Năm nay mùa nước nổi ở thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thấp, nguồn thuỷ sản khan hiếm đã khiến cuộc sống hàng ngàn hộ dân ở vùng này càng thêm vất vả mưu sinh giữa đại dịch Covid-19…
Khan hiếm nguồn lợi thuỷ sản
Hằng năm, bắt đầu từ tháng 7 âm lịch nước từ thượng nguồn sông Mekong ào ào đổ về vùng đầu nguồn của ĐBSCL. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giữa tháng 9 âm lịch nhưng mực nước vẫn rất thấp, chỉ xấp xỉ ngang bằng mặt ruộng.
Chạy xe Honda từ TP Châu Đốc qua cầu Cồn Tiên men theo tỉnh lộ 957 hướng về cửa khẩu Long Bình đi qua cánh đồng trũng ở xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang nơi tiếp giáp với cánh đồng nước bạn Campuchia rồi đi trên tuyến đường vành đai biên giới đến xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang mực nước chỉ xấp xỉ cánh đồng.
Nguồn lợi thủy sản theo đó cũng khan hiếm, không còn thấy cảnh các “đại ngư trường” đánh bắt thủy sản mùa lũ, thay vào đó là cảnh đìu hiu kéo theo đời sống của ngư dân thêm phần khó khăn.
Đặt chân đến Búng Bình Thiên địa danh được xem là “máy đo” lũ ở đầu nguồn. Người dân ở đây cho biết, nếu mực nước hồ càng lớn thì lũ năm đó sẽ lớn theo và ngược lại mực nước hồ càng thấp thì lũ năm đó sẽ nhỏ.
Anh Nguyễn Văn Công (44 tuổi), cư trú xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết, nhìn mực nước hồ Búng Bình Thiên năm nay, có thể dự báo mực nước năm nay sẽ thấp.
“Hiện đã giữa tháng 9 âm lịch mà mực nước ở hồ rất thấp, so với năm trước thấp hơn khoảng 1,2m. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, chưa từng thấy năm nào mà mực nước hồ lại thấp đến thế. Nếu mùa lũ không về thì ngư dân sẽ “khát” thủy sản dữ lắm”, anh Công tâm tư.
Rời Búng Bình Thiên, chúng tôi chạy sang cánh đồng của 2 xã: Phú Hữu ở huyện An Phú và Phú Lộc, TX Tân Châu, tỉnh An Giang, tình cảnh cũng tương tự, nước không nhảy khỏi bờ. Người dân địa phương cho biết, nếu như hằng năm thì thời điểm này cánh đồng sẽ ngập nước hơn 1,6 m. Thế nhưng năm nay, nước ngập chỉ chừng 30cm khiến ngư dân đứng ngồi không yên.
Ông Huỳnh Văn Đằng (64 tuổi) ở xã Phú Hữu, huyện An Phú đứng nhìn con nước trước nhà buồn rầu nói: “Thâm niên 31 năm đánh bắt cá mùa lũ, chưa năm nào lại có thu hoạch ít ỏi như bây giờ”. So với mùa lũ 2019, vào cữ này, thu nhập mỗi ngày mang lại cho ông từ 1 đến 2 triệu đồng. Còn năm nay, cố gắng lắm, mỗi ngày ông chỉ kiếm được 20.000 - 50.000 đồng tiền bán cá nhưng vẫn lỗ vì chi phí nguyên liệu dầu để khai thác hơn 100.000 đồng mỗi chuyến đánh bắt.
“Những năm gần đây, nước lũ về thấp, người dân vùng này vốn đã nghèo phải bỏ quê để lên các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… làm công nhân mưu sinh. Thời gian này ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người đành phải quay về quê hương. Nhưng trở về cũng không dễ, bởi mùa nước lũ về mỗi năm mỗi thấp nên việc mưu sinh ngày càng khó khăn. Bây giờ, nhiều người đang tính đến phương án bắt những loại cá tự nhiên nhỏ rồi đem nuôi bán hoặc làm giống để sản xuất chứ đánh bắt thủy sản như trước là thua”.
Tương tự như ông Đằng, anh Đồng Văn Thái ở ấp Phú Quới, xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết: Tôi không có ruộng đất phải lên TP HCM làm thuê, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bị mất việc lại phải trở về quê. Hằng ngày, tôi giăng 12 tay lưới mà kiếm mỗi ngày chỉ được khoảng 1kg cá đủ các loại, giá trung bình khoảng 40.000 - 50.000 đồng.
