Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định. Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đề xuất bổ sung SGK là mặt hàng nhà nước định giá và giao Bộ GDĐT “quyết định giá cụ thể của từng loại SGK”. Xung quanh vấn đề này còn nhiều ý kiến tranh luận.
“Tha thiết mong muốn Nhà nước định giá sách giáo khoa”
Đây là chia sẻ của chuyên gia giáo dục độc lập - TS Vũ Thu Hương tại tọa đàm “SGK và câu chuyện xã hội hóa giáo dục” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức sáng 3/11. Là tác giả của nhiều bộ sách, trong đó có SGK và từng tham gia sản xuất nhiều loại sách, bà Hương cho biết mình rất chia sẻ với những khó khăn của các nhà xuất bản (NXB).
Tuy nhiên, dưới góc độ quyền lợi của học sinh, bà Hương mong muốn Nhà nước định giá bán SGK. Bởi với cùng một nội dung do cùng một tác giả viết nhưng do những NXB khác nhau in ấn sẽ có những giá khác nhau, phụ thuộc vào chất lượng giấy, chất lượng các thiết bị và cách định giá khác nhau của mỗi một NXB. “Chúng ta cần phải có giá sàn để tránh việc các nhà sản xuất SGK hạ tiêu chuẩn thiết bị cũng như yêu cầu sản xuất và làm ảnh hưởng chất lượng của các bộ sách, chất lượng dạy học và cả việc học tập của các học sinh” - bà Hương kiến nghị và mong muốn sẽ có một cơ chế về các điều kiện sản xuất SGK và yêu cầu về trang thiết bị, chất lượng viết SGK.
Về mức giá trần, bà Hương đề xuất một mức giá không quá cao để ít nhất 70% các gia đình học sinh có thể chấp nhận được.
Không “thả nổi” giá sách giáo khoa
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam hiện nay, các nhà xuất bản quy định giá SGK theo cơ chế thị trường nhưng không phải doanh nghiệp (DN) muốn định giá ra sao cũng được. Đã có những quy định, hành lang pháp lý mà các NXB phải tuân thủ khi định giá. Trước hết, phải tuân theo quy định về chi phí và dựa vào phương pháp định giá chung do Bộ Tài chính ban hành. Về nguyên tắc định giá, phải tuân theo các hạng mục cụ thể trong sản xuất mà các NXB phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư theo quy định của Điều 20, Luật Giá hiện hành.
Căn cứ định giá là giá thành toàn bộ, chất lượng của SGK, lợi nhuận và bao gồm các yếu tố cấu thành giá gồm chi phí nguyên vật liệu, tiền công thiết kế, xây dựng bản thảo, biên tập, chi phí khấu hao tài sản cố định, marketing, phát hành, in ấn… Đây là những khoản mà các DN được phép tính vào giá thành.
Nếu lên thực tế Nhà nước có 2 cách kiểm soát giá, một là kiểm soát trực tiếp hai là gián tiếp nhưng chỉ áp dụng với sản phẩm độc quyền, còn với sản phẩm xã hội hóa cần có thêm các cơ chế khác để phù hợp - ông Thỏa đề xuất Nhà nước nên để thị trường định giá SGK.
Quản lý Nhà nước thể hiện ở việc cần đưa các NXB này vào hành lang pháp lý riêng. Cụ thể, Bộ GDĐT cần ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất SGK để các nhà biên soạn căn cứ vào đó sản xuất. Ví dụ đơn giản như một cuốn sách sẽ hết bao nhiêu giấy, giấy loại gì... và các NXB cần phải tuân thủ. Thứ hai, Bộ cũng cần ban hành quy chế giá riêng cho SGK ngoài quy định chung do Bộ Tài chính ban hành. Quy chế này cần quy định những chi phí nào nhà sản xuất được phép tính vào giá thành, chi phí nào không được phép. Bộ nên có quy định về lợi nhuận, đây cũng là một yếu tố để kiểm soát giá sách không bị quá cao so với mức chi tiêu của người dân, giống như xăng dầu quy định lợi nhuận là 300 đồng/lít.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cần nghiên cứu kỹ việc nhà nước định giá SGK để có giải pháp hài hòa, phù hợp, không ảnh hưởng đến việc xã hội hóa, chống độc quyền trong lĩnh vực này.
Theo ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC), có 5 nguyên nhân khiến giá thành SGK mới cao hơn sách cũ: Thứ nhất, sách soạn theo Chương trình 2018, các DN tự bỏ vốn để thực hiện toàn bộ các khâu từ biên tập, biên soạn, nhuận bút, quảng bá, tập huấn giáo viên, đặc biệt là mua vật tư in ấn, Nhà nước không hỗ trợ gì. Trong khi trước đây Nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Thứ hai, giá nguyên vật liệu, công in, nhuận bút, chi phí tiếp thị, bồi dưỡng tăng lên. Nhuận bút của tác giả quy định theo mức lương khởi điểm, do đó khi lương tăng lên theo thời gian như quy định thì tác giả sẽ căn cứ vào đó yêu cầu nhuận bút. Đặc biệt là giá thành vật tư in ấn tăng lên rất nhiều. Như giấy sản xuất trong nước đã tăng lên từ 25-30%. Thứ ba, do khổ sách thay đổi, tăng lên 1,3 lần so với sách cũ. SGK mới được in 4 màu với chất lượng cao, tốt không khác so với sách của các nước tiên tiến. Thứ tư, các bộ sách đều có phiên bản điện tử. Để xây dựng phiên bản điện tử này, chi phí rất tốn kém, do các thí nghiệm, câu chuyện ở đây không khác gì các phim hoạt hình. Thứ năm, do nhiều đơn vị tham gia xuất bản nên thị trường thu hẹp lại, khiến cho giá thành tăng lên.