Mường Lống từng được ví là “thiên đường hoa anh túc” khiến bao gia đình rơi vào cảnh khốn khó. Nhưng nay vùng đất này đã thay da đổi thịt. Dưới chân “cổng trời” Mường Lống, những mô hình kinh tế hiệu quả đã xua đuổi đói nghèo, giúp cuộc sống của bà con người Mông miền rẻo cao ổn định hơn. Với thiên nhiên tuyệt đẹp nên dù địa hình hiểm trở cũng không thể khuất phục những bàn chân ưa khám phá. Đó là lý do Mường Lống ngày càng được nhiều du khách tìm đến.
Ngược núi lên “trời”
Chúng tôi lên cổng trời Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) giữa những ngày đông giá lạnh. Dù thời tiết vẫn còn đôi giọt nắng rọi chiếu xuống, nhưng cả miền Tây xứ Nghệ nói chung và Mường Lống nói riêng vào độ này không “dày áo” thì khó ra khỏi nhà. Và để lên Mường Lống, từ trung tâm huyện, so với nhiều năm về trước, đường lên “cổng trời” đã dễ dàng hơn rất nhiều, tuy vậy chúng tôi phải mất hơn 1giờ đồng hồ mới tới nơi. Trong tiếng Thái, Mường Lống nghĩa là “mường quên, lạc”.
Bởi, một thời bao kẻ lên đây đã lạc lối về giữa thung lũng bạt ngàn hoa anh túc với sắc màu ma mị... giữa cái kiêu sa, cảnh sắc của Mường Lống.
Đặt chân tới cổng trời, trước mắt là cảnh tượng mây mù bao phủ, dù lúc này đã hơn 11h giờ trưa. So với nhiều điểm du lịch khác của Nghệ An, Mường Lống còn khá xa lạ và mới mẻ. Một phần vì nơi này nằm quá xa trung tâm, một phần vì địa hình đồi núi hiểm trở. Thế nhưng chừng ấy khó khăn không thể khuất phục những bàn chân ưa khám phá.
Đó là lý do mà nơi này ngày càng được nhiều du khách biết đến. Và đó là cơ hội để các “sản vật” được sinh ra từ vùng đất này có cơ hội “bay” xa.
Ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển, nơi đây mở ra bức tranh tuyệt đẹp tựa chốn bồng lai vào những sáng sớm. Bởi vậy, ngay giữa đỉnh cổng trời, một bức tượng đá hình quả núi, được dựng lên, trên đó khắc 2 câu thơ diễn tả hết những gì vốn có của Mường Lống: “Hoa đào e ấp, giọt sương mai. Mây vờn đỉnh núi, chốn bồng lai”.
Mường Lống hiện có dân số ở đây hơn 4.800 người với diện tích đất toàn xã là 142,30 km2. Gần 100% người dân bản địa là đồng bào Mông, định cư ở 13 bản với hơn 950 hộ dân, chỉ có một số rất ít người Kinh sinh sống ở bản trung tâm. Không những vậy, bà con dân tộc Mông đã biết biến lợi thế cảnh sắc trời ban để thay đổi cuộc sống, thay đổi tư duy làm ăn.
Những mô hình tiên phong
Nếu như những năm về trước, vùng đất Mường Lống khi nhắc đến ai cũng nghĩ tới “thủ phủ của hoa anh túc” thì nay đã hồi sinh tươi mới qua các mô hình kinh tế gia trại, trang trại. Như mô hình nuôi gà đen, là loại gà đen toàn thân, đen từ trong ra ngoài, được nuôi theo kiểu thuận tự nhiên, dù hợp khí hậu lạnh giá. Tuy nhiên do việc chăn nuôi tự phát nên gà sinh trưởng kém, trọng lượng thấp.
Vậy nhưng, hơn 2 năm trước, gà đen bản địa của người dân Mường Lống được đánh giá cao. Đồng thời, việc xây dựng mô hình này sẽ định hướng được nhiều lĩnh vực trong phát triển kinh tế.
Theo số liệu từ Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn, ban đầu hơn 4.000 con giống gà đen được hỗ trợ cho 12 hộ gia đình. Cùng với đó là hỗ trợ một phần thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh cho các hộ gia đình tham gia dự án. Từ 12 hộ được làm “bệ đỡ” cùng với 3 hộ đã xây dựng phát triển gà đen trước đó, liên kết lại thành lập chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gà đen trên bản Mường Lống 1.
Đây chính là một trong những hướng đi phù hợp trong xu thế, tạo ra chuỗi liên kết giá trị hàng hóa, mỗi thành viên trong chi hội đều tự nguyện trên tinh thần “5 cùng” để nâng cao sản phẩm do chính bàn tay, khối óc của mình làm ra.
