Diễn đàn là không gian lớn, nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp cả nước giao lưu, chia sẻ kinh nghiệp, tìm kiếm cơ hội phát triển, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực và phát triển cơ hội thị trường.
Sáng 24/11, tại thành phố Cần Thơ, các tỉnh, thành phố trong mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang-Bến Tre-Cần Thơ-Đồng Tháp), Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức khai mạc Diễn đàn Mekong Connect năm 2022 chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững".
Tham dự khai mạc Diễn đàn Mekong Connect năm 2022 có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành thuộc mạng lưới ABCD Mekong, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, đây là hoạt động thường niên dành cho: doanh nhân, doanh nông, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia… và các đối tượng có mối quan tâm đặc biệt đến Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu gắn kết, kết nối giữa các địa phương An Giang - Bến Tre - Đồng Tháp - Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế, xã hội giữa các tỉnh, thành phố.
“Diễn đàn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt các cơ hội, thách thức khi tham gia thị trường quốc tế và tăng cường liên kết, hợp tác để nâng cao lợi thế cạnh tranh, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Đặc biệt, sự tham gia của TP Hồ Chí Minh hôm nay, với mong muốn đẩy mạnh liên kết với các tỉnh miền Tây, chia sẻ kinh nghiệm, cam kết, giới thiệu sản phẩm, cùng nhau định hướng phát triển, cùng nhau tìm và đưa ra các giải pháp hữu ích thông qua các phiên thảo luận tại Diễn đàn." - ông Trần Việt Trường cho biết.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao chủ đề của diễn đàn năm nay. Đồng thời nhận định, đây là nội dung được nhiều tỉnh, thành trong cả nước nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt được yêu cầu này sẽ tạo động lực, đưa kinh tế xã hội của các địa phương và toàn vùng bứt phá, sau đại dịch Covid-19, theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mới ban hành trong thời gian gần đây.
“Hy vọng, từ những kết quả nổi bật của vùng, sự quan tâm chỉ đạo phát triển, triển khai hạ tầng đã và đang đầu tư, sự chủ động liên kết, kết nối của các địa phương và đặc biệt thông qua diễn đàn này sẽ góp phần tạo động lực quan trọng tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế giúp khơi thông những “điểm nghẽn” tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển vùng ĐBSCL toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới.” – ông Trần Thanh Mẫn nói.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng: Cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL sẽ phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của phong trào Đồng khởi, khí phách anh hùng, thành đồng Tổ quốc và phẩm chất cao quý và tốt đẹp của người miền Tây; cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là TP Hồ Chí Minh và toàn Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần "Cả nước vì ĐBSCL - ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.
“Diễn đàn đã đánh dấu bước phát triển mới trong việc mở rộng liên kết vùng với sự tham gia của TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, tôi hy vọng diễn đàn sẽ tiếp tục mở rộng nhiều địa phương tham gia hơn để phát huy tinh thần liên kết cùng phát triển, liên kết tạo nên thịnh vượng.” – ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Diễn đàn Mekong Connect 2022 được tổ chức trong 2 ngày 23 và 24/11 với nhiều hoạt động nổi bật. Đây là cơ hội để các địa phương đẩy mạnh liên kết, hợp tác để cùng phát triển cũng như tìm giải pháp cho các doanh nghiệp trong khu vực, diễn đàn tổ chức 3 phiên thảo luận với các chủ đề: Chủ động nâng cao chất lượng liên kết tích hợp; khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Phát triển bền vững.
Tại đây các nhóm tiến hành thảo luận các nội dung như: Làm thế nào để thực hiện được các hoạt động liên kết thích hợp và đem lại giá trị cao trong thực tiễn; Làm thế nào để ứng dụng KHCN và thực hiện chuyển đổi số đi vào thực tiễn của đời sống kinh tế; Chuẩn bị nguồn nhân lực khoa học công nghệ cho kinh tế ĐBSCL; Khai thác và phát triển kinh tế biên mậu; Phân tích kinh nghiệm thành công của các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn; Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế; Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, một số kinh nghiệm.
Trong phiên thảo luận chung, các đại biểu tham gia trao đổi với nội dung: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện chuyển đổi số đi vào thực tiễn của đời sống kinh tế và chuẩn bị nguồn nhân lực khoa học công nghệ cho vùng ĐBSCL.
Tại phiên “Chủ động nâng chất lượng liên kết tích hợp”, đại diện mỗi tỉnh trong ABCD Mekong và lãnh đạo TP HCM giới thiệu về 01 dự án liên kết quan trọng nhất mà địa phương dự kiến thực hiện trong 2023.
Theo đó, trong thời gian tới, TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, TP HCM sẽ lần lượt thực hiện các dự án: Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ; Trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại tỉnh An Giang; Bến Tre và các tỉnh duyên hải phía đông qua tăng cường kết nối hạ tầng liên kết vùng (đường ven biển, cầu Đình Khao và Rạch Miễu 2; các dự án liên kết của tỉnh Đồng Tháp và Bàn ăn Xanh - Liên kết bền vững để nâng cao tiêu chuẩn nông sản, thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng.
Với phiên khoa học công nghệ, đổi mới và chuyển đổi số, diễn đàn đã tiến hành thảo luận "Làm thế nào để ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện chuyển đổi số đi vào thực tiễn của đời sống kinh tế" và "Chuẩn bị nguồn nhân lực khoa học công nghệ cho kinh tế ĐBSCL."
Trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2022, đã diễn ra chương trình phiên chợ khởi nghiệp xanh, đây là hoạt động mới cửa diễn đàn năm nay. Phiên chợ tập trung các gian hàng đến từ nhiều địa phương như: An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, TP HCM, gian hàng của các bạn thanh niên đạt giải Lương Định Của, chương trình Techfest quốc gia, các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ VN – Hàn Quốc, Hiệp hội Sen Đồng Tháp. Đặc biệt, là khu vực gần 100 nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp xuất sắc của hệ sinh thái “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo" do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA xây dựng gần 10 năm qua.
Không chỉ trưng bày hàng hóa, bán nông đặc sản, sản phẩm OCOP 4, 5 sao, phiên chợ khởi nghiệp Xanh có nhiều hoạt động sôi nổi khác như giao lưu chia sẻ kinh nghiệm bán hàng, kinh nghiệm xuất khẩu đến các thị trường lớn”, business matching (kết nối) với các siêu thị, trung tâm thương mại lớn như Central Group Việt Nam và Cần Thơ, Trung tâm MM Mega Market, Co.op mart... Không chỉ là cơ hội mang sản phẩm của mình đến với khách hàng là người tiêu dùng ĐBSCL, đây còn là nới để các doanh nghiệp khởi nghiệp giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm bán hàng, cũng như lắng nghe các doanh nghiệp “đầu đàn” chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu đến các thị trường lớn.