Trước thềm Đại hội Mặt trận MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đã chia sẻ những suy nghĩ và kinh nghiệm của ông về công tác Mặt trận.
Ông Phạm Thế Duyệt. Ảnh: Quang Vinh.
PV:Thưa ông, bây giờ nhớ lại những ngày làm công tác Mặt trận, ông nhớ nhất là việc gì? Nhiều người hay nhắc tới Ngày Vì người nghèo do ông chủ trương khởi xướng?
Ông Phạm Thế Duyệt: Ngày Vì người nghèo rất tốt, nhưng đó chỉ là một việc. Cá nhân mình, tôi không coi việc xây dựng được Ngày Vì người nghèo là công phu. Cái được lớn nhất, cái kỳ công và công phu của thời kỳ đó là đưa ngày 18-11 trở thành Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư. Nhờ có Ngày hội mà làm cho toàn dân hiểu hơn về Mặt trận, hiểu về Mặt trận dân tộc thống nhất và ngày truyền thống đại đoàn kết toàn dân. Tuy chưa phải tất cả nhưng đã tạo được không khí trên cả nước.
Từ hồi đó đến nay, Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư năm nào cũng có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, bà con ở khắp các khu dân cư trong cả nước cùng tham gia vào một hoạt động chung, gắn bó, đoàn kết, nhiều nơi còn sáng kiến có cả bữa cơm đoàn kết, thực sự đúng nghĩa là Ngày hội.
Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư đã được xây dựng rất cẩn thận. Tôi trực tiếp đi tới từng khu dân cư, đi đến sóc Bom Bo, đến khu dân cư ở vùng Công giáo toàn tòng ở Đồng Nai, đi vào vùng đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, đi hẳn vào những vùng rất khó khăn để xây dựng phong trào…
Vậy tình hình hiện nay đang đặt công tác Mặt trận trước những khó khăn và thách thức gì, thưa ông?
- Tình hình bây giờ rất phức tạp khó khăn, trong nội bộ Đảng, trong nhân dân còn nhiều trăn trở. Mặt trận phải nói những điều chưa nói hết, phải nói những điều mới chưa đề cập đến. Nói là để có đường hướng giải quyết, có giải pháp tích cực, giúp cho Đảng, cho các nhà lãnh đạo đất nước thấy được những điều toàn dân đang mong mỏi.
Không nói vai trò, vị thế của Mặt trận cao hay thấp nhưng Mặt trận là đại diện cho toàn dân phải thể hiện được tiếng nói đầy đủ nhất của các tầng lớp nhân dân. Chú ý những vấn đề mà dân cần, dân quan tâm là Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thế nào để làm tốt khâu giám sát và phản biện xã hội. Tiếng nói của Mặt trận là tiếng nói trên tinh thần xây dựng.
Thưa ông, trong thời gian qua hàng loạt cán bộ lãnh đạo (kể cả cấp rất cao) tham nhũng tiêu cực bị kỷ luật, bị phạt tù. Trong tình hình ấy Mặt trận phát huy vai trò như thế nào trong việc giám sát công tác cán bộ và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh?
- Thực tiễn cho mình những bài học rất sâu sắc. Tôi nói ví dụ thực tiễn vừa qua phản ánh chúng ta đã không quan tâm đúng mức tới công tác cán bộ từ vấn đề đào tạo, rèn luyện thử thách, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt, cất nhắc. Chúng ta đã đơn giản trong vấn đề đánh giá cán bộ. Và đứng góc độ của một người từng làm công tác quần chúng, công tác Mặt trận, công tác Đảng tôi rất quan tâm tới đánh giá của quần chúng về cán bộ.
Nếu có cách làm thẳng thắn, thì chắc chắn quần chúng nhân dân và cán bộ đảng viên ở cấp cơ sở sẽ có ý kiến rất tốt cho công tác cán bộ của chúng ta. Còn nếu đề bạt cán bộ chỉ bằng quy trình của tổ chức thì chắc chắn sẽ có những hạn chế, tốt thì có cái tốt nhưng bảo thế là đã yên tâm thì không dễ.
Thế cho nên phải có giảm sát - phản biện. Giám sát - phản biện xã hội đừng chỉ nghĩ là đi giám sát về môi trường hay phản biện vấn đề chính sách nọ kia, mà giám sát là giúp cho Đảng, qua tai mắt của nhân dân, nhìn thấy ông cán bộ này chưa xứng đáng, ông kia tốt…
Quốc hội đại diện cho quyền lực của nhân dân. Nhưng đại diện cho nhân dân một cách rộng rãi nhất định phải là Mặt trận. Vì bầu đại biểu vào Quốc hội cũng do Mặt trận hiệp thương lựa chọn, chứ Quốc hội không tự chọn đại biểu Quốc hội. Từ cái lý lẽ đó để mà suy nghĩ, biết dựa vào Mặt trận biết phát huy dân chủ trong dân, thì sẽ không có kết quả bầu cử là ở nhiều nơi vẫn còn chưa thực chất, bầu xong thì lại phải bãi miễn, bầu xong thì đại biểu lại bị Đảng kỷ luật. Vừa rồi có vài đại biểu Quốc hội rơi vào vòng lao lý phải đưa ra khỏi Quốc hội… Những cái đó cho chúng ta bài học đắt giá trong hiệp thương, lựa chọn.
