Miễn thuế đất nông nghiệp cho người nông dân để “tăng lực” cho bà con là cần thiết; nhưng bên cạnh đó phải tăng cao thuế đối với những hoạt động sản xuất kinh doanh làm hại môi trường, gặm nhấm và hủy hoại sức khỏe con người; chứ không chỉ phạt vi phạm là xong.
Nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng vào sông hồ gây tác hại lâu dài.
Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, sau 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho thấy tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm.
Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là sự ưu việt của chế độ, được nông dân cả nước đồng tình, phấn khởi. Chính sách ấy đã hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nông nghiệp nước ta trong những năm qua có sự phát triển vượt bậc, có thể coi là thần kỳ. Trước những năm 90 của thế kỷ XX, nhiều nhà đói ăn do thiếu gạo, các loại thực phẩm cũng thiếu. Nhưng rồi, khi “Đổi mới” lan tỏa, người nông dân như được cởi trói, từ đó nông nghiệp nước nhà sang trang mới. Từ một nước thiếu lương thực phải nhập khẩu (hoặc là xin viện trợ), Việt Nam nhanh chóng trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo, an ninh lương thực giữ vững.
Để có được thành tích ấy, Đảng, Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tới nay, nông nghiệp Việt Nam đang dần hiện đại hóa với, đi vào chiều sâu chất lượng thay vì nỗ lực nâng cao số lượng. Vì thế, để tiếp sức cho người nông dân thì chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cần được tiếp tục. Tuy nhiên, như đã nói, tới nay nông nghiệp đã khác xưa nhiều thì bất cứ chính sách nào cũng cần phù hợp với thực tiễn, vừa tạo sự công bằng vừa kích thích sản xuất, tăng trưởng.
Nói điều đó là vì thực tế đó đây vẫn có hiện tượng thu gom đất nông nghiệp, hoặc sử dụng (không sử dụng) đất nông nghiệp một cách lãng phí. Nói như đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) thì để chính sách đạt mục tiêu đặt ra, Chính phủ chỉ miễn giảm đối với đất đang sản xuất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Còn đất không sản xuất giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp thuế 100% tiền sử dụng đất. Có như vậy mới không lãng phí đất.
Ở một góc khác, ủng hộ việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, tuy nhiên GS Võ Tòng Xuân cho rằng Nhà nước cũng cần tính toán loại thuế nào mà miễn giảm kích thích được sự phát triển thì cứ mạnh dạn để giảm hoặc miễn; còn đối với các mặt hàng, ngành mà ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân mà lại đang sử dụng nhiều thì tăng thuế, như rượu, bia hay thuốc lá.
Thực tế thì các mặt hàng như rượu bia, thuốc lá… đã phải chịu thuế thu nhập đặc biệt, nhưng cũng không thấm vào đâu so với lợi nhuận những mặt hàng này đem lại cho người sản xuất, kinh doanh chúng. Ai cũng biết rượu bia, thuốc lá là độc hại nhưng sức tiêu thụ vẫn rất khủng khiếp. Một khảo sát cho biết người Việt Nam tiêu thụ bia đứng trong top đầu của thế giới. Nhà máy bia còn mở ra ở cả cấp huyện. Còn “nhà máy rượu” thì đến cả gia đình. Năm nào cũng có vài ba chục vụ ngộ độc bia rượu, kể cả chết người. Còn thuốc lá, người Việt ta có lẽ cũng không chịu thua kém về mức độ “phì phèo”…
Đó là những mặt hàng dễ thấy, còn có những hoạt động sản xuất khác tác động rất xấu đến môi trường thì cũng cần phải đánh thuế thật cao. Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường đã phải nâng lên mức báo động, trong đó trách nhiệm lớn thuộc về các nhà máy đặt ở gần sông, gần biển. Vì sao họ lại chọn những vị trí ấy để xây nhà máy? Câu trả lời đơn giản nhất là để xả thải dễ dàng, trốn được việc bỏ tiền ra xây dựng hệ thống xử lý chất độc hại trước khi xả vào môi trường. Vụ Formosa vẫn còn đó như một bài học đắt giá. Rồi là chuyện nhà máy bức tử những dòng sông. Nhiều dòng sông đã biến thành “sông nước đen” chỉ có những loài sinh vật nào “ương ngạnh” lắm mới có thể sống sót. Nguồn lợi thủy sản dần biến mất, đời sống người dân dọc theo hai bên dòng sông ngày một gian nan. Mỗi khi nghe ở nơi nào đó, cá bè của người dân nuôi trên sông bỗng dưng lăn ra chét, lòng lại nhói đau.
Vì thế mới nói, miễn thuế đất nông nghiệp cho người nông dân để “tăng lực” cho bà con là cần thiết; nhưng bên cạnh đó phải tăng cao thuế đối với những hoạt động sản xuất kinh doanh làm hại môi trường, gặm nhấm và hủy hoại sức khỏe con người; chứ không chỉ phạt vi phạm là xong.