Vụ việc Arab Saudi bị không kích bằng máy bay không người lái (drone) và tên lửa hành trình cho thấy hệ thống phòng không xa xỉ của nước này không hiệu quả, đồng thời cũng chỉ ra một vấn đề lớn hơn: Kỷ nguyên của chiến tranh drone đang là thách thức đối với nhiều nước trên khắp thế giới.
Máy bay không người lái (drone) trở thành thách thức mới đe dọa nhiều quốc gia. (Nguồn: AFP).
Các tên lửa hành trình được sử dụng trong các vụ tấn công nhằm vào nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới ở Abqaiq, Arab Saudi vừa qua đều là các phiên bản chỉnh sửa từ mẫu tên lửa Nga có từ những năm 1970 – trong khi drone vẫn được xem là “vũ khí người nghèo” dù cho nó ngày càng trở nên tinh vi hơn. Thế nhưng 2 loại vũ khí bị xem thường này lại phối hợp hết sức hiệu quả, đánh tụt 5% tổng sản lượng dầu cung ứng cho thế giới, với giá trị hàng tỷ USD.
Một số quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận rằng, vừa qua, các hệ thống tên lửa của Mỹ và Arab Saudi không hề phát hiện ra vụ phóng drone hay tên lửa trong vụ tấn công. Một trong số các nguyên nhân là, phần lớn hệ thống phòng không của họ tập trung về hướng của Yemen, nơi mà nhóm phiến quân Houthi thường xuyên phóng tên lửa và drone sang lãnh thổ Arab Saudi trong suốt 2 năm qua.
Theo giới chuyên gia, các tên lửa hành trình đã bay với cao độ thấp để tránh bị phát hiện và tránh di chuyển qua khu vực vịnh Ba Tư, bởi đấy là nơi mà các hệ thống radar của Mỹ và Arab Saudi hoạt động mạnh nhất.
Trong suốt 2 năm qua, Arab Saudi đã đối phó rất hiệu quả với vô số tên lửa đạn đạo tầm ngắn phóng từ Yemen. Ông Turki al Malki - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Arab Saudi - nói trong một cuộc họp báo mới đây rằng tính đến nay họ đã đánh chặn được hơn 230 tên lửa như vậy. Thế nhưng các tên lửa đạn đạo – vốn phải bay ra khỏi bầu khí quyển sau đó vòng xuống – lại không phải là thách thức hiện tại. Arab Saudi hiện sở hữu tới 6 tiểu đoàn được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không Patriot do Mỹ sản xuất, được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa đang nhắm tới họ. Jeremy Binnie – biên tập viên của chuyên trang quân sự Jane’s Defense – nói rằng: Theo các hình ảnh vệ tinh gần đây, “Arab Saudi đã phải chuyển các hệ thống Patriot tới bảo vệ tỉnh miền Đông, trong đó có một tổ hợp hướng về phía Iran, tổ hợp còn lại hướng về phía Yemen”. Mới đây, một tổ hợp Patriot khác được triển khai tới khu vực phía Đông Abqaiq, nhưng vẫn quay về hướng Yemen. Dù vậy thì mọi tên lửa hành trình tiếp cận từ phía Bắc cũng có thể xuất hiện trên radar của tổ họp này, dù chỉ là thoáng qua.
Theo ông Binnie, thách thức với Arab Saudi càng lớn hơn do “việc Iran phát triển các tên lửa hành trình có tầm bắn xa, có thể lợi dụng yếu điểm này. Các hệ thống phòng thủ của Arab Saudi vốn đã phải căng mình đối phó với mối đe dọa từ Yemen, nên giờ những vũ khí mới của Iran càng có nhiều lựa chọn tấn công hơn”.
Áp đảo bằng số lượng
Vào tháng 10/2017, Arab Saudi từng tuyên bố về kế hoạch mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, vốn có tầm bắn xa hơn Patriot của Mỹ. S-400 chủ yếu được thiết kế để đối phó với tên lửa đạn đạo, nhưng nó lại kết hợp được với một hệ thống nhỏ hơn cũng do Nga sản xuất là Pantsir S1 – được thiết kế chuyên để diệt tên lửa hành trình tầm ngắn và cả drone. Pantsir là tổ hợp bao gồm cả tên lửa và pháo phòng không. Dù vậy thì ông Binnie cho rằng “ngược lại vẫn những gì mà phía Nga nói, tổ hợp này tỏ ra không mấy hiệu quả trên chiến trường Syria”.
Arab Saudi còn sở hữu một hệ thống khác – mua từ Đức – để đối phó với các đòn tấn công tầm ngắn có tên gọi Skyguard. Tổ hợp này bao gồm xe radar kết hợp với pháo phòng không, nhưng chúng chỉ hiệu quả nếu như được triển khai gần mục tiêu mà chúng muốn diệt. Theo ông Binnie, có ít nhất 1 tổ hợp Skyguard đã được triển khai tới Abqaiq.
