Một người Việt Nam mang trí tuệ công dân toàn cầu

Hoài Hương 08/01/2021 19:00

Mấy năm nay, một số hãng truyền thông lớn phương Tây thường nhắc đến “Sáng kiến Xã hội Trí tuệ Nhân tạo” (AIWS) và “Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo” cùng những nhân vật rất nổi tiếng thế giới có thể làm thay đổi thế giới quan toàn cầu, đặc biệt trong đó có tên một người Việt Nam...

Ông Nguyễn Anh Tuấn trình bày Khế ước Xã hội Trí tuệ Nhân tạo và Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo tại Hội nghị Riga năm 2019.

Mấy năm nay, một số hãng truyền thông lớn phương Tây thường nhắc đến “Sáng kiến Xã hội Trí tuệ Nhân tạo” (AIWS) và “Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo” cùng những nhân vật rất nổi tiếng thế giới có thể làm thay đổi thế giới quan toàn cầu, đặc biệt trong đó có tên một người Việt Nam - ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Tổng biên tập và người sáng lập VietNamNet, một trong những báo điện tử đầu tiên của Việt Nam, hiện là đồng sáng lập và là giám đốc “Diễn đàn Toàn cầu Boston”, Giám đốc “Viện Michael Duskakis” – nơi quy tụ của những nhà lãnh đạo, những nhà tư tưởng hàng đầu thế giới.

Đặc biệt với những đóng góp của mình trong việc đề ra “Sáng kiến Xã hội Trí tuệ Nhân tạo” (AIWS) và “Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo”, năm 2019, ông Nguyễn Anh Tuấn đã được Liên hợp quốc mời làm Tổng Biên tập của dự án “Liên hợp quốc năm 2045” với mục tiêu đưa ra những ý tưởng về thế giới và Liên hợp quốc khi tổ chức này tròn 100 tuổi.

Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1962, quê ở Phổ Thuận, Đức Phổ, Quảng Ngãi. Xuất phát là một kỹ sư, giảng viên Trường Đại học Đà Lạt, rồi sau tham gia ngành Bưu điện, trong thời gian làm việc tại Trung tâm Teltic, ông thành lập Vietnet, mạng thông tin dịch vụ công cụ đầu tiên dựa trên Internet ở Việt Nam. Rồi ông giữ chức phó giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC (thuộc VNPT). Năm 2004, ông tham dự chương trình Advanced Management Program của Harvard Business School và sau đó dành 4 tháng làm nghiên cứu về báo chí tại Shorenstein Center của Đại học Harvard, và được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Phát triển phần mềm (VASC), Tổng biên tập Tạp chí Công nghệ thông tin truyền thông viễn thông eChip. Nhưng ông được biết đến rộng rãi ở Việt Nam với vai trò là Tổng biên tập đầu tiên của báo điện tử VietNamNet trong 10 năm, ngày 1/4/2011, ông chính thức thôi chức Tổng biên tập của báo VietNamNet và bắt đầu hành trình đi tìm lời giải “trí tuệ” đề phát triển xã hội Việt Nam nói riêng, toàn cầu nói chung.

