Theo Liên Hợp Quốc, gần 2/3 dân số Trái đất sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050. Nhưng liệu cuộc sống đô thị có gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần đối với con người hay không?
Cuộc sống đô thị
Trở lại năm 1950, theo ước tính có tới 746 triệu người sống trong các khu vực thành thị. Đến năm 2014, con số này đã tăng lên 3,9 tỷ người, tương đương 54% dân số thế giới. Theo Liên Hợp Quốc, 66% tổng số người trên Trái đất sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050.
Có rất nhiều những mặt tốt về các đô thị. Đó là con đường hiệu quả tối ưu để tập trung các hoạt động của con người như kinh doanh, giáo dục và nghiên cứu. Chính vì vậy, các đô thị thường mang lại những lợi thế đáng kể hơn so với những khu vực khác.
Đô thị giúp con người tiếp xúc thường xuyên hơn với thế giới xung quanh, và hầu hết chúng ta dường như luôn tìm kiếm điều này: con người thích sống trong thành phố nhiều như cách con người thích sống xung quanh một cộng đồng đông đúc. Nhưng trong khi con người rất yêu thích các đô thị, thì cơ thể và bộ não của họ có thực sự thích chúng không?
Theo nhiều nghiên cứu, cuộc sống đô thị thường có liên quan đến tỷ lệ gia tăng bệnh hen suyễn ở trẻ em, bệnh tim, tiểu đường và các bệnh ung thư khác nhau, cũng như các bệnh tâm thần ở trẻ em và các tình trạng sức khỏe tâm thần của người lớn như trầm cảm và thậm chí là chứng tâm thần phân liệt.
Một ví dụ điển hình nhất, đó chính là chứng tâm thần phân liệt – một căn bệnh dai dẳng và bí ẩn nhất trong lịch sử y học. Trong khi tiền sử gia đình và di truyền gen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt, các yếu tố môi trường cũng cực kỳ quan trọng. Và điều này cuối cùng lại đưa con người đến các thành phố.
Tâm thần phân liệt và hiệu ứng đô thị
Các nghiên cứu về sự phân bố của bệnh tâm thần phân liệt trên khắp thế giới từ lâu đã nhận thấy rằng, căn bệnh này phổ biến ở các khu vực thành thị hơn so với các khu vực nông thôn.
Nghiên cứu diễn ra vào những năm 1960 và 1970 cho thấy, lời giải thích rõ ràng nhất của vấn đề này ít nhất cũng đúng một phần: những người mắc bệnh tâm thần phân liệt từ trước thường có xu hướng chuyển đến các khu vực thành thị để tìm kiếm giải pháp, dẫn đến đến mức độ tập trung tương đối lớn của bệnh tâm thần phân liệt trong các đô thị.
Tuy nhiên ngay sau đó, nhiều người phản bác rằng hiệu ứng ‘dòng chảy đô thị’ này không đủ thuyết phục để giải thích hoàn toàn mối liên hệ giữa bệnh tâm thần phân liệt và hiệu ứng đô thị. Nhiều giả thuyết khác đã được đưa ra.
Các nghiên cứu từ những năm 1970 trở đi đã nhấn mạnh rằng, ngay cả sau khi tính đến yếu tố ‘dòng chảy đô thị’, các thành phố vẫn có liên quan đến sự gia tăng đáng kể nguy cơ người mắc bệnh tâm thần phân liệt.
Nghiên cứu càng có phương pháp và quy mô lớn thì rủi ro liên quan đến các đô thị càng cao. Như đã nói, các tài liệu khoa học hiện nay đều chắc chắn cho thấy rằng, việc sinh ra và lớn lên trong các đô thị, cùng cuộc sống ở nơi đây đều có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt sau này.
Cũng giống như tiền sử gia đình mắc bệnh tâm thần phân liệt, việc tiếp xúc với môi trường đô thị dường như không cần thiết hoặc cũng không đủ để phát triển chứng rối loạn này, nhưng nó lại làm gia tăng nguy cơ gặp phải suốt đời từ 1% lên xấp xỉ 2%, sử dụng các ước tính tốt nhất hiện có.
Vậy mối liên hệ thực sự là gì?
Có nhiều giải thích được đưa ra cho mối liên hệ giữa các đô thị và sức khỏe tâm thần, đặc biệt là với chứng tâm thần phân liệt.
Khi sự quan tâm đến vấn đề này tăng vọt trong những năm 1990, một số lời giải thích có thể có đã bị loại trừ. Rõ ràng là sự gia tăng rủi ro không có mối liên hệ chặt chẽ với nhóm kinh tế xã hội trong thời thơ ấu, sự quá tải hộ gia đình, thu nhập thấp và tỷ lệ thất nghiệp của cha mẹ, sự gia tăng sử dụng chất kích thích, hoặc số lượng anh chị em lớn hơn trong gia đình. Vậy còn lại những lý thuyết nào?
Một số nghiên cứu về bệnh tâm thần phân liệt hấp dẫn nhất trong những năm gần đây đã liên kết việc gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn này với ‘sự vô tổ chức cộng đồng’ và các tác động xã hội, tâm lý và sinh học liên quan.
Các giải thích khác có thể trả lời cho câu hỏi này bao gồm sự gia tăng tiếp xúc với ô nhiễm không khí và tỷ lệ thiếu vitamin D nhiều hơn. Nhưng những điều này vẫn chưa được chứng minh hoàn toàn.
Ví dụ, con người biết rằng tỷ lệ người di cư mắc chứng rối loạn tâm thần đang gia tăng, bao gồm cả bệnh tâm thần phân liệt. Tại sao? Tiến sĩ tâm thần học Jane Boydell và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng, nhóm dân tộc thiểu số càng nhỏ thì nguy cơ này sẽ càng gia tăng.
Nhiều chứng rối loạn tâm thần, bao gồm cả bệnh tâm thần phân liệt, đều có liên quan đến sự rối loạn phản ứng căng thẳng của cơ thể. Có rất nhiều lý do để tin rằng loại ‘hiệu ứng căng thẳng’ này mạnh mẽ hơn ở đô thị, bởi vì cuộc sống ở các thành phố lớn ảnh hưởng rất mạnh đến phản ứng của não bộ đối với căng thẳng.