Đã thành thông lệ, cứ sau Tết Nguyên đán, hàng ngàn lễ hội diễn ra trong cả nước. Có lễ hội kéo dài tới 3 tháng, như lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Và năm nào, bên cạnh những niềm vui cũng để lại những âu lo, thậm chí khiến dư luận bức xúc và các cơ quan văn hóa phải chấn chỉnh. Thế nhưng, năm nay, đại dịch Covid-19 khiến nhiều địa phương phải hoãn, hủy các lễ hội để đảm bảo an toàn trong việc phòng, chống dịch bệnh. Nhưng dư luận cũng cho rằng, đây có lẽ là một cơ hội, là dịp tốt để cùng nhìn lại, tìm ra những kịch bản mới để trị “bệnh” tại các lễ hội thời gian qua.
1. Đây không phải là năm đầu tiên các địa phương phải dừng tổ chức các lễ hội. Trước đó, mùa lễ hội năm 2020, các địa phương cũng đã phải hoãn, hủy hoặc rút ngắn thời gian tổ chức lễ hội vì đại dịch Covid-19 xuất hiện. Khi đó, nhiều nơi đã chuẩn bị sẵn sàng cho mùa khai hội, thậm chí, như lễ hội chùa Hương lớn nhất miền Bắc cũng đã khai hội, nhưng ngay sau đó phải áp dụng ngay những kịch bản mới để ứng phó với dịch bệnh.
Năm nay, trước Tết, nhiều địa phương cũng đã chuẩn bị cho mùa lễ hội đầu xuân. Tuy nhiên, việc Covid-19 quay trở lại vào những ngày trước Tết Nguyên đán đã khiến các kế hoạch phải thay đổi.
Với các chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tham mưu, ban hành các Công điện và công văn chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch nói chung và lễ hội nói riêng. Bộ VHTTDL chỉ đạo tạm ngừng tổ chức lễ hội tại nhiều địa phương bùng phát dịch, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; thu hẹp quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức đối với những địa phương chưa bùng phát dịch bệnh. Với các hoạt động lễ hội trên địa bàn các tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh thì dừng hẳn.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhiều tỉnh, thành như Hà Nội và một số nơi đều thông báo sẽ không tổ chức các hoạt động phần hội. Đơn cử như lễ hội chùa Hương, từ đầu tháng 2/2021, UBND huyện Mỹ Đức đã có văn bản dừng tổ chức lễ hội và dừng đón khách. Huyện Mỹ Đức cũng đã lập 9 chốt chặn ở xã Hương Sơn để tuyên truyền, giải thích và yêu cầu du khách quay trở về địa phương. Một vài trường hợp vi phạm quy định khi cố tình mời chào dẫn khách đi đường tắt cũng đã được phát hiện và xử phạt.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo các địa phương “không được nhập nhằng chuyện không tổ chức lễ hội nhưng vẫn tổ chức đón khách”.
Những lễ hội nhiều năm liền là tâm điểm chú ý của dư luận như hội cướp phết Hiền Quan, lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), hội Gióng (Hà Nội) cũng không tổ chức, khiến dư luận cảm nhận được sự “bình yên” trong những ngày đầu xuân. Hay như lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) cũng đã được dừng tổ chức theo đề nghị của UBND TP Nam Định, Sở VHTTDL, Sở Y tế để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đây là một trong những lễ hội lớn tại Nam Định, diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng hằng năm, thu hút hàng triệu khách thập phương tham dự. Tại đền Trần cũng không tổ chức các hoạt động hội như mọi năm. Vào đêm 25/2 (tức 14 tháng Giêng), chỉ có các cụ cao niên làng Tức Mặc tiến hành thủ tục tâm linh, dâng hương, cúng tế các vua Trần. Nhà đền vẫn chuẩn bị ấn cho đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký xin ấn, song không phát ấn tập trung tại các điểm ở khu vực nhà giải vũ, phòng trưng bày và đền Trùng Hoa như những năm trước. Như vậy, đây là năm thứ hai, chính quyền tỉnh Nam Định quyết định dừng tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần để đảm bảo an toàn, phòng ngừa các nguy cơ có thể lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
2. Việc phải hoãn, hủy các lễ hội truyền thống vào dịp đầu xuân là việc chẳng đặng đừng, phần nào cũng làm ảnh hưởng đến nét đẹp truyền thống gắn liền với từng vùng đất. Tuy nhiên, khi dịch bệnh xuất hiện, thì vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân là vấn để quan trọng, phải đặt lên hàng đầu. Chúng ta có thể dừng tổ chức hội hè, các trò chơi dân gian trong vài năm để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng. Còn phần lễ, vẫn được một số địa phương duy trì trong điều kiện đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh. Như vậy, có nghĩa là những nghi thức truyền thống vẫn được duy trì chỉ có những gì liên quan đến phần hội bị cắt giảm. Mà những “bệnh nặng” của mùa lễ hội thời gian qua, thường nằm ở phần hội là chính. Đó là chưa kể, các trò chơi ở phần hội luôn được “cơi nới” mở rộng để tạo nhiều điểm thu hút du khách. Đây cũng chính là những khối ung nhọt cần có cuộc “nội soi” để trị triệt để.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đã khởi đầu một năm mới trong một trạng thái mới. Đó là không bị các lễ hội bủa vây, níu kéo để tập trung vào làm việc. Thường thì sau Tết, cơ quan, đoàn thể, hay câu lạc bộ này, nhóm bạn kia cũng rủ nhau đi một vòng qua mấy lễ hội. Người đi xa, kẻ đi gần. Kéo theo đó là biết bao dịch vụ: nào thuê xe, nào xính lễ, nào nơi ăn chỗ ngủ thậm chí cả vấn đề tai nạn giao thông… Có người cảm thấy thiếu hụt, vì đã quen với những lễ hội, với giêng hai về Bắc Ninh nghe quan họ hay đi xin lộc, xin ấn ở nơi này nơi khác… Nhưng lại có người mừng, vì không phải chứng kiến những chuyện quá đáng, phản cảm, thậm chí cả tình trạng bạo lực ở một số lễ hội.
