Ngày 15/8, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết về một “sân chơi chính trị” rộng lớn mà ở đó, Mặt trận ngày càng khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt và duy nhất của mình. Bởi bên cạnh trách nhiệm vận động nhân dân ở tầm vĩ mô, ở những phong trào có tính chất chính trị xã hội thì Mặt trận đã và đang đi thẳng vào những vấn đề của con người.
Giáo sư Đỗ Quang Hưng.
Đoàn kết hơn, tính đại diện cao hơn
PV: Thưa Giáo sư, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra việc cần kết hợp và triển khai hài hoà các yếu tố tạo thành động lực phát triển đất nước. Một trong những nhân tố đó là phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Theo ông, sức mạnh đại đoàn kết ấy cần được cụ thể hoá thành hành động như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Giáo sư Đỗ Quang Hưng: Quan điểm về đại đoàn kết dân tộc là nét mới trong tư duy chính trị của 2, 3 Đại hội gần đây. Tức là chúng ta đặt vấn đề đại đoàn kết dân tộc trong một phạm vi rất rộng lớn và mở rộng ra cả người Việt Nam ở nước ngoài.
Cách nhìn nhận của chúng ta khi nói về đại đoàn kết dân tộc cũng không phải nhìn trên các lực lượng lớn theo quan điểm giai cấp ngày xưa mà có cả những lực lượng xã hội, nhóm xã hội. Cách nhìn như vậy là một điểm rất mới.
Điểm mới nữa là trước đây chúng ta nói đến đại đoàn kết toàn dân tộc là chúng ta nhấn mạnh nhiều đến thông điệp thống nhất về chính trị. Bây giờ chúng ta vẫn nhấn mạnh thông điệp này nhưng sâu hơn nữa là chúng ta tìm đến đồng thuận xã hội.
Điểm mới thứ ba khi nói đại đoàn kết đân tộc bây giờ chúng ta nhấn mạnh đến lợi ích, đó là lợi ích của nhà nước, quần chúng nhân dân, cá nhân. Đó chính là bốn điểm then chốt về tư duy chính trị mới trong vấn đề đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
Để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, Mặt trận chính là trung tâm vì Mặt trận là một trong những lực lượng chính trị vận động bậc nhất. Bây giờ, vai trò của Mặt trận có nét mới là một tổ chức rộng lớn nhất của dân tộc ta về phương diện chính trị xã hội và nhân dân nói chung. Vị thế của Mặt trận hiện nay là mở rộng sự đoàn kết hơn trước, tính đại diện cao hơn.
Hiện nay, Mặt trận có những chức năng nhiệm vụ rộng lớn hơn, ngoài những chức năng chung là cơ quan có điều kiện để tập hợp đại đoàn kết dân tộc thì còn làm nhiều chức năng khác. Chính vì thế, Mặt trận trực tiếp củng cố và can thiệp vào hệ thống thiết chế chính trị của đất nước.
Dấu ấn cá nhân trong tổ chức Mặt trận
Còn nhớ cách đây hai năm, trong một cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết về Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi trình trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII, Giáo sư đã bày tỏ sự tin tưởng: Luật MTTQ Việt Nam sửa đổi chắc chắn sẽ nhận được nhiều chia sẻ từ nhân dân bởi hai điều ấn tượng: Mặt trận không chỉ là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn trực tiếp tham gia "sân chơi” chính trị lớn của đất nước thông qua vai trò giám sát và phản biện. Vậy cho đến lúc này, khi Luật Mặt trận đã đi vào cuộc sống, vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận ngày càng được thể hiện rõ nét hơn trong đời sống chính trị, xã hội, nhìn lại quá trình đó, ông muốn khẳng định lại, những dự cảm của mình là đúng?
- Cảm ơn chị đã giúp tôi nhớ lại dự cảm hai năm trước khi chúng ta đang chuẩn bị đón Luật Mặt trận sửa đổi. Đúng là tôi có nói đến “ngôi nhà chung” và “sân chơi chính trị”. Nhận định này tôi vẫn muốn giữ và tôi tự thấy vẫn có cái lý ở 2 sở cứ cho đến thời điểm hiện nay.
Sở cứ thứ nhất, khi nói về Mặt trận đã trở thành sân chơi chính trị mới cho quần chúng, tất cả các lực lượng xã hội là bởi đã xuất hiện vị trí, vai trò của Mặt trận theo Luật mới. Bản thân tổ chức của Mặt trận đã có khả năng đóng góp trực tiếp hơn vào các vấn đề chính trị của đất nước, từ lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đấy là nét mới trước đây chưa từng có, đấy là sân chơi chính trị vô cùng lớn.