Ngay từ năm 2008, ông đã là thành viên Hội đồng Cố vấn toàn cầu Trường Kinh doanh Harvard, cùng với Thống đốc Michael Dukakis và các giáo sư Harvard Thomas Patterson, John Quelch, sáng lập “Diễn đàn Toàn cầu Boston từ 12/2012 (Thống đốc Michael Dukakis là Chủ tịch, ông Nguyễn Anh Tuấn là Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston). Năm 2015, ông khởi xướng và là tác giả Bộ Chuẩn Mực Đạo đức và Quy tắc Ứng xử vì Hoà bình & An ninh mạng (ECCC), cùng với các đồng tác giả Thống đốc Michael Dukakis, giáo sư Thomas Patterson (Đại học Harvard), giáo sư John Quelch (Đại học Harvard), giáo sư John Savage (Đại học Brown), giáo sư Carlos Tores (Đại học UCLA). Từ tháng 7/2015, ông là Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Quốc tế, Chương trình Giáo dục Công dân Toàn cầu của UNESCO và Đại học California Los Angeles UCLA. Tháng 9/2016 đồng sáng lập và là Tổng biên tập “Mạng Giáo dục Công dân toàn cầu” (GCEN), và đây cũng là sự hợp tác giữa “Diễn đàn Toàn cầu Boston” với “Chương trình Giáo dục Công dân toàn cầu UNESCO và Đại học UCLA”. Từ tháng 10/2016, ông đưa Chương trình Giáo dục Công dân Toàn cầu đến Việt Nam, khởi xướng sáng kiến “Ngày hoà giải Thế giới” 9/9 hàng năm.

Năm 2017, ông Nguyễn Anh Tuấn cùng với Thống đốc Michael Dukakis và các giáo sư Đại học Harvard và Đại học MIT đã cho ra đời “Sáng kiến Xã hội Trí tuệ Nhân tạo” (AIWS). Sáng kiến đã nêu lên những tư duy, với sự ứng dụng rộng rãi và sâu sắc của trí tuệ nhân tạo như Chính phủ Trí tuệ Nhân tạo, Công dân Trí tuệ Nhân tạo. Ngày 12/12/2019, ông Nguyễn Anh Tuấn cùng các giáo sư của Đại học Harvard, MIT sáng lập Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo - AIWS Innovation Network (AIWS-IN) tại Đại học Harvard, buổi lễ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo như Cựu Thống đốc , Cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Michael Dukakis, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono, các giáo sư hàng đầu của Đại học Harvard, Đại học MIT, Mạng AIWS-IN được Bang Massachusetts và Trung tâm Khoa học kết nối, Đại học MIT bảo trợ.

Giáo sư John Quelch nhận xét: “Tuấn là người nhiều ý tưởng sáng tạo, luôn có những ý tưởng đi tiên phong, tôi bị thuyết phục bởi Tuấn rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một nước trung gian hoà giải các xung đột, những căng thẳng trên thế giới như Mỹ - Bắc Triều Tiên, Mỹ - Iran và một số nước Hồi giáo ở Trung Đông, giữa Mỹ và Nga”.

Giáo sư Thomas Patterson nói: “Ông Tuấn là người có khả năng sáng tạo bẩm sinh, nhìn suốt quá trình sáng tạo từ tạo dựng Vietnet, VASC, VietNamNet, rồi những năm tháng làm việc ở Harvard cùng tôi, ông Tuấn là người truyền cảm hứng và có những ý tưởng sáng tạo đột phá như Sáng kiến Hội nghị Thượng đỉnh G7 về An ninh mạng… Ông Tuấn đã dẫn dắt để xây dựng nên Diễn đàn Toàn cầu Boston, Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo, Mạng Giáo dục Công dân toàn cầu.…”.

Trí tuệ nhân tạo và tương lai Việt Nam

Llewellyn King, nhà báo chủ trì chương trình truyền hình White House Chronicle: “Từ những thành công của Tuấn, người Việt Nam sẽ tự tin để đóng góp những giá trị cho thế giới, xác lập một tâm thế mới cho mỗi người Việt Nam và cho đất nước Việt Nam”.