Rõ ràng, ở một đất nước có khoảng 9.000 lễ hội lớn nhỏ trong một năm, thì việc hoãn, hủy hoặc chỉ tổ chức phần lễ ngắn gọn và không tổ chức đón khách, cắt triệt để phần hội sẽ ảnh hưởng tới nhiều vấn đề, trong đó có ý kiến nghi ngại về việc làm giảm đi bản sắc văn hóa. Cũng lại có ý kiến cho rằng, việc làm gọn phần lễ, cắt bỏ phần hội là đúng trong diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nhưng đã tác động vào sinh kế của người dân. Đơn cử như người dân ở xã Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) họ chỉ trông chờ vào mùa hội. Những năm trước, ngày khai hội chùa Hương đón trung bình 70.000-80.000 lượt khách. Và trong suốt 3 tháng mùa xuân, dòng suối Yến luôn tấp nập, nhất là vào những ngày cuối tuần. Nay, hơn 4.000 thuyền chở khách nằm bất động đồng nghĩa với việc hàng ngàn hộ dân không có công ăn việc làm, nguồn thu nhập giảm đi đáng kể.
Song, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, điều mừng nhất là không phải chứng kiến những điều sai quấy, phản cảm ở hầu hết các lễ hội đầu năm. Từ chuyền chen chúc, chặt chém khách hành hương, mở loa đài hết công suất cho tới những dấu hiệu, hành vi mê tín, dị đoan như bốc quẻ, xem bói… Rồi ở không ít nơi, vẫn để xảy ra các trò chơi cờ bạc, phi tiêu có thưởng, cờ tướng trá hình… Những nhem nhuốc, xộc xệch xuất hiện ở một số lễ hội khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng về sự lệch chuẩn nếu không kịp thời căn chỉnh sẽ ngày một đi quá xa. Và cảm giác quá tải về lễ hội cũng đã xuất hiện đâu đó, khiến một số người đặt ra những băn khoăn về tính “phong trào”, “a dua” của một số lễ hội mới du nhập…
3. Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, chuyện vật chất và tinh thần là câu chuyện dài vì văn hóa Việt ngày xưa coi trọng tinh thần hơn vật chất. Nhưng từ khi có sự đứt gãy về văn hóa, chủ nghĩa vô thần bao trùm, dập tắt tất cả những gì thiêng liêng, người ta coi mọi thứ dễ dãi, nhẹ nhàng quá. Tất nhiên, đó chỉ là mặt nổi bên trên, phần chìm bên dưới, bản sắc vẫn nằm đó nhưng về mặt triết học, hai lĩnh vực đó tác động qua lại với nhau. Hệ giá trị đang biến động cực kỳ lớn, thế ổn định cũ bị phá vỡ nhưng chưa tạo ra thế ổn định mới, tất cả đang trong giai đoạn biến động.
Tuy nhiên, chính dịch bệnh xuất hiện, khiến hai mùa lễ hội liên tiếp không diễn ra được trọn vẹn chính là cơ hội để chúng ta có thể điều chỉnh lại những gì lệch chuẩn, phản văn hóa, gây dư luận không tốt như thời gian trước đây.
Trao đổi với báo chí, Thượng tọa Thích Không Nhiên (Huế) cho rằng, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các lễ hội văn hóa tâm linh hạn chế tổ chức, đương nhiên người dân ít nhiều sẽ bị thiệt thòi trong việc tiếp cận, tham dự các sinh hoạt văn hóa tâm linh như thế. Theo Thượng tọa, về phía Phật giáo, những lễ hội liên quan đến Phật giáo không được tổ chức trong hoàn cảnh dịch bệnh thì không có nghĩa về mặt ước nguyện và năng lượng lành hạn chế, không lan tỏa. “Hoàn cảnh hiện nay cũng chính là dịp để phía Phật giáo giảm bớt những tổ chức phần hội bên ngoài, tập trung nhiều hơn những thời khóa lễ tụng cầu nguyện để chuyển năng lượng lành đến cho xã hội. Ở góc độ này, tôi thấy điều đó rất giá trị”, Thượng tọa Thích Không Nhiên nhấn mạnh.
Và để những giá trị văn hóa từ mùa lễ hội tiếp tục được gìn giữ, định vị những nét bản sắc văn hóa mang tính trường cửu, thì rất cần một liều vaccine đủ mạnh để có thể triệt tiêu được những ung nhọt tồn tại lâu nay. Nói một cách cụ thể hơn, rất cần sự vào cuộc của ngành văn hóa cùng ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa để chúng ta có những mùa lễ hội êm đềm, rực rỡ sắc màu văn hóa và thực sự đi vào chiều sâu chứ không phải chỉ hào nhoáng, xô bồ…