Michael Duitsman – chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chống phổ biến vũ khí James Martin, trụ sở tại California (Mỹ) – cho rằng hệ thống radar của Skyguard, nếu hoạt động, cũng sẽ tốn thời gian để phân biệt các vật thể tấn công. “Thời gian cảnh báo rất ít – các drone có thể xuất hiện trên màn hình radar của Skyguard trong khoảng dưới 2 phút trước tiếp cận mục tiêu, và đó chỉ là nếu nó xuất hiện trên màn hình radar” – ông Duitsman nói. Vấn đề ở đây là, các hệ thống phòng thủ ở Abqaiq chỉ được thiết kế để ngăn chặn đòn tấn công bằng máy bay có người lái. Ông Duitsman còn cho biết thêm: “Khoảng cách mà phần lớn các hệ thống radar có thể phát hiện ra drone cỡ nhỏ hay tên lửa hành trình nhỏ hơn nhiều so với khoảng cách chúng có thể phát hiện ra một chiếc máy bay có người lái”.
Theo ông Justin Bronk – chuyên gia phân tích thuộc Viện Thống nhất các Lực lượng Hoàng gia ở London (Anh) – tổ hợp Skyguard “có tầm bắn rất giới hạn, bởi vậy cũng hạn chế khu vực mà mỗi tổ hợp có thể bảo vệ. Chúng dễ dàng bị áp đảo khi phải đối diện với nhiều mối đe dọa cùng lúc, đặc biệt là khi các mối đe dọa xuất hiện từ nhiều hướng khác nhau”.
Đây cũng là một viễn cảnh đáng sợ đối với Arab Saudi nói riêng và nhiều nước khác nói chung: Hàng loạt các vật thể tấn công đến từ nhiều hướng khác nhau, trong đó một số còn có khả năng chặn sóng hay làm nhiễu hệ thống radar, số còn lại áp đảo các hệ thống phòng không. Trong khi đó, đòn tấn công này có chi phí khá rẻ.
Ông Bronk cho hay “chi phí thực hiện đòn tấn công kiểu như vậy khá rẻ so với bên tấn công, có nghĩa là Arab Saudi sẽ phải chi hơn rất nhiều so với địch thủ để bảo vệ chính họ trước các khả năng tấn công bổ sung. Bởi vậy, gần như không có cách nào để vương quốc này có thể bảo vệ toàn diện trước các đòn tấn công như vậy”.
Hậu quả là, ít nhất một số cơ sở dầu khí đóng vai trò quan trọng đối với nguồn cung dầu thế giới dễ chịu tổn thất.
Thách thức mới với hệ thống phòng thủ
Kỷ nguyên của chiến tranh bằng drone dường như đã mở ra nhiều mối đe dọa, và đến nay vẫn chưa có cách ứng phó hiệu quả. Drone có giá khá rẻ, trong khi có thể mang theo lượng chất nổ khá lớn; chúng có tầm bắn xa và độ chính xác cao. Ngày nay, drone ngày càng được các tổ chức phiến quân và khủng bố sử dụng nhiều hơn. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từng sử dụng hàng chục drone nhằm tiêu diệt các xe thiết giáp của quân đội Iraq trong trận chiến ở Mosul năm 2016. Vào hồi tháng 1/2018, Moskva tuyên bố rằng các nhóm phiến quân Syria đã triển khai 13 drone tấn công các căn cứ không quân Nga trên lãnh thổ Syria – mỗi drone mang khoảng 10 trái bom cỡ nhỏ chứa nửa kg chất nổ. Nga lúc đó nói rằng họ đã vận dụng các biện pháp điện tử cùng hệ thống Pantsir để chặn đứng đòn tấn công này.
Quân đội Mỹ đã triển khai nhiều tên lửa đất - đối - không Stinger cùng lực lượng mặt đất để đối phó với mối đe dọa từ drone. Trong những năm gần đây, họ cũng thực hiện một cuộc tập trận có tên “Black Dart” (Phi tiêu đen) có nội dung chuyên về đối phó với drone thù địch, sử dụng từ vũ khí laser cho tới pháo và biện pháp điện tử.
Ông Binnie dự đoán rằng cú sốc từ vụ tấn công hồi cuối tuần trước rồi sẽ khiến cho Arab Saudi – vốn đã là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới – phải mua thêm vũ khí. “Trước đây từng tập trung vào phòng thủ tên lửa đạn đạo, giờ Arab Saudi và nhiều nước khác phải tìm cách tự vệ trước tên lửa hành trình” – vị chuyên gia nhận định.
Một sự trớ trêu trong chiến tranh hiện đại ngày nay khi mà những thứ “bay tầm thấp, chậm chạp và nhỏ” lại thường gây ra mối đe dọa lớn hơn cả những vũ khí tối tân. Arab Saudi chính là nước đầu tiên học được sự trớ trêu đó theo cách đau đớn nhất.