Đơn cử như gia đình ông Vừ Tồng Pó (51 tuổi) trú ở bản Mường Lống 1, một trong những người bảo tồn thành công giá trị của gà đen qua việc sưu tầm gà mái, gà trống bản địa để nuôi tập trung. Biết chúng tôi lên ghi nhận “sản vật” của bản làng, sau lời chào hỏi, ông Pó như hiểu ý, liền nói: “Gà mình nuôi cách nhà 2 km, chứ không quanh quẩn nhà ở như ngày xưa nữa”.
Quả đúng như lời ông Pó, căn nhà khang trang của ông, rộng rãi nằm ngay trung tâm của bản và xung quanh nhà không thấy bóng dáng của một chú gà đen nào.
Sau chén trà ấm, cùng với ông Pó, chúng tôi men theo con đường lởm chởm đá chỉ đủ lọt 1 chiếc xe để đi đến trang trại, một bên là vách núi cao dốc bên là vực thẳm. Đường vào trại phải tay lái “sành” mới có thể thử thách được với cung đường đó. Đến nơi, chúng tôi nhận thấy nhà gà ở na ná với mô hình nhà sàn.
Hiểu được sự ngạc nhiên chúng tôi, ông Pó giải thích: “Phải cho gà ở như thế để đề phòng những con động vật khác cắn, ăn thịt. Hơn nữa, gà ở trên cao cách mặt đất một khoảng thì việc dọn dẹp vệ sinh cũng đỡ vất vả”.
Theo ông Pó, mỗi năm gia đình ông nuôi khoảng hơn 1.200 con gà thương phẩm, bình quân một lứa gà nuôi mất 5 tháng là xuất chuồng, trọng lượng từ 1,2 đến 1,5kg/1 con, với giá bán 200.000 đồng/kg. Ngoài nuôi gà thương phẩm, ông Pó còn cung cấp giống cho các hộ có nhu cầu mua về nuôi và tái tạo đàn.
Mỗi năm xuất khoảng 8.000 đến 9.000 con gà giống cho các gia đình trong và ngoài xã. Sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông lãi hơn 200 triệu đồng. Không chỉ riêng ông Pó, các thành viên trong hợp tác xã cũng thu nhập khá cao hàng năm. Hộ nuôi ít nhất cũng đã cho thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Ngoài chăn nuôi gia cầm, hình thức vỗ béo trâu bò tại Mường Lống cũng là một mô hình mới trong phát triển kinh tế xã hội tại địa phương này. Theo thống kê từ Hội Nông dân xã Mường Lống, tính đến nay địa phương này có hơn 250 hộ dân tham gia vỗ béo trâu bò làm thương phẩm, trung bình mỗi gia đình nuôi từ 3-10 con trâu bò, thu nhập hàng năm lên tới hàng chục, hành trăm triệu đồng.
Nói đến nghề này, gia đình ông Vừ Vả Dờ ở bản Mường Lống 1 là một điển hình, ngoài vỗ béo hơn chục con bò, gia đình ông còn trồng cỏ voi.
Theo ông Dờ, trâu bò được ông mua về sau đó tiến hành nuôi vỗ béo trước khi xuất bán. Bình quân mỗi con bò thu lãi 15-20 triệu đồng, mỗi năm gia đình nuôi từ 6-8 lứa. Được biết, đến nay xã Mường Lống có 950 hộ và có đến 600 hộ trồng cỏ voi nuôi nhốt trâu, bò, diện tích cỏ voi khoảng 500 ha. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế, hộ nghèo xã Mường Lống đã giảm đáng kể với tỷ lệ 42%.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hờ Bá Khù, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Lống cho biết: Nếu như trước kia, nói đến Mường Lống ai cũng nghĩ đến vùng đất của những rừng hoa anh túc, loài cây đã gieo bao bất hạnh cho nhiều gia đình. Nhưng nay, đó chỉ là quá khứ, thay vào đó là những mô hình phát triển kinh tế. Cùng với cây mận tam hoa, đào đá, những rừng chè shan tuyết, ruộng bậc thang và nuôi trồng thành công cá hồi, trồng hoa ly...
Đặc biệt, là trồng và khảo nghiệm 30 loại dược liệu đang cho kết quả khả quan. Trong đó có các giống chủ lực như: Sâm Puxailaileng, sâm bảy lá một hoa, tam thất bắc, lan thạch hộc tía, đương quy, đẳng sâm, đan sâm, đậu trọng, la hán quả, hà thủ ô đỏ...đều là những loại dược liệu quý.
Là người sát cánh với bà con nông dân, ông Nguyễn Bá Công, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn chia sẻ: Hiện toàn huyện có hơn 39 ngàn con bò, trong đó có hơn 10 ngàn con là bò vỗ béo, thương phẩm như Tây Sơn, Mường Lống, Huồi Tụ, Nậm Càn, Na Ngoi… do người Mông chăn nuôi.
Đối với Mường Lống mô hình bò vỗ béo và gà đen thương phẩm đang là hướng đi của người dân nơi đây. Không những vậy, chính những loài cây dược liệu cũng đang là hướng đi mới, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân dưới chân cổng trời.