Ngày 15/3/2016, lần đầu tiên trong lịch sử, kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp đẳng cấp thế giới Lee Se-dol bị chương trình máy tính AlphaGo của Google đánh bại. Đến lúc này thì người ta buộc phải hỏi nhau: Máy tính- trí tuệ nhân tạo- AI, có thể chiến thắng bao nhiêu bộ óc con người nữa? Trí tuệ nhân tạo cùng với Internet sẽ định hình một nền văn minh mới của nhân loại, AI có thể mang lại “mùa xuân cho nhân loại”, sẽ là một xã hội phát triển rực rỡ, nhưng cũng có rất nhiều nguy cơ, hiểm hoạ cần quản trị và chế ngự. Tự động hoá cao độ sẽ diễn ra trong cả những lĩnh vực tưởng chừng chỉ có trí thông minh, trí tuệ con người và cả những hệ thống hỗ trợ ra quyết định cho các chính phủ, các tổ chức, các công dân, và trong các phân tích, đánh giá. AI sẽ tạo ra một xã hội thông minh, chuẩn mực và công bằng hơn. Nhưng nếu chúng ta không lường hết được sự phát triển cả ở góc độ tích cực lẫn tiêu cực của AI để sớm đề ra những nền tảng đạo đức, quy tắc ứng xử, những tiêu chuẩn cho AI, vì sự phát triển tốt đẹp của nhân loại thì e rằng đến một lúc nào đó AI sẽ tàn phá thế giới thân yêu này.

Ngày 9/9/2020, Diễn đàn Toàn cầu Boston, Viện Michael Dukakis, và AIWS.net đã chính thức công bố “Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo” (Social Contract for the trí tuệ nhân tạoAge), giúp thiết lập sự hiểu biết chung về các chính sách, thực tiễn để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu tác hại của AI.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Việt Nam cần ứng dụng rộng và sâu công nghệ AI vào mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là trong quản lý, điều hành, ra quyết định của quốc gia. Từ đó phát huy, khơi dậy năng lực của mọi công dân, để mọi công dân được bình đẳng cơ hội phát triển, được bình đẳng cơ hội tham gia vào mọi hoạt động của đời sống chính trị, xã hội. Đó chính là phát huy sức mạnh tổng lực của toàn dân tộc trong xây dựng, và bảo vệ Tổ quốc.

Cảm xúc và tâm hồn vẫn là quyết định

Những tưởng một người gần như luôn nhìn về phía trước với những hoạch định chiến lược liên quan thời đại công nghệ số- AI, thì sẽ rất lý trí và khô cứng, nhưng ngược lại, ông Nguyễn Anh Tuấn là con người rất cảm xúc và dễ “động lòng” trước những vẻ đẹp nghệ thuật, từ văn chương, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật… Ông không bỏ qua những tản văn đẹp viết về Việt Nam đất nước con người, ông yêu những bản nhạc cổ điển và không những nghe- thưởng thức, ông còn học đàn piano để thi thoảng tạo cho mình những khoảnh khắc thư giãn chìm trong âm nhạc do chính mình sáng tạo. Ông mê sân khấu và có một cảm xúc đặc biệt với những vở kịch của Lưu Quang Vũ. Ông mê hội họa, đặc biệt đam mê các bức danh họa Phục hưng của các danh họa Ý Raphael, Leonardo da Vinci, Michelangelo... Và những say mê này đều được ông “AI hóa”, như một nền tảng gốc cho ý tưởng tạo thành một thư viện AI toàn cầu về di sản nghệ thuật nhân loại.

Một điểm chung mà mọi người đều nhấn mạnh là lòng yêu nước, yêu hòa bình, ý thức công dân toàn cầu, lòng nhân ái, độ lượng ở ông Nguyễn Anh Tuấn, xem đó vừa là phẩm chất cá nhân, vừa là nguyên nhân khiến họ được ông Tuấn thuyết phục, đưa đến thành công của những sáng kiến mà ông Tuấn đề xuất. Ông từng chia sẻ: “Hạnh phúc, đó là được đi tiên phong, làm được điều gì đó mới, đóng góp được cho xã hội. Hạnh phúc là được làm những điều gì mình mong muốn, mình có khát vọng, mình có ước vọng, đam mê với nó và làm được nó. Đó là hạnh phúc lớn trong cuộc đời của mình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một người Việt Nam mang trí tuệ công dân toàn cầu