Ngày 28/5, tại Hội thảo “Giải pháp tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, Mặt trận phải là nơi vận động, động viên nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng và là địa chỉ tin cậy cho người dân phản ánh các hiện tượng tham nhũng xảy ra trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại hội thảo.
Trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động số 19/CTr-MTTW về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020…
Đặc biệt, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” nhằm phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thông qua các bài báo phản ánh hiện tượng tham nhũng, lãng phí, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tập trung phân tích, chọn lọc một số phản ánh có cơ sở và gây bức xúc xã hội để gửi tới các cơ quan của Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có liên quan để kiến nghị và theo dõi kết quả giải quyết của các cơ quan, thông báo cho nhân dân biết.
Tại hội thảo, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận nhằm đưa ra giải pháp đẩy mạnh chất lượng các hoạt động tuyên truyền, giải pháp nhằm bảo vệ người tham gia tố cáo tham nhũng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng của MTTQ Việt Nam.
Theo ông Đỗ Duy Thường, Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Mặt trận các cấp cần phát huy vai trò của báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là đối với các cơ quan báo chí của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.
Lấy ví dụ từ những phóng sự điều tra mà báo Đại Đoàn Kết phản ánh, ông Đỗ Duy Thường cho rằng, Mặt trận các cấp cần khai thác thông tin từ những bài báo cụ thể để lấy căn cứ và vào cuộc xử lý các vụ việc tham nhũng đang xảy ra trên địa bàn. Phải khai thác hiệu quả thông tin mà các cơ quan báo chí của Mặt trận trực tiếp phản ánh về hiện tượng tham nhũng, lãng phí để từ đó tập trung đề xuất giải quyết một số vụ việc cụ thể với chính quyền các cấp. Đặc biệt phải đi đến cùng vụ việc.
Cũng theo ông Đỗ Duy Thường, Mặt trận các cấp cũng cần phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để trực tiếp phát hiện các vụ việc tham nhũng, động viên nhân dân phản ánh các vụ việc và tập hợp gửi lên cấp trên có thẩm quyền xem xét.
Ở một góc độ khác, ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, tiếng nói của Mặt trận trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chính là tiếng nói của nhân dân, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, động viên nhân dân phản ánh các vụ việc tham nhũng xảy ra trên địa bàn. Muốn làm được điều đó phải làm rõ vai trò của Mặt trận trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Mặt trận phải dựa vào dân, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân phản ánh tham nhũng; phải khơi dậy tính tự giác của quần chúng nhân dân thông qua việc phát hiện những vụ việc trên địa bàn. Nếu Đảng không dựa vào tiếng nói của nhân dân thông qua vai trò của Mặt trận thì công cuộc phòng chống tham nhũng không thể thành công.
Quang cảnh hội thảo.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, ý kiến đã chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể để giúp Mặt trận các cấp phát huy vai trò của mình trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Hiện nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì thực hiện 2 chương trình giám sát đó là giám sát cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế, hải quan; Giám sát cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Từ chương trình giám sát này, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có những kiến nghị cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai và huy động được sự quan tâm của người dân vào hoạt động giám sát, góp phần đẩy lùi tham nhũng.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao cần phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Mặt trận các cấp cần căn cứ vào những bài báo phản ánh về hiện tượng tham nhũng để từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất tập trung vào một số vụ việc cụ thể để yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết.
“Có những vụ việc tồn tại lâu chưa thể giải quyết nhưng khi báo chí vào cuộc thì vụ việc đã có tác động tới cấp ủy, chính quyền cùng cấp và đã có hướng giải quyết hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, các chương trình giám sát, phản biện của Mặt trận đều phải hướng về nhân dân. Mặt trận phải là nơi vận động, động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng và là địa chỉ tin cậy cho người dân phản ánh các hiện tượng tham nhũng xảy ra trên địa bàn.