Tháng Tư, tiết trời bắt đầu chuyển sang mùa hè. Cái nóng oi ả dường như đã xuất hiện sau mấy ngày cuối cùng của rét “nàng Bân”. Tôi đi tham gia một chương trình thiện nguyện, trao tặng sách (chỉ sách thôi chứ không phải trao tặng tiền hay quần áo, mũ dép v.v…) cho học sinh vùng cao xã Y Tý, thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Chuyến đi này có mời được nhà dân tộc học, Tiến sĩ Mai Thanh Sơn (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam). Chương trình được tổ chức bởi Công ty Cổ phần Đầu tư Đức Nghiệp - một công ty chuyên kinh doanh về lưu trữ và số hóa tài liệu ở Hà Nội. Ông giám đốc của Công ty - doanh nhân Lê Hồng Hải thường nói rằng, Công ty trưởng thành được là nhờ “miền núi Tây Bắc”, nên cũng cần có nhiều hoạt động để “tri ân” đồng bào vùng cao.
Mùa này, nắng nhiều, ít mưa nên con đường từ thành phố Lào Cai đi lên xã Y Tý cũng dễ dàng, không đến nỗi khó khăn lắm. Đường hẹp, nhiều đèo, dốc quanh co. Phải thế mới là vùng cao Tây Bắc. Nhiều chỗ, chỉ đủ 2 xe tránh nhau, và nhiều khi lái xe phải tài tình lắm mới tránh được xe ngược chiều. Và theo lẽ đời, nếu đi trên một con đường cao tốc phẳng lì, rộng mênh mang thì người ta thường khen sự phát triển của nền kinh tế nhưng rồi người ta lại nhanh quên, chưa chắc đã nhớ và có “tình” bằng đi trên một con đường quanh co đèo dốc, khi lên tay áo, khi xuống mù sương…
Đối với một lái xe không quen đường, đi từ thành phố Lào Cai lên tới Y Tý cũng mất khoảng thời gian chừng hơn 3 giờ đồng hồ.
Tiến sĩ Mai Thanh Sơn là một trong những nhà dân tộc học được cho là đã đi nhiều nhất trong số những nhà dân tộc học hiện nay ở Việt Nam. Việt Nam có 54 dân tộc trên 63 tỉnh thành thì trong số đó, ông đã đi tới ngót 50 dân tộc ở ngót 63 tỉnh thành.
Trong câu chuyện kể trên đường đi, ông nói rằng từ 20 năm trước ông lên Y Tý không được như này, chỉ đi ô tô được đến Dền Sáng rồi đi bộ đường rừng mất hơn 2 giờ đồng hồ mới bước chân lên Y Tý…
Bây giờ, mặc dù đường ô tô đã mở và đổ nhựa, tuy nhiên, quãng thời gian đi bộ khi xưa và thời gian đi bộ bây giờ cũng từa tựa ngang nhau…
Buổi giao lưu với học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Y Tý của Tiến sĩ Mai Thanh Sơn diễn ra trong buổi sáng ngày 22/4, với sự tham dự của hơn 300 học sinh trường PTDTBT THCS Y Tý cùng nhiều đại diện lãnh đạo địa phương và Đồn Biên phòng Y Tý, Công an xã Y Tý.
Trong hơn một giờ đồng hồ, buổi trao tặng sách và giao lưu không những đã tiếp lửa, khích lệ tinh thần đọc sách, học tập của các em học sinh mà còn khơi gợi cho các em nhiều ước mơ, nhiều dự định.
Bây giờ đã là những năm thứ 22 của thế kỉ XXI. Đó là kỉ nguyên của kĩ thuật số, của thế giới phẳng. Do vậy, nhờ những giá trị của internet, của mạng xã hội mà khoảng cách nhận thức của các em học sinh vùng cao với các em học sinh vùng đồng bằng duyên hải, thành phố không còn xa, thậm chí đã rất gần hoặc tương đương.
Những câu hỏi của các em học sinh trong buổi giao lưu khiến cho không chỉ tôi mà cả những người trong đoàn, đặc biệt là Tiến sĩ Mai Thanh Sơn cũng phải giật mình, gật gù khen ngợi.