“Tôi rời xa quê lên TP HCM làm thuê mưu sinh nhưng do ảnh hưởng dịch mất việc đến phải bán chiếc xe gắn máy để có tiền trở về. Mong địa phương có khu công nghiệp, hay các doanh nghiệp đến đây thành lập công ty để người dân được lao động tại quê nhà, chứ đi làm xa xứ thì đời sống của chúng tôi bấp bênh lắm”, anh Thái bày tỏ.
Một số ngư dân cũng chia sẻ, năm nay coi như thua, nước không cao, cá không nhiều. Con cá, bó rau kiếm được thì bán không được giá do ảnh hưởng dịch bệnh. Địa phương quan tâm, hỗ trợ nhưng chỉ “chữa cháy”, về lâu về dài phải tính lại, kiếm cái nghề khác ổn định hơn.
Không nên đầu tư dụng cụ đánh bắt
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập vùng ĐBSCL cho biết, theo thông tin cập nhật từ ngày 11 đến 17/10/2021 của Dự án theo dõi đập Mekong (dự án MDM), việc tích nước của các đập trong lưu vực bắt đầu giảm vì các đập lớn đã gần đầy. Trong các tuần tới, sông Mekong sẽ đạt chế độ chảy tự nhiên theo lượng mưa, cho đến khi các đập xả nước vào mùa khô để phát điện và trong mùa khô mực nước sẽ cao hơn mực nước tự nhiên.
Cụ thể, 11 đập ở Trung Quốc đã đầy nước, ước 84% dung tích. Còn 34 đập ở hạ lưu vực đang chứa khoảng 16,6 tỉ m3, đạt 75% dung tích. Trung tâm dự báo khí tượng quốc gia Hoa Kỳ cập nhật đến ngày 18/10/2021 thì điều kiện La Nina đã được thiết lập với khả năng xuất hiện La Nina đến 87%, có nghĩa là từ đây đến hết mùa mưa sẽ có mưa nhiều hơn bình thường và mùa mưa có thể kéo dài. Tuy nhiên mùa lũ năm nay về ĐBSCL vẫn bị thấp và muộn là do hàng chục con đập ở thượng nguồn sông Mekong đang tăng cường tích nước khiến nguồn nước về hạ nguồn ngày càng ít đi.
ThS Thiện cũng khuyến cáo với bà con sinh sống bằng đánh bắt thủy sản tự nhiên ở vùng lũ đầu nguồn Đồng Tháp, An Giang không nên đầu tư quá nhiều vào ngư cụ trong vài năm tới. Với người dân nuôi thủy sản dựa vào mùa lũ thì nên lường trước tình huống lũ về muộn vài tuần đến một tháng với năm bình thường hoặc chậm 2 tháng nếu mùa khô trước đó bị hạn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, mực nước đầu nguồn ở sông Cửu Long đang xuống. Mực nước cao nhất ngày 24/10 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,65 m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,51 m. Dự báo, mực nước đầu nguồn Sông Cửu Long tiếp tục xuống. Đến ngày 29/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,45 m, tại Châu đốc ở mức 2,25 m.
Ông Thiện cũng cho rằng, thời gian lũ đến và mực nước lũ cao hay thấp ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Với tình hình mùa lũ thấp liên tục trong nhiều năm như vừa qua, thủy sản tự nhiên đã suy giảm vì không đủ nước và thời gian để sinh sản. Dù có lũ về lại thì thủy sản tự nhiên vẫn chưa thể phục hồi.
Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), mùa lũ thấp sẽ dẫn tới các hệ quả như: phù sa ngày càng ít dần, lượng thủy sản ít, không có đủ nước ngọt để đẩy mặn ra xa và không rửa được tạp chất khác trong đất. Năng suất lúa và cây trồng sẽ bị ảnh hưởng.
Giải pháp là cần khuyến cáo ngay việc giảm tối đa diện tích sản xuất lúa, trữ nước mưa nhiều nhất có thể. Đồng thời, tranh thủ những lúc triều cường dâng cao đẩy nước ngọt vào đồng ruộng, cần có giải pháp giữ lượng nước này ở lại. Những khu vực trũng có thể tính tới việc nạo vét cho sâu. Ngoài ra, phải chọn những giống cây trồng ít sử dụng nước để gieo trồng.