Chúng ta đã có đầy đủ cơ chế để Mặt trận thực hiện vai trò giám sát - phản biện. Tuy nhiên, trong thực tế, nhất là ở cơ sở vẫn còn nhiều chỗ vướng, suy nghĩ của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi nghĩ phải có hai vế, không thể chỉ từ phía Mặt trận mà Đảng cũng phải cố gắng tạo điều kiện để Mặt trận được phát huy vai trò của mình là đại diện cho nhân dân.
Tôi nghĩ dứt khoát Đảng phải nắm công tác cán bộ, Đảng phải sử dụng cán bộ nhưng Đảng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, phải biết dựa vào Mặt trận và các đoàn thể để lựa chọn cán bộ cho xứng đáng. Mặt trận nếu có phương pháp làm thì sẽ tập hợp được rất nhiều ý kiến phản ánh báo cáo cho Đảng, còn Đảng tiếp thu đánh giá thẩm định thế nào là quyền của Đảng, đó là nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu chỉ thực hiện quyền của đại hội, của cấp ủy mà không có những ý kiến đóng góp thật sự của nhân dân thì sẽ khó tránh được việc để lọt những người không đủ năng lực và phẩm chất vào những cơ quan lãnh đạo.
Dứt khoát Mặt trận phải thể hiện rõ trách nhiệm trong việc chọn người xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội. Nếu làm hình thức thì thế nào cũng gật. Nhưng nếu Mặt trận làm đúng, làm tốt, thì Đảng có quyền lãnh đạo, có quyền giới thiệu, có quyền gợi ý, nhưng Mặt trận phải có trách nhiệm trong việc thẩm định, trong việc nghe ý kiến của nhân dân qua 3 vòng hiệp thương, xem qua các vòng hiệp thương thì thực sự người dân có ý kiến về cán bộ thế nào. Ở đây tôi nhấn mạnh chữ thật sự, chứ còn nếu làm cho đủ các bước, cho phải phép, cho đủ lệ, đủ qui trình thì nó sẽ có kết quả như chúng ta đã thấy là có những người sai phạm, không đủ phẩm chất và năng lực vẫn được giới thiệu và bầu làm đại biểu Quốc hội.
Thưa ông, như vậy thực tiễn cho thấy bài học lớn nhất vẫn là lòng dân, lắng nghe được tâm tư nhân dân, nguyện vọng của nhân dân?
- Biết dựa vào nhân dân để thực hiện nhiệm vụ cách mạng nói chung, kể cả công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ, nếu biết dựa vào dân thì mới có kết quả. Nếu không làm như thế chắc chắn sẽ bị hạn chế, không dễ gì tốt được.
Tôi thường suy nghĩ nhiều đến việc Mặt trận phải phát huy được sức mạnh của toàn dân. Làm thế nào để các đoàn thể đều mạnh thì Mặt trận mới mạnh được. Đảng lãnh đạo Mặt trận, nhưng Đảng cũng tự nhận là thành viên Mặt trận thì lề lối quan hệ thế nào để biết lắng nghe Mặt trận, lắng nghe thực sự, chú ý đúng mức, quan tâm đúng mức đến việc Mặt trận và nhân dân góp phần vào để giải quyết vấn đề then chốt của Đảng là công tác xây dựng Đảng.
Điều tôi suy nghĩ nhiều là Đảng có hơn 4 triệu đảng viên, nhưng nhân dân ta thì hơn 90 triệu người, có phải chăng trong nhân dân không còn những người xứng đáng? Rất nhiều vị trí cần phải có chính sách để đưa được người ngoài đảng tham gia vào các công việc của đất nước. Tôi không nhầm lẫn việc Đảng phải nắm công tác cán bộ, nhưng nên học Bác Hồ là sử dụng tất cả những người giỏi, người tài, người yêu nước có đạo đức để tham gia vào công việc của đất nước.
Ông gửi gắm điều gì vào Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần này?
- Làm sao Đại hội này đánh giá được đúng đắn tình hình trong nước và thế giới, đánh giá được thuận lợi và khó khăn, những thách thức lớn đang đặt ra, đang phải vượt lên, đang phải tạo sự đồng tâm nhất trí trong toàn Đảng, toàn dân… để khắc phục cho được.
Với Đại hội lần này, Giám sát và phản biện xã hội là vấn đề không mới nữa. Suy nghĩ từ góc độ của người đã từng làm Mặt trận thì tôi coi việc giám sát – phản biện rất quan trọng để phát huy dân chủ trong dân, giúp cho Đảng thực hiện xây dựng chỉnh đốn Đảng thiết thực.
Thưa ông, khối đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay?
- Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc bao giờ cũng quan trọng. Nhưng thời điểm bây giờ lại càng quan trọng hơn. Đoàn kết trước hết trong Đảng rồi trong toàn dân. Chỉ có đoàn kết mới đủ sức vượt lên và đối phó với những phức tạp của tình hình hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!