Trở lại với chức năng mới của Mặt trận là giám sát và phản hiện, hiện nay chúng ta mới đi những bước đi đầu tiên, chưa phải có nhiều thực tiễn. Nhưng đây chính là cơ hội để thể hiện rõ nét là một sân chơi chính trị chiều sâu, rộng lớn. Trong đó, vai trò rất lớn của Mặt trận là sẽ tham gia giải quyết như thế nào mối quan hệ giữa hành pháp và lập pháp.
Đồng thời, khi tôi nói sân chơi chính trị, thì phải hiểu thế này. Trước đây Mặt trận là “sân chơi chính trị” của đám đông: Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Trí thức… Còn bây giờ, “sân chơi chính trị” của Mặt trận đã đi vào chiều sâu và bắt đầu có nét mới, đó là của cá nhân.
Tức là, bây giờ Mặt trận cho phép không phải chỉ những cá nhân tiêu biểu hay một vài trí thức nào đó có điều kiện được nói lên tiếng nói của mình mà là một nơi mà bất cứ người dân nào cũng có điều kiện để tạo nên tiếng nói. Mặt trận là một tổ chức lớn để tạo điều kiện phát triển nền dân chủ XHCN trong xã hội.
Người Việt Nam hiện nay tham gia Mặt trận không còn ở tư cách của đám đông nữa mà bắt đầu ghi dấu ấn của mỗi cá nhân tham gia Mặt trận và cũng đóng góp chung vận mệnh của đất nước, nâng cao tính công dân lên. Đấy là hai điểm để minh chứng cho nét mới của “sân chơi chính trị”.
Vị trí riêng, đặc biệt và duy nhất
Tôi hoàn toàn đồng tình với những điều Giáo sư vừa chia sẻ. Tuy nhiên, Mặt trận còn có chức năng giám sát, phản biện - công cụ hữu hiệu để đảm đương tốt hơn vai trò là người đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Mặt trận có sự đoàn kết, tập hợp tất cả những lực lượng dân tộc và trong các mục tiêu chung của dân tộc, trong những phong trào thi đua yêu nước. Nhưng phải có không ít những kiến định cho rằng tính cách, tổ chức của Mặt trận là một phương tiện, công cụ để thực hiện các mục đích chính trị của Đảng.
Bởi vì Mặt trận gắn bó với Đảng một cách rất mật thiết. Logic này, nếu suy diễn tiếp có thể cho rằng Mặt trận thực chất chỉ là “cây cảnh” của chế độ. Trên thực tế, những tư duy chính trị gần đây về phía Đảng cũng như về tiến trình chính trị đã có những bước tiến rất rõ ràng.
Tức là họ thấy rằng sự thống nhất của Đảng với Mặt trận cũng như thành phần khác trong hệ thống chính trị của Việt Nam có tính thống nhất cao nhưng nó vẫn là những thành tố có giá trị độc lập riêng và có những chức năng riêng.
Do vậy mới nói, trong cơ cấu chính trị, cụ thể Mặt trận càng ngày càng có thêm những điều kiện, công cụ pháp lý, chức năng là phản biện và giám sát xã hội. Tới đây, có thể còn có những chức năng khác nữa, nhưng trước mắt với chức năng mới này thì tự nó đã bác bỏ những suy nghĩ nào đó của một ai đó hay của một dư luận nào đó về vai trò, vị trí của Mặt trận.
Bởi bên cạnh sự gắn bó, đồng hành, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp chung của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thì Mặt trận vẫn có vị trí riêng, đặc biệt và duy nhất trong tất cả những tiến trình đó.
Vậy điều ấn tượng của ông với Mặt trận lúc này là gì?
Tôi có một cảm nhận rất rõ ràng Mặt trận đang thực sự hướng về cuộc sống thực chứ không chỉ là ý chí chính trị đoàn kết chung chung nữa. Trong đó Mặt trận đã biết chọn ra những điểm nóng trong cuộc sống như giám sát người có công- lần đầu tiên sau 40 năm chúng ta mới làm được.
Hay như việc hỗ trợ và giám sát hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng cá chết do ô nhiễm từ Công ty Formosa ở Hà Tĩnh, đồng bào bị hạn hán ở Nam bộ và Tây Nguyên cho đến việc tham gia giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm- tuyên chiến với “Quốc nạn” thực phẩm bẩn. Từ những việc làm cụ thể như vậy, chúng tôi cảm nhận được tiếng vang từ tình cảm của nhân dân dành cho Mặt trận.
Tất cả những hoạt động này để thấy, bên cạnh trách nhiệm vận động nhân dân ở tầm vĩ mô, ở những phong trào có tính chất chính trị xã hội thì Mặt trận đã và đang đi thẳng vào những vấn đề của con người, của từng khu vực, từng nhóm, đến từng gia đình.
Tôi rất mong trong thời gian tới, Mặt trận cần chủ động hơn nữa, tiên phong phát hiện nhiều điểm nóng hơn nữa để góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ giải quyết những bức xúc của nhân dân, từ đó góp phần củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!