khả Như…
Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ cũng vô tình trở thành nạn nhân khi ngang nhiên bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo sản phẩm sai sự thật như H’hen Nie, Quyền Linh, Công Lý…
Đặc biệt, mạng xã hội liên tục xuất hiện các tin giả, tin tiêu cực, chống phá nhà nước… được chia sẻ bởi những người có lượng theo dõi cao gây nên sự nhiễu loạn thông tin, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam.
Vậy làm cách nào để sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, không bị vướng vào những thông tin tiêu cực và trở thành nạn nhân của mạng xã hội?
(Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục thông tin)