Ổn định giá sách giáo khoa (SGK) để tạo cơ hội cho người học luôn là băn khoăn của phụ huynh lâu nay. Tại kỳ họp này, Quốc hội bàn thảo nhiều dự án Luật quan trọng, trong đó có dự án Luật Giá (sửa đổi). Theo đó, nội dung đưa SGK vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá nhận được sự quan tâm của đại biểu và cử tri, nhân dân cả nước.
Sách giáo khoa được đưa vào diện Nhà nước định giá
Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, thời gian qua SGK mới có mức giá quá cao là một trong những hệ lụy của việc xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản. Trong khi với việc cung ứng sách như hiện nay, một bộ phận học sinh nghèo sẽ gặp khó khăn. Tại Hội thảo mới đây do Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam tổ chức, xoay quanh chủ đề xã hội hóa biên soạn SGK, PGS.TS Đào Thái Lai cho rằng vẫn có thể giảm giá SGK được nếu Nhà nước quản lý. Theo ông Lai, thực tế hiện nay chi phí phát hành cao hơn mức 15% giá bìa, cần phải có quy định về mức chi phí này. Ngoài ra, Nhà nước phải giám sát toàn bộ quá trình chi phí viết, biên tập, in ấn phát hành, từ tiền chi tác giả, tiền giấy, tiền in…
Ông Lai cũng nhấn mạnh đến việc phải minh bạch hóa chi phí thị trường, trong đó cần có giải pháp để triệt tiêu chi phí cho các khâu trung gian được các đơn vị xuất bản chi để mở rộng thị trường. Nếu không làm được thì giá sách sẽ khó giảm, gánh nặng sẽ rơi vào người dân phải chịu. Cùng với đó là việc quy định cụ thể về yêu cầu giữ gìn và sử dụng sách nhiều năm.
Về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục độc lập nhìn nhận, thực tế, với cùng một nội dung do một tác giả viết nhưng nhà xuất bản (NXB) khác nhau in ấn sẽ có giá khác nhau. Trong đó, phụ thuộc vào chất lượng giấy, thiết bị và bao gồm cả cách định giá khác nhau của mỗi NXB. Bà Hương bày tỏ mong muốn có một mức giá trần không quá cao để ít nhất 70% gia đình học sinh có thể chấp nhận được. Việc này sẽ có giá trị rất lớn trong việc hướng dẫn trẻ thay đổi cách học từ bị động sang chủ động.
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Giá (sửa đổi) với điểm mới ở lần sửa đổi này là SGK được lần đầu đưa vào diện Nhà nước định giá, kiểm soát giá. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, Nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa (giá trần), không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán. Việc này nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán SGK và bảo đảm lợi ích người dân.
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, SGK là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng rất rộng và tác động trực tiếp tới người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá mặt hàng này để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo.
Đảm bảo mọi học sinh có sách học
Tại Hội thảo “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục” vừa được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho biết, theo quy định hiện hành, SGK là mặt hàng kê khai giá. Việc kê khai giá đều là thực hiện hình thức quản lý Nhà nước gián tiếp hoặc trực tiếp. Hiện nay, chúng ta có khoảng 17,5 triệu học sinh sử dụng trực tiếp mặt hàng đặc biệt này. Qua nghiên cứu, Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu đề xuất với Chính phủ nghiên cứu đưa mặt hàng SGK do Nhà nước định giá.
Cùng đó, với đề xuất mua SGK trang bị cho thư viện, Bộ GDĐT đang phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất với Chính phủ theo 3 phương thức: Một là mua đủ 100% bổ sung cho thư viện, nhưng đây không phải phương án lựa chọn vì có thể gây lãng phí. Hai là mua từ 50-70% gửi vào thư viện. Với mức mua này, tổng ngân sách ước khoảng 3.000 tỷ, mỗi năm bổ sung hao mòn, thất thoát khoảng 15-20%. Ba là chỉ hỗ trợ với học sinh vùng khó khăn. Thực tiễn áp dụng phụ thuộc vào ngân sách, điều này cũng xin ý kiến các bộ, ngành, để nghiên cứu, rà soát có được phương thức lâu dài cho những năm học tới.
Cũng theo ông Thưởng, tới đây Bộ GDĐT sẽ tham mưu với Nhà nước có căn cứ quy định tiêu chuẩn định mức, định giá trần SGK, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các NXB mục tiêu cao nhất là hướng đến học sinh. Các NXB không lấy mục tiêu lợi nhuận nhưng chúng ta vẫn tạo điều kiện các NXB tham gia, bảo đảm tính cạnh tranh để hạ giá thành sách và bảo đảm chất lượng. Sắp tới, Bộ vẫn hướng tới có những bộ sách đặc thù; làm sao có định giá nhưng không làm mất đi động lực của các NXB trong biên soạn, phát hành SGK.
Theo Tờ trình, Chính phủ đưa ra khỏi danh mục 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; và bổ sung 2 hàng hóa, dịch vụ vào danh mục, gồm SGK, hàng hóa dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự Luật Giá (sửa đổi) theo quy trình hai kỳ họp. Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ dự án luật này ngày 7/11 trước khi thảo luận tại nghị trường ngày 12/11.