Trong khi nhiều địa phương thực hiện lộ trình nhằm triển khai 100% trường tiểu học, THCS áp dụng mô hình trường học mới (VNEN), thì nhiều địa phương lại bất ngờ dừng triển khai đại trà mô hình này. Vì sao là có “chuyện lạ” này?
Ảnh minh họa.
Bài 1: Không phải vì VNEN mà học sinh yếu kém
Dừng triển khai mô hình VNEN đại trà
Căn cứ vào tình hình thực tế và tham vấn ý kiến một số giáo viên có kinh nghiệm khi thực hiện mô hình VNEN, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định tạm dừng triển khai mô hình VNEN tại 100% trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh trong năm học 2016 - 2017.
Lí do được Hà Tĩnh đưa ra là Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chưa tổng kết, đánh giá đầy đủ mô hình thí điểm VNEN (từ năm học 2012 - 2013 đến nay), nên việc chỉ đạo triển khai đại trà cấp tiểu học và THCS trong năm 2016 - 2017 là chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và các quy định của Bộ GD&ĐT, đồng thời bị đánh giá là thiếu thận trọng, chưa khoa học, gây ra nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận nhân dân. Hiện Hà Tĩnh đã triển khai thí điểm tại 129 trường Tiểu học và 32 trường THCS.
Qua nhận định trên, UBND tỉnh chỉ đạo: Dừng áp dụng đại trà trong toàn tỉnh mô hình VNEN, tuyệt đối không nhân rộng ra ở những lớp khác, trường khác khi chưa đánh giá được kết quả thí điểm và chưa được UBND tỉnh cho phép; tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình VNEN ở những trường, những lớp đã triển khai trong năm học 2015 - 2016.
Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cũng đã quyết định dừng triển khai mô hình này trong năm học mới, gửi công văn đến các trường, lớp đang thực hiện, và nhấn mạnh: Những trường, lớp không tham gia mô hình mới không sử dụng tài liệu của mô hình này; không vận động thu tiền của học sinh để phục vụ cho mô hình.
Trước đó, UBND tỉnh Hà Giang cũng ban hành văn bản đề nghị ngành GD&ĐT Hà Giang dừng việc sử dụng tài liệu theo mô hình trường học mới từ năm học 2016 - 2017. Theo giải thích của Sở GD&ĐT Hà Giang, lí do là trên địa bàn tỉnh năng lực của đội ngũ giáo viên không đồng đều nên rất khó tổ chức các hoạt động theo mô hình trường học mới; cơ sở vật chất, tài liệu chưa phù hợp để triển khai…
Về việc triển khai mô hình VNEN những năm qua, không chỉ có ở Hà Giang hay Hà Tĩnh nói đến những khó khăn khi thực hiện. Ví dụ tại trường THCS Trực Đại (Trực Ninh, Nam Định), lãnh đạo trường cho biết, không chỉ có đội ngũ giáo viên mà chính lãnh đạo trường cũng gặp những băn khoăn. Băn khoăn làm thế nào để giám hiệu nhà trường giám sát đánh giá được quá trình thực hiện nội dung lên lớp của giáo viên mà không kiểm tra sổ tay lên lớp.
Bên cạnh đó còn băn khoăn về đội ngũ. Mặc dù được tập huấn đầy đủ, nhưng thực tế mỗi thầy cô có một ngôn ngữ, một phương pháp diễn đạt nên không đồng đều.
Vị lãnh đạo trường này cũng chia sẻ thêm: Đến thời điểm hiện nay, trường đã báo cáo phòng giáo dục xin thực hiện tiếp mô hình cho khối 6 trong năm 2016-2017, nhưng cũng đã có 5 phụ huynh xin cho con họ chuyển sang trường khác học. Cho nên nhận thức từ phía phụ huynh cũng là một rào cản lớn, nhất là ở những vùng khó khăn.
Phát hiện nhiều học sinh và giáo viên yếu kém
Một trong những lý do chính khiến nhiều địa phương cho dừng triển khai mô hình trường học mới là bởi kết quả học tập của học sinh không cao, nhiều giáo viên không bắt kịp với mô hình mới. Từ đó, lãnh đạo các địa phương lo ngại về việc chất lượng giáo dục thấp.
Từ những băn khoăn của các giáo viên, nhà trường triển khai mô hình mới, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) phản hồi: Nhiều người cứ nói học sinh học theo mô hình mới này chất lượng kém… nhưng theo tôi đó lại là thành công.
Từ năm ngoái, đã nhiều lần tôi nói có lẽ thành công lớn nhất của mô hình mới là chúng ta nhận diện được nhóm học sinh này. Có thể nói học sinh kém vẫn tồn tại khách quan, nhưng với phương pháp như cũ thì trước đây các em vẫn bị lẩn vào đám đông. Vậy học sinh yếu kém vẫn tồn tại khách quan, chứ không phải mô hình trường học mới sinh ra yếu kém đó.
Mà vì với cách tổ chức mới đã làm cho chúng ta phát hiện được. Nếu chúng ta vẫn cứ làm như cũ, không đổi mới phương pháp dạy học, học tập thì số học sinh này vẫn lặng lẽ ngồi chép bài.
Và một thành công nữa, đó là giúp chúng ta phát hiện ra những giáo viên tương tự. Nếu không yêu cầu phải làm như thế, thì chúng ta vẫn lúc nào cũng nói là đổi mới phương pháp, vẫn giơ bằng thạc sĩ, tiến sĩ lên để nói mình được đào tạo với trình độ rất cao nhưng khi chúng ta triển khai mô hình mới thì lại phát hiện ra những khiếm khuyết. Chúng ta cần nhìn nhận vào thực tế để thấy mô hình đã thành công, và phải nhìn ra thì mới cải tiến, phát triển được.