Mừng thọ

Hải Phong 19/02/2016 10:10

Ở nhiều vùng quê trên mọi miền Tổ quốc, tết đến là dịp con cháu chúc thọ ông bà, cha mẹ để mong người thân sống trường thọ, hưởng phúc với gia đình... Việc chúc thọ ông bà, cha mẹ vốn là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, song nay đã bị nhiều người, nhiều gia đình “biến tướng” thành những bữa tiệc linh đình để “hốt”... phong bì. 

Mừng thọ

Ảnh minh họa.

Trong tâm thức của người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung, mỗi người sinh ra đều mong muốn đạt được ngũ phúc: Phúc, lộc, thọ, khang, ninh. Trong đó, thọ là yếu tố khó nắm bắt nhất nên cũng là điều mà mọi người mong muốn nhất. Bởi vậy trong những lời chúc tụng ngày tết, bao giờ người ta cũng đề cập đến lời chúc về sức khỏe đầu tiên, còn tiền tài hay danh vọng chỉ được xếp sau. Thông thường, 70 tuổi gọi là thượng thọ, 80 tuổi là đại thọ, 90 tuổi là đại thượng thọ và tròn 100 tuổi là bách tuế hay bách niên chi lão.

Gia đình có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc, con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Nghi thức lễ mừng thọ phụ thuộc vào phong tục của từng nơi, từng địa phương mà có cách tổ chức khác nhau. Về cơ bản mừng thọ được tổ chức tại gia, con cháu sẽ chúc rượu thọ, nói những lời tốt đẹp, tặng một sỗ lễ vật nhỏ, hay làm thơ, câu đối, tặng chữ, tặng tranh... để tỏ lòng biết ơn, mong cha mẹ, ông bà được trường thọ.

Song, nay nhiều gia đình tổ chức mừng thọ cho ông bà, cha mẹ không phải vì hiếu đễ, không phải thành tâm mong ông bà, cha mẹ trường thọ cùng con cháu, mà họ tổ chức lễ mừng thọ vì mục đích thương mại, hoặc chí ít là “con gà tức nhau tiếng gáy”, sợ kém cạnh không bằng anh bằng em, bằng mọi người trong làng nước. Có những gia đình quá nghèo nên việc “sửa” một buổi tiệc mừng thọ cho ông bà, cha mẹ cũng là cả một vấn đề lao đao. Về phần người “có nghĩa vụ” đi mừng thì cũng “méo mặt”.

Đến một xã chỉ cách trung tâm Hà Nội có hơn 50km, tôi thực sự “choáng” vì phong tục mừng thọ ở đây. Một chị góa phụ phải nuôi 3 con ăn học, vậy mà ngày mùng 2 Tết phải đi vay triệu bạc để chuẩn bị cho khoảng hơn chục đám chúc thọ trong làng. Điều đáng nói là mặc dù không phải con cháu người mừng thọ, chỉ là người làng nhưng đã trở thành “luật bất thành văn”, cứ nhà ai có mừng thọ là phải đến mừng phong bì (ít nhất là 50.000 đồng). Nhà nào không tổ chức mừng thọ như những nhà khác thì con cháu bị coi là kém, không có hiếu với ông bà, cha mẹ.

Vì vậy, dù nghèo thì cũng phải cố mà tổ chức tiệc mừng thọ. Đó là nỗi khổ của gia chủ, còn người đến mừng cũng không hơn gì. Dù nghèo thì cũng phải đếm đủ số nhà có người mừng thọ rồi tìm cách để “rải” cho đủ, chứ không lại bị làng nước chê cười. Như vậy là hàng năm trung bình có khoảng hơn chục đám mừng thọ là đi tong triệu bạc, số tiền không nhỏ với nhiều hộ nghèo.

Vẫn biết việc quan tâm đến người cao tuổi là cách giáo dục, răn dạy con cháu bổn phận ăn ở trước sau với ông bà, cha mẹ. Song, tổ chức làm sao để đừng biến một nét đẹp văn hóa thành một hủ tục, nỗi ám ảnh kinh hoàng của người nghèo mỗi độ tết đến, xuân về.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mừng thọ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO