Minh bạch thu phí lòng đường, vỉa hè

PV 03/08/2023 06:57

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định ban hành Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/9/2023, thay thế Quyết định 74/2008 của UBND thành phố.

TPHCM dự kiến thu về 1.552 tỉ đồng/năm từ phí sử dụng lòng đường, vỉa hè.

Đáng chú ý, trong quy định vừa được ban hành, UBND TPHCM nhấn mạnh việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải nộp phí theo quy định. Tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo phương án đã được cơ quan chức năng giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chấp thuận; thu dọn các phương tiện, thiết bị, vệ sinh và hoàn trả nguyên trạng lòng đường, hè phố khi kết thúc sử dụng.

Phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè là khoản thu đối với tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo quy định của pháp luật. Sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải đảm bảo không gây mất trật tự, an toàn giao thông; không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức.

Chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ (không tính phần bó vỉa) tối thiểu từ 1,5m. Sử dụng tạm thời một phần lòng đường ngoài mục đích giao thông (không áp dụng trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị) phải bảo đảm phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn ô tô cho một chiều lưu thông; trường hợp đặc biệt do UBND thành phố quyết định.

Được biết, tại dự thảo đề án của Sở Giao thông vận tải TPHCM, mức thu sử dụng vỉa hè để kinh doanh là 20.000-100.000 đồng/m2/tháng và mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe là 50.000-350.000 đồng/m2/tháng, tùy theo vị trí các tuyến đường. Khoản phí thu được sẽ được nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.

Thu phí lòng đường, vỉa hè đã được đặt ra từ lâu và TPHCM cũng đã từng thí điểm. Rất nhiều đợt ra quân “giành lại lòng đường, vỉa hè” nhưng rồi cũng lại trôi đi, tình trạng lấn chiếm vẫn tái diễn vì nhu cầu kinh doanh, buôn bán, đậu xe ở vỉa hè là rất lớn. Đáng chú ý, một nghiên cứu của Tổng cục Thống kê cho thấy khu vực kinh tế phi chính thức (bao gồm cả kinh tế vỉa hè) thu hút 11 triệu lao động trong tổng số 46 triệu lao động cả nước (tương đương 24%).

Vấn đề là tổ chức thực hiện cho thuê thế nào, mức thu bao nhiêu, có minh bạch nguồn thu không và người thuê có “tranh thủ” lấn chiếm nhiều hơn càng làm khó cho giao thông, càng mất mỹ quan đô thị hay không. Bảo đảm sinh kế cho người dân nhưng không làm khó người đi bộ trên vỉa hè, lưu thông dưới lòng đường và đặc biệt là rất cần quy định chặt chẽ không để kẽ hở phát sinh tiêu cực. Để tránh trục lợi, mức giá cho thuê vỉa hè cần được đấu thầu công khai, minh bạch theo giá thị trường, quản lý bằng số hóa và mọi người có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng. Số thu được từ cho thuê vỉa hè nộp vào ngân sách thành phố cũng phải dành phần lớn để tôn tạo lại lòng đường, vỉa hè. Nhìn chung phải hài hòa giữa mục đích giao thông đô thị và kinh tế thu phí.

Có ý kiến cho rằng kinh tế vỉa hè sẽ ngược chiều với đô thị văn minh. Tuy nhiên, đô thị văn minh không phải chỉ có cảnh đẹp, nhà đẹp, nó còn có sinh hoạt của con người. Mà sinh hoạt của con người thì biến đổi theo nhu cầu cuộc sống. Vì vậy, ủng hộ việc thu phí lòng đường, vỉa hè nhưng phải giám sát, quản lý và trước tiên vẫn phải là đề cao trách nhiệm của lực lượng quản lý đô thị ở mỗi phường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch thu phí lòng đường, vỉa hè