Cơn mưa cực lớn kéo dài trên địa bàn Cà Mau, Bạc Liêu khiến nhiều con đường nội ô thành phố ngập nặng, nước tràn vào nhà dân, gây khó khăn cho sinh hoạt, đi lại.
Chiều ngày 18/6, cơn mưa lớn nặng hạt kéo dài trên địa bàn thành phố Cà Mau đã khiến cho nhiều tuyến đường nội ô bị ngập nặng, gây khó khăn cho việc lưu thông, sinh hoạt và buôn bán của người dân trên địa bàn. Tại các tuyến đường chính như Trần Hưng Đạo, Hùng Vương phường 5 nước ngập sâu từ 30 đến 50 cm.
Mưa lớn kéo dài khiến cho việc đi chuyển của người dân gặp khó khăn. Nhiều xe máy bị chết máy do bị ngập sâu trong nước, phải dẫn bộ. Nhiều người dân thông thuộc địa bàn thành phố chọn giải pháp lách qua những tuyến đường ít ngập hơn để lưu thông, tránh xe chết máy.
Trong khi đó, ghi nhận của phóng viên Đại đoàn kết Online tại Bạc Liêu, nhiều tuyến đường trong nội ô TP Bạc Liêu như Hòa Bình, Trần Phú, Hai Bà Trưng, Hùng Vương, Phan Đình Phùng...cũng bị ngập nặng, nước từ ngoài đường tràn vào cả nhà dân. Do nước ngập trên diện rộng đã khiến đường phố trở nên hỗn loạn, các phương tiện giao thông rất chật vật để di chuyển, xe tắt máy hàng loạt, nhiều người dân phải dẫn bộ. Ngập sâu nhất là ở các tuyến đường Trần Phú và đường Hòa Bình. Nước ngập tràn vào nhà dân, nhiều người phải tát nước ra hàng giờ nhưng nước rút rất chậm.
Được biết, trong thời gian gần đây, một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Bạc Liêu đã được các đơn vị có liên quan tiến hành sửa chữa, nâng cao, nạo vét, xây dựng hệ thống thoát nước trước khi nâng cấp đường để hạn chế việc ngập khi trời mưa to kéo dài. Tuy nhiên, do hệ thống thoát nước chưa phát huy hết hiệu quả nên chỉ sau cơn mưa lớn kéo dài thì nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Bạc Liêu lại chìm trong biển nước.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bạc Liêu, hệ thống tiêu thoát nước của thành phố, nhất là khu trung tâm (các phường 1, 3 và 7), hầu hết được xây dựng trên nền đô thị cũ, độ cao nền thấp, trong tiến trình phát triển, do trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, tầm nhìn và vốn đầu tư khác nhau, nên hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và tiêu thoát nước nói riêng, hệ thống mới - cũ không đồng bộ, bị chia cắt thành từng ô, chênh lệch cao độ. Ngoài ra, việc bê-tông hóa diện tích mặt tại các khu vực đô thị ngày càng tăng, không chỉ làm gia tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt vì không thể thấm xuống lòng đất, làm giảm lượng nước ngầm, mà còn tạo ra hiệu ứng ngập cục bộ.