Mưa lớn với nhiều nỗi lo

Nhóm Phóng viên 15/11/2023 07:37

Tại Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang diễn ra mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi xảy ra ngập lụt gây ách tắc giao thông. Càng đáng lo khi đã xảy ra sạt lở núi làm hư hỏng nhà dân và diện tích hoa màu.

Khoảng 800 hộ dân tại huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) bị ngập lụt do mưa lớn. Ảnh: CTV.

Mưa lớn ở nhiều địa phương

Từ ngày 13/11 đến nay ở Quảng Nam xảy ra mưa lớn, vùng phải gánh nặng nhất là huyện Đại Lộc và các huyện miền núi. Nước tràn vào nhà dân ở thị trấn Ái Nghĩa, đất đá sạt lở đã làm hư hại nhà dân. Còn các tuyến đường ở miền núi bị sạt lở nặng, nước băng qua cầu sông Trường làm chia cắt huyện Bắc Trà My với Nam Trà My.

Sáng 14/11, trên địa bàn huyện Nam Trà My xảy ra mưa rất lớn, khiến nhiều tuyến đường giao thông xuất hiện sạt lở, còn mực nước ở các sông suối dâng cao, chảy xiết. Ngầm sông Trường thuộc xã Trà Tân huyện Bắc Trà My bị ngập sâu hơn 1m khiến các phương tiện không thể lưu thông. Còn tại địa bàn huyện Nam Trà My, mưa lớn khiến cho tuyến đường ĐH5 từ Tắc Pỏ vào Trà Mai - Trà Vân - Trà Vinh bị sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông…

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ sáng 13/11 đã làm nhiều tuyến quốc lộ bị ngập nước, sình lún khiến các phương tiện lưu thông khó khăn. Như tại nhiều vị trí đoạn qua xã Trà Don, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My mặt đường hư hỏng nặng. Trên tuyến quốc lộ 14H tắc đường tại đoạn cầu Khe Rinh, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn, do nước ngập sâu 1m, Cầu Bến Đình, qua xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn ngập 0,3m... do ảnh hưởng của mưa lớn tuyến đường thủy Hội An - Cù lao Chàm ngừng vận tải hành khách ra vào đảo.

Trong 2 ngày 13-14/11 tại Quảng Ngãi cũng xảy ra mưa lớn. Số liệu đo được từ các trạm của Đài khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, lúc 14 giờ ngày 14/11, lũ trên sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ là 2.01m, dưới mức báo động 1: 0,49m; lũ trên sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc là 6,11m, dưới báo động ba: 0,39m; trên sông Vệ tại trạm Sông Vệ là 4,23m, dưới mức báo động ba: 0,27m và lũ trên sông Trà Câu tại trạm Trà Câu là 3,52m, trên mức báo động 1: 0,02m.

Do nước lũ dâng cao, vùng ven hạ lưu sông Vệ, Phước Giang (Nghĩa Hành), sông Trà Khúc có những nơi ngập sâu trên 1m. Nước lũ làm chia cắt tuyến đường 628 từ Xi phông An Sơn - Chợ phiên - Hành Nhân, tuyến đường Chợ phiên đi thôn An Hòa, tuyến đường đoạn Rộc Bà Tê từ Hành Minh đi Hành Đức. Có khoảng 80 hộ tại thôn Kim Thành, xã Hành Dũng nhà bị ngập nước.

Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi cho biết, lượng mưa đo được tại các địa phương ở Quảng Ngãi từ ngày 13/11 đến trưa 14/11 ở mức cao như: Sơn Tân 360mm, Trà Tây 2 là 338mm, Sơn Long 331mm, Long Môn 328mm, Sơn Kỳ 366mm, Sơn Mùa 380mm, Ba Điền 473mm. Lũ lớn trên các sông có thể gây hại, hư hỏng hay sập đổ hoàn toàn các công trình cầu, cống, hệ thống thoát nước, ảnh hưởng đến các diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản của người dân.

Trong khi đó tại Quảng Trị, mưa to đến rất to đã gây ngập lụt một số điểm tại các tuyến đường và nhà cửa của người dân. Ngày 14/11, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ( PCTT và TKCN) tỉnh Quảng Trị cho biết, ngày 13-14/11, trên địa bàn đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, đặc biệt một số nơi cao hơn như: Cam Tuyền 285mm, Vĩnh Ô 308mm, Hướng Sơn 336mm, Đầu Mầu 348mm, Cam Chính 369mm, Hướng Hiệp 501mm, Hướng Linh 509mm. Riêng khu vực đồng bằng ven biển và vùng núi phía Tây huyện Hướng Hóa phổ biến 10 - 60mm.

