Kinh tế

Muốn xuất khẩu tốt thì phải giữ vững ‘sân nhà’

N.Quang 29/01/2024 08:34

Để đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5% trong năm 2024, xuất khẩu tiếp tục đóng vai trò quan trọng.

Dự báo năm 2024 kinh tế thế giới tiếp tục đối diện khó khăn. Vì thế, cán cân thương mại của Việt Nam duy trì xuất siêu dự kiến 15 tỷ USD không hề dễ dàng. Chỉ tính riêng yêu cầu “công nghiệp và thương mại xanh”, các thị trường lớn đều đã đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe, buộc quốc gia xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu về tài chính, tăng cường năng lực hàng hóa và công nghệ, cùng với những kỹ năng cần thiết để thâm nhập và trụ vững tại thị trường nước ngoài.

Trong khi đó, một số tín hiệu đầu năm 2024 cho thấy một số ngành hàng vẫn gặp khó khăn do người tiêu dùng thắt thế giới chặt chi tiêu và một số nhà nhập khẩu đã chuyển qua thị trường khác, ví dụ như ngành dệt may - vốn là thế mạnh của Việt Nam.

ba-chi-baiduoi.jpg
Bà Lý Kim Chi.

Tuy nhiên, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM (FFA), việc duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định trong bối cảnh hiện nay được xem là kết quả khả quan, giúp các doanh nghiệp (DN) hy vọng vào sự khởi sắc kinh doanh mạnh mẽ trong năm 2024.

Riêng với lĩnh vực xuất khẩu, theo bà Chi, việc Việt Nam đã tham gia ký kết hợp tác với nhiều khu vực thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được các DN ngành lương thực - thực phẩm tận dụng. Từ đó, tạo động lực lớn thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Không những thế, các FTA còn góp phần giúp DN Việt Nam có những chuyển biến lớn về chất lượng trước yêu cầu rất cao và nghiêm ngặt về chất lượng của thị trường.

Tin tưởng năm 2024 ngành lương thực - thực phẩm sẽ thu được nhiều kết quả, nhưng bà Chi cũng lưu ý hiện nay những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đang bị cạnh tranh từ nhiều nước ngay trên chính "sân nhà". Điều này đòi hỏi các DN phải đổi mới, sáng tạo, thay đổi công nghệ, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, giữ vững thị trường nội địa cũng như thích ứng với yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu.

ong-tung-baiduoi.jpg
Ông Trần Như Tùng.

Còn theo ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công, năm vừa qua ngành dệt may chịu nhiều áp lực từ nhu cầu thị trường thế giới. Đó là áp lực về đơn hàng, giá, giao hàng, chi phí sản xuất, việc làm cho người lao động, cạnh tranh từ bên ngoài và nội bộ, cơ chế chính sách không theo kịp xu thế và thách thức. Tuy vậy, từ cuối năm 2023, xuất khẩu dệt may đã dần phục hồi và năm 2024 vẫn có nhiều hy vọng.

VITAS đã đưa ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 đạt 44 tỷ USD; tăng 9,2% so với năm 2023.

“Để đạt mục tiêu đề ra, VITAS định hướng từ nay đến năm 2030 sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn. Từ năm 2031-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu; xuất khẩu, tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới” - ông Tùng cho biết.

Như vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2024 còn nhiều khó khăn, vấn đề đặt ra với nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước hết là phải giữ vững “sân nhà”, có nghĩa là phải chiếm được vị trí dẫn dắt tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn đến từ hàng hóa nhập khẩu. Muốn xuất khẩu tốt thì trước hết phải giữ vững “sân nhà”, phải thắng ở “sân nhà”. Bên cạnh đó cần nhanh chóng đầu tư xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế xanh, thay thế công nghệ, dây chuyền sản xuất cũ bằng những tiến bộ của công nghệ tiên tiến.

Ưu thế nhân công giá rẻ đang dần qua, đòi hỏi chất lượng hàng hóa và giá thành sản phẩm tối ưu hóa đang ngày càng trở thành điều kiện bắt buộc để DN sống còn và phát triển.

Việc nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm không chỉ với thị trường nước ngoài mà trước hết phải là trong nước. Thị trường tiêu thụ lớn với 100 triệu dân cần phải được coi trọng hơn rất nhiều. Nếu “lỏng” ở “sân nhà” thì hàng hóa nước ngoài sẽ “lấp vào” ngay. Khi đó, để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước sẽ rất khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Muốn xuất khẩu tốt thì phải giữ vững ‘sân nhà’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO