Đề án thu phí xe vào nội đô Hà Nội, TP HCM nhằm hạn chế ùn tắc giao thông đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Trước đề xuất trên, giới chuyên gia giao thông cho rằng, muốn thu phí xe vào nội đô Hà Nội, TP HCM thì giao thông công cộng phải tốt.
Thu phí có giảm ùn tắc giao thông?
Ngày 30/10, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội thông tin một số nội dung cơ bản của Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông".
Theo Sở GTVT Hà Nội, "giải pháp thu phí phương tiện xe cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm hạn chế ùn tắc giao thông" là hết sức cần thiết. Dự kiến đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí. Phạm vi thu phí này có điều kiện để các xe ô tô các tỷnh TP không cần thiết đi qua khu vực thu phí có điều kiện đi ra ngoài khu vực thu phí.
“Trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí và lưu lượng xe thu phí (được xác định dựa trên số liệu thu phí của Tổng cục đường bộ và đếm lưu lượng, dự kiến số lượng không đi vào khu vực thu phí…) dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng.
Theo nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm TP. Dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng”, Sở GTVT Hà Nội cho biết.
Về lộ trình thực hiện, dự kiến HĐND TP thông qua Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí; từ năm 2022-2023, hoàn thiện các điều kiện thu phí. Xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí. Phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí; Năm 2024, trình HĐND TP ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP quyết định trong năm 2024.
Trước đó, với đề xuất lập dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP HCM. Sở GTVT TP HCM vừa có ý kiến gửi UBND TP về việc nhà đầu tư đề xuất lập dự án “Thu phí hạn chế ùn tắc giao thông đối với xe ô tô lưu thông vào nội đô TP HCM”.
Theo đó, Công ty CP công nghệ Tiên Phong đã đề xuất thực hiện lập đề xuất dự án “Thu phí hạn chế ùn tắc giao thông đối với xe ô tô lưu thông vào nội đô TP HCM” theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo nội dung đề xuất sơ bộ của nhà đầu tư, dự án nhằm xây dựng hệ thống thu phí bao gồm vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm TP (Quận 1, Quận 3) theo công nghệ thu phí đa làn không dừng. Theo nhà đầu tư, giải pháp kết nối thanh toán với hệ thống thu phí tự động không dừng khi đi qua các điểm thu phí. Các cổng thu phí sẽ sử dụng mặt đường hiện hữu, không phải giải tỏa mặt bằng.
Hình thức đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BLT) với thời hạn 10 năm và không tái đầu tư, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 2.274,1 tỷ đồng. Nhà đầu tư tự thu xếp các nguồn vốn để thực hiện dự án, đối với kinh phí lập đề xuất, nhà đầu tư tự cân đối, chi trả.
Theo Sở GTVT TP, trước đó đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP đã được UBND TP phê duyệt. Giải pháp kiểm soát sử dụng xe cá nhân tham gia giao thông gồm 3 giải pháp kinh tế, hành chính, trong đó giải pháp thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP cần được sớm xem xét, triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.
Vận tải công cộng phải đáp ứng nhu cầu người dân
Trước đề xuất trên, giới chuyên gia giao thông cho rằng, thu phí xe vào nội đô Hà Nội, TP HCM: Muốn thu thì giao thông công cộng phải tốt. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, việc nghiên cứu giải pháp thu phí xe vào nội đô để hạn chế ùn tắc trong khu vực này như các nước đã thực hiện là cần thiết. Nhưng tiền đề quan trọng nhất để triển khai được là vận tải công cộng phải đáp ứng đến ngưỡng nào đó.
“Về nguyên tắc, khi hạn chế cái này thì phải có cái kia thay thế, để người dân lựa chọn. Hệ thống metro, xe buýt ở Hà Nội, TP HCM phải đảm đương được 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân thì mới khuyến khích họ chuyển từ xe cá nhân sang công cộng. Nếu vận tải công cộng chưa đáp ứng được mà vẫn thực hiện thu phí xe cá nhân với mục đích làm khó, hạn chế đi vào khu vực hay ùn tắc thì chưa hiệu quả”, ông Quyền phân tích.
Bên cạnh đó, theo ông Quyền, công nghệ thu phí tự động không phải là mới hay khó tại thời điểm này, vì các trạm thu phí BOT đều đã sử dụng, quan trọng là tổ chức thực hiện.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, khoa vận tải - kinh tế, Trường đại học Giao thông vận tải, bản chất của việc thu phí xe vào khu vực nội đô không phải là thu phí tăng ngân sách.
Đây là giải pháp kinh tế để điều tiết giao thông, để người đi xe cá nhân chuyển sang phương tiện công cộng hoặc hạn chế chuyến đi không cần thiết vào khu vực hay ùn tắc. Đây là giải pháp nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, trong khu vực có Singapore thực hiện 10 năm nay.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, thu phí xe vào nội đô chỉ là giải pháp hỗ trợ chứ không phải giải pháp trọng điểm để hạn chế ùn tắc giao thông. Giải pháp cốt lõi để giảm ùn tắc giao thông đô thị phải là các hệ thống giao thông công cộng, cụ thể là metro.