Trong rất nhiều câu hỏi đó, có nhiều câu mang tầm vóc, trí tuệ của những nhà nghiên cứu, thậm chí của những người làm chính sách như: Bản sắc của dân tộc Hà Nhì là gì? Trong văn hóa các dân tộc thì Tiến sĩ Mai Thanh Sơn thích văn hóa dân tộc nào nhất, hoặc: Muốn trở thành một nhà thiết kế thời trang thì em phải đọc sách gì hoặc: Theo Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, Y Tý có cơ hội và có thể phát triển như nhiều trung tâm du lịch khác được không? v.v…
Những câu hỏi vừa như mang khát vọng hành trình tìm kiếm giải mã bản thể, cũng vừa như mang khát vọng vươn cao của các em học sinh; Cấp II - trung học cơ sở mà nghĩ được thế, hỏi được thế cũng là quý lắm chứ.
Và tất nhiên, sự giải đáp của nhà dân tộc học Mai Thanh Sơn cũng làm nức lòng, thỏa mãn các em học sinh. Bởi, ngoài những dữ kiện, thông tin cần thiết cho câu hỏi, diễn giả đưa ra nhiều dẫn chứng về thành công của những đại diện các dân tộc thiểu số đã và đang là các nhà khoa học danh tiếng; là những người làm chức vụ quan trọng trong tổ chức của Đảng và Nhà nước, hay đó là những người có đóng góp về các mặt văn hóa - văn nghệ, nhà báo, nhà văn được nhiều người biết đến.
Những tấm gương đó như một bằng chứng rõ nét về con đường thành công của đồng bào các dân tộc thiểu số, vốn sinh ra và lớn lên gặp rất nhiều khó khăn, gian khó, bằng sự nỗ lực và cố gắng, bằng sự học tập tấn tới để vươn lên và thành công trong ước mơ, hoài bão của mình.
Thời gian giao lưu của chương trình ấn định một giờ rưỡi, xem ra vẫn còn chưa đủ với các em học sinh. Bởi vì các em còn muốn hỏi nhiều, muốn nghe nhiều từ Tiến sĩ Mai Thanh Sơn.
Khi Đoàn thiện nguyện thăm mô hình trường học kết hợp với du lịch, các em còn tíu tít đến kết bạn Facebook, đến xin contact và hỏi thêm rất nhiều câu hỏi khác mà trong buổi giao lưu chưa kịp…
Y Tý là một xã giáp biên, thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Y Tý có số dân chỉ gần 5.000 người với sự sinh sống của 4 nhóm đồng bào dân tộc: Người Hà Nhì, người Mông, người Dao và người Kinh.
Đi thực tế các tuyến đường, bản làng ở Y Tý, hẳn ai cũng đều có nhận định rằng, Y Tý không khác gì Sa Pa 20 năm trước. Tất cả đều còn nguyên sơ và trữ tình. Một ngày ở Y Tý thời tiết có đủ 4 mùa. Lúc nắng, lúc mưa, lúc mù, lúc quang; Lúc nóng, lúc lạnh, lúc mát mẻ… Y Tý được ví như nàng công chúa ngủ trong rừng, đang chuẩn bị thức giấc.
Ví von thế thôi chứ theo nhiều thông tin, Y Tý đã và đang được tỉnh Lào Cai và các cơ quan chức năng xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển để đánh thức nàng công chúa này. Đã có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến khảo sát và hứa hẹn sẽ đầu tư ở Y Tý.
Đó là điều đáng mừng
Nhưng, tổng thể lại, đáng mừng nhất là ở các em học sinh Y Tý. Dường như đã không còn khoảng cách nào về nhận thức, trí tuệ giữa học sinh vùng cao với học sinh ở thành phố dưới xuôi. Các em học sinh Y Tý có sự hiểu biết, tự tin và có khát vọng.
Khát vọng của các em cùng với sự chắc chắn và nghiêm túc về quy hoạch, đó là điều đáng mừng và trông mong nhất để Y Tý trỗi mình, vươn dậy, theo đúng nghĩa của một nàng công chúa ngủ trong rừng đã thức giấc.
Y Tý - trong bản thể đã là một nàng công chúa, không bao xa nữa, Y Tý sẽ là một trung tâm du lịch - văn hóa phát triển, giữ gìn bản sắc các dân tộc và giữ được các giá trị của mình.
Trên đường về Hà Nội, Tiến sĩ Mai Thanh Sơn nhắc lại với tôi rằng: Dứt khoát phải trở lại Y Tý.
Tôi cũng nghĩ như vậy. Không trở lại sao được, không yêu Y Tý sao được khi đã đặt chân tới đó…
Tháng 4 năm 2022