Ngày 11/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Nhiều ý kiến đã bày tỏ quan điểm đồng tình với việc miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp sau khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 tuy nhiên cần nghiên cứu mở rộng diện hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quang Vinh.
Giảm 30% thuế cho doanh nghiệp nhỏ
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội thế giới và trong nước. Vì vậy, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ là các đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của nền kinh tế, Chính phủ trình Quốc hội về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm hơn 93% và doanh nghiệp có quy mô vừa chiếm gần 4%. Như vậy, doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và các doanh nghiệp này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.
Thông tin về Dự thảo Nghị quyết, theo Bộ trưởng Dũng, Dự thảo Nghị quyết sẽ giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
Việc đề xuất giảm thuế đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ “có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người” nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải.
Thẩm tra nội dung trên, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết: Đa số ý kiến trong Ủy ban này nhất trí với Tờ trình của Chính phủ.
Tại sao không giảm cho doanh nghiệp vừa và lớn?
Đưa ra lý do chỉ giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng: Đề xuất áp dụng chính sách giảm thuế đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện ngân sách nhà nước trong bối cảnh hiện nay.
Theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp có quy mô vừa có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 22.440 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Đình Toản (đoàn Hưng Yên) cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng lớn nhất. Để có giá trị trên thực tế, theo ông Toản không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp về thuế mà còn cần quan tâm tới các yếu tố khác. Ví như doanh nghiệp cần có “đầu vào” nên sử dụng vốn vay lớn cho nên giảm vốn vay cho họ. Còn “đầu ra” là thị trường cần quan tâm trong đó có xúc tiến thương mại. Tuy nhiên doanh nghiệp nhỏ có mối quan hệ kinh tế với doanh nghiệp vừa vì doanh nghiệp vừa lo giải quyết “đầu ra” cho doanh nghiệp nhỏ. Cho nên cần hỗ trợ cả cho doanh nghiệp vừa, như vậy mới đồng bộ và sẽ tối ưu hơn mang lại hiệu quả cho sự phát triển của các doanh nghiệp.
ĐB Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) cũng cho rằng: “Chỉ giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ còn doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động không được xem xét cảm thấy...hơi lạ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% được giảm 30% thuế, còn doanh nghiệp lớn chỉ 3% vậy có được giảm 10% không. Như vậy để tạo sự bình đẳng vì doanh nghiệp lớn tuy chiếm 3% nhưng lại có lực lượng lao động lớn, đóng góp lớn cho tăng trưởng. Cho nên số doanh nghiệp này cũng rất cần được sự hỗ trợ”.
Nói như lời ĐB Nguyễn Vân Chi (đoàn Nghệ An) thì: “Không phân biệt quy mô doanh nghiệp mà cần nghiên cứu để thực hiện giảm thuế cho tất cả các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Nếu chúng ta nhìn theo mức đang quy định trong Dự thảo Nghị quyết là mức 30 nghìn tỷ của 1 năm thì nếu mà chúng ta tính ra cho một tháng mà đây chỉ là doanh số chứ chưa phải là lợi nhuận của doanh nghiệp tham gia tính ra số thuế mà doanh nghiệp nộp số thuế được miễn giảm cũng không phải thật sự đáng kể. Chúng tôi rất nhất trí phương án thì đây sẽ là miễn giảm thuế cho một số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mà có mức doanh số nhỏ hơn 30 nghìn tỷ của năm 2020. Tức là chỉ tính năm 2020 mà không nhất thiết phải so sánh với năm trước liền kề để thấy rằng doanh nghiệp có bị thiệt hại thì cũng là một ủng hộ chung cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”.