Ngày 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Nhiều ĐB đã tán thành việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp để “khoan thư sức dân”, bởi số tiền thu 1 năm đối với các đối tượng miễn chỉ được 34,3 tỷ đồng, có tác động không đáng kể tới thu ngân sách nhà nước. Nếu so sánh với số tiền thất thoát, lãng phí của Phạm Công Danh là bằng 300 năm; so với Trịnh Xuân Thanh l
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu.
Đồng thuận miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho thấy, Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24-11-2010 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2020.Theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 thì hầu hết các đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đều được miễn hoặc giảm 50% số thuế phải nộp. Do đó, chỉ còn một số ít đối tượng phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Theo đó, tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước (tính đến 1-1-2014) là 26.822.953 ha, trong đó diện tích đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp là khoảng 10.233.632 ha (chiếm 38% tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước).
Tổng diện tích đất nông nghiệp được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 là khoảng 6.936.324 ha (chiếm 68% tổng diện tích đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp).
Tổng diện tích đất nông nghiệp còn phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp là khoảng 98.918 ha (chiếm 0,97% tổng diện tích đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp, trong đó: hộ gia đình, cá nhân là khoảng 67.333 ha; đơn vị vũ trang nhân dân là khoảng 1.901 ha; tổ chức là 29.684 ha).
Tổng số đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 là 12.573.747 người nộp thuế. Tổng số đối tượng còn phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp là khoảng 77.354 người nộp thuế.
Bộ trưởng Dũng đưa ra quan điểm, trong những năm qua, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do, do đó sức ép cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước cũng rất lớn đối với hàng nông sản của Việt Nam đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam phải được phát triển toàn diện, theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Vì vậy việc nghiên cứu bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là một giải pháp khả thi.
Ông Dũng cũng cho biết, hầu hết các nước đều có xu hướng áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với đất sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng: “Thực ra số tiền thu thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn của hộ gia đình, cá nhân chỉ khoảng 34,3 tỷ đồng/năm là không lớn và có tác động không đáng kể tới thu ngân sách nhà nước khi số tiền thất thoát, lãng phí của Phạm Công Danh bằng 300 năm; còn Trịnh Xuân Thanh bằng 100 năm”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc giảm thuế góp phần đảm bảo hội nhập, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp. Còn Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhìn nhận, việc miễn giảm thuế sử dụng đất sẽ khuyến khích nông dân sản xuất nông nghiệp, khai hoang mở rộng diện tích.
Nói như lời Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình thì, nước ta có 70% là nông dân, có đời sống khó khăn, cái gì làm lợi được cho người dân được thì làm.
Biển số xe đẹp có được coi là tài sản công?
Chiều cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Dự thảo luật lần này sẽ điều chỉnh thẩm quyền quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, xe ô tô công từ Thủ tướng Chính phủ sang Chính phủ để nâng cao hiệu lực pháp lý và thực thi trong thực tiễn.
Đồng thời Dự thảo cũng bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công bao gồm: Mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức PPP, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập; ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề: Biển số xe số đẹp, các loại phần mềm có được coi là tài sản công hay không? Giải trình, Bộ trưởng Dũng cho hay, tài sản phần mềm là tài sản trí tuệ, biển số xe cũng thế, nếu biết khai thác quản lý tốt, đem đấu thầu góp phần tăng thu ngân sách là tốt. Về mặt chi tiết thì như thế, nhưng để cụ thể hóa vào Luật thì sẽ phải bàn tính thêm.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đặt vấn đề: Với Trung tâm hành chính Đà Nẵng giả sử không dùng được chuyển đi chỗ khác nhưng đúng sai về việc này lại được chi phối bởi Luật Xây dựng. Nếu như vậy trong trường hợp này thì Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước lại không tác dụng.
Đề cập đến nhà công, xe công hiện đang rất nhiều, tiêu tốn ngân sách rất nhiều, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, Bộ Tài chính phải giải thích rõ vấn đề quản lý loại hình tải sản này vướng cái gì? Định hướng tới ra sao?
Không né tránh những vấn đề nóng Cùng ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nguyên tắc là tất cả nội dung trình ra Quốc hội cần phải chuẩn bị thật chu đáo và đảm bảo đúng Luật, đúng tiến độ và chất lượng. Đủ các yêu cầu trên mới trình ra Quốc hội. Theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta không tránh né nữa mà Quốc hội cần phải biết những vấn đề nóng bỏng liên quan đến đất nước, ảnh hưởng đến sinh mệnh của đất nước. Do đó với sự cố môi trường Formosa thì Chính phủ phải có Báo cáo riêng. Biển Đông cũng cần có Báo cáo riêng nhưng khác là Báo cáo về tình hình Biển Đông sau phán quyết của Toà Trọng tài thường trực, phản ứng của các nước cũng như giải pháp của chúng ta. |