Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, tính đến hết năm 2018, đơn vị này đã gỡ bỏ trên các sàn thương mại điện tử gần 36.000 sản phẩm vi phạm về hàng giả, hàng nhái và hơn 3.000 tài khoản bị khóa. Những con số nói trên cho thấy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử vẫn diễn biến rất phức tạp.
Thương mại điện tử phát triển mạnh đi cùng nỗi lo chất lượng hàng hóa.
“Thượng đế” bị lừa
Thương mại điện tử (TMĐT) được coi là tiện ích cho cả người mua và người bán, tuy nhiên từ đây cũng phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nhiều người cho biết, không ít lần đã dính quả lừa vì hàng trên mạng quảng cáo một đằng nhưng khi sản phẩm đến tay lại một nẻo.
Trường hợp của chị Trần Thu Thủy ở phố Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) là một ví dụ. Chị Thủy cho biết, mỗi ngày nghỉ cuối tuần chị tiêu tốn khá nhiều tiền cho việc mua sắm online. “Chính bởi sự thuận tiện, giao dịch nhanh chóng, không phải mất thời gian đi lại trong cái nắng cháy rát người nên tôi thường hay mua hàng online”- chị Thủy cho hay. Tuy nhiên, mua nhiều thì cũng khá nhiều lần chị Thủy bị “dính” phải những quả lừa “treo đầu dê bán thịt chó” của người bán.
Có thể thấy, với những lợi thế về mặt thời gian, không gian, sự thuận tiện tối đa cho người tiêu dùng, mua sắm online đang là sự lựa chọn ngày càng lớn của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, số lượng người dân sử dụng điện thoại thông minh (smart phone) ngày càng nhiều cũng là một tác nhân để kênh TMĐT phát triển nhanh chóng. Nhiều người coi bán hàng trên mạng là “cần câu cơm”. Tuy nhiên, đi kèm với sự bùng nổ của các kênh TMĐT là những nguy cơ về vấn nạn hàng giả hàng nhái hoành hành.
Siết chặt khâu quản lý
Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến hết năm 2018, đơn vị này đã gỡ bỏ trên các sàn TMĐT gần 36.000 sản phẩm vi phạm về hàng giả, hàng nhái và hơn 3.000 tài khoản bị khóa. Riêng 8 tháng đầu năm 2019, sau lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT” với các kênh TMĐT vẫn có trên 3.700 sản phẩm vi phạm từ gần 632 gian hàng và website phải gỡ bỏ. Trong đó, một trường hợp nghi ngờ lợi dụng sàn TMĐT Shopee để bán bánh có chứa cần sa đã được chuyển cho Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) điều tra, xử lý.
Nhận định về thực trạng hàng giả hàng nhái trên sàn TMĐT hiện nay, ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho rằng, mặc dù đã đạt được những hiệu quả bước đầu trong việc phát hiện và xử lý vi phạm trên TMĐT, tuy nhiên, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng là người bán trên các sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn…
Tại buổi làm việc của Bộ Công thương liên quan đến vấn đề này diễn ra mới đây, ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, hiện nay, người bán hàng trên mạng đa dạng về đối tượng cũng như mặt hàng. Khi quảng cáo thì dùng hình ảnh hàng thật, chính hãng nhưng lúc giao hàng là hàng nhái, không có nguồn gốc chứng từ. Khi xử lý phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Hiện 100% giao dịch trên mạng không có hoá đơn chứng từ nên xử lý hàng giả, lậu càng khó khăn vì khó lần ra ai cung cấp hàng hoá. Ông Linh cũng nêu lên thực trạng hiện nay đó là khó khăn trong việc quản lý số gian hàng trên các sàn TMĐT do có vô hạn gian hàng và số lượng hàng bán ra. Bởi vậy, nếu không ràng buộc trách nhiệm chủ sàn TMĐT thì sẽ rất khó quản.
Trước những diễn biến phức tạp về vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trước mắt nhiệm vụ trọng tâm là Cục TMĐT và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Pháp chế chủ động rà soát Nghị định 52 và báo cáo Chính phủ sớm đưa vào nhiệm vụ hoàn thiện trong năm 2020 để bổ sung và điều chỉnh các nội dung không còn phù hợp. Đặc biệt lưu ý đưa các cơ chế mới để kiểm soát, truy xuất các hoạt động TMĐT, gắn trách nhiệm của chủ sàn TMĐT.