Mưa lớn đã gây ngập 10 điểm tại huyện Đakrông (gồm: ngầm tràn Ba Lòng, cầu tràn A Ngo - A Bung, ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo, ngầm tràn A Rồng Trên, ngầm tràn A Đeng, ngầm tràn Ly tôn, cầu tràn La Tó, cầu tràn Húc Nghì, cầu tràn Đá đỏ, đường vào trung tâm xã A Vao) với mức 0,5 - 1,5m. Tại huyện Hướng Hóa có 4 điểm bị ngập từ 0,5 - 1m, gồm: Cầu tràn thôn Tả Xía, cầu tràn thôn Ván Ri, cầu tràn thôn Cheng và tràn bản Bù.

Khoảng 800 hộ dân tại huyện Cam Lộ bị ngập lụt. Cụ thể, tại xã Cam Tuyền có 300 hộ, xã Cam Hiếu có 310 hộ, xã Cam Thủy có 70 hộ, thị trấn Cam Lộ có 100 hộ và xã Cam Thành có 20 hộ.

Lãnh đạo xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ) cho biết, khoảng 1giờ ngày 14/11, nước lụt trên địa bàn bắt đầu rút. Đến 7 giờ ngày 14/11, mực nước giảm được khoảng 0,7m so với lúc nước lụt dâng lên cao nhất. Chính quyền địa phương đã đề nghị lực lượng chức năng hỗ trợ người dân, các trụ sở bị ngập lụt dọn dẹp vệ sinh. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Sạt lở trên tuyến đường ĐH5, xã Trà Dơn huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Tấn Thành.

Người dân lo lắng

Sáng ngày 14/11, khi chúng tôi trở lại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), ông Trần Quang Thôn là người có nhà bị sập vẫn chưa hết bàng hoàng: Nhà sập nhưng may mắn là không thiệt hại về người. Hôm 13/11 mưa quá to, đến khoảng 8h cùng ngày thì đất trên đồi sạt lở xuống làm vỡ mảng tường phía sau, đất, đá tràn vào nhà. Rất may người thân trong nhà chạy ra kịp thời, chứ xảy ra ban đêm thì không biết chuyện gì nữa.

“Rất mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ người dân di dời đi chỗ khác để có thể ổn định cuộc sống, chứ như vậy mỗi khi vào mùa mưa bão gia đình tôi rất lo sợ” - ông Thôn nói.

Ông Hứa Văn Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa cho biết: Mưa lớn khiến đất bất ngờ sạt xuống làm 3 ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng, trong đó 1 ngôi nhà bị sập. Trước sự cố này, lãnh đạo huyện cùng lực lượng chức năng đã đến kiểm tra, ghi nhận hiện trạng. Biện pháp trước mắt là hỗ trợ người dân di dời đến nơi khác an toàn.

Ở miền núi thì nỗi lo sạt lở đất, lo ách tắc giao thông, ở đồng bằng thì lo nước sông nhấn chìm hoa màu,… Thực tế mưa lớn những ngày qua khiến mực nước các sông trên địa bàn Quảng Nam dâng cao gây khó khăn cho việc trồng, chăm bón, thu hoạch hoa màu, nuôi trồng thủy sản, khiến người nông dân vô cùng lo lắng.

Ông Nguyễn Hà (thôn 1, xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ) cho biết: Năm nay gia đình trồng hơn 2 sào hoa màu gồm cà tím, đậu cô ve, dưa leo. Để trồng các sào hoa màu này tôi bỏ ra hơn 4 triệu đồng. Thế nhưng trời mưa nên nguy cơ sẽ bị ngập úng hư hỏng hết.

Trong khi đó anh Nguyễn Út (ở phường An Sơn, TP Tam Kỳ) chia sẻ: Năm nay, tôi nuôi được 30 lồng bè cá. Mỗi lồng khoảng 1 tấn cá, trị giá 40 đến 50 triệu đồng. Thế nhưng do mưa lớn mấy ngày qua, nước sông Tam Kỳ dâng cao nên tôi rất lo sợ bị cuốn trôi thì thiệt hại rất nặng…

Cứ thế, mỗi người, mỗi công việc, mỗi hoàn cảnh khác nhau. Nhưng mưa lũ về ai nấy đều nơm nớp lo sợ.

Trước tình hình hiện tại, huyện Nam Trà My đã chỉ đạo cho 10/10 xã tập trung kiểm tra hiện trạng các khu dân cư, công sở trường học và sẵn sàng lực lượng để di dời người dân sơ tán đến nơi an toàn khi có nguy hiểm. Đồng thời huy động phương tiện, máy móc để giải phóng sạt lở trên tuyến ĐH5 để đảm bảo lưu thông an toàn cho nhân dân.

Các địa phương khác cũng đã sẵn sàng triển khai các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phương án “4 tại chỗ” là chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ cùng với đó là “3 sẵn sàng: Phòng ngừa chủ động; Ứng phó kịp thời; Khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Đây là một trong những phương châm được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đưa ra nhằm ứng phó kịp thời ảnh hưởng của thiên tai.

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: Trước tình hình mưa lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã yêu cầu các địa phương, ban, ngành liên quan khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy có sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm. Nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưa lớn với nhiều nỗi lo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO