Ông Mike Pompeo khẳng định, các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran đã có hiệu lực trở lại và Mỹ sẵn sàng trừng phạt các quốc gia chống lại các lệnh trừng phạt này.
Ngày 19/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, tất cả các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm vào Iran phải được khôi phục trở lại vào lúc 0h ngày 20/9 (theo giờ GMT) và một quyết định vào tuần tới sẽ khiến lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran sẽ kéo dài vô thời hạn.
Cụ thể, ông Mike Pompeo khẳng định, các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran đã có hiệu lực trở lại và Mỹ sẵn sàng trừng phạt các quốc gia chống lại các lệnh trừng phạt này.
"Ngoài lệnh cấm vận vũ khí, điều này còn bao gồm các hạn chế như cấm Iran tham gia vào các hoạt động liên quan đến làm, tái chế giàu urani, cấm Iran thử nghiệm và phát triển tên lửa đạn đạo và các lệnh trừng phạt đối với việc chuyển giao hạt nhân và liên quan đến tên lửa”, ông Pompeo nói.
Ông Pompeo nói thêm rằng, Mỹ sẽ không ngần ngại thực thi các biện pháp trừng phạt và mong muốn tất cả các quốc gia thành viên LHQ tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo những hạn chế được áp đặt lại này.
Ngoại trưởng Pompeo cũng cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục "chiến dịch gây áp lực tối đa" chống lại Iran cho đến khi đạt được một thỏa thuận toàn diện.
"Trong những ngày tới, Mỹ sẽ công bố một loạt các biện pháp bổ sung để tăng cường thực hiện các lệnh trừng phạt của LHQ và buộc những nước vi phạm phải chịu trách nhiệm", ông Pompeo cho biết.
Cùng ngày 19/9, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng, thế giới cần phản đối việc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt để áp đặt quan điểm của mình lên các quốc gia khác.
Ông Zarif gọi đây là một hành động “bắt nạt” và các nước cần phải lên tiếng, nếu không họ sẽ là nạn nhân tiếp theo của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó có kế hoạch đưa ra một sắc lệnh hành pháp cho phép ông áp đặt lệnh trừng phạt bất cứ công ty nào vi phạm lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran, dự kiến hết hạn vào tháng 10 tới.
Trước đó, hôm 16/9, đại diện đặc biệt của Mỹ tại Iran và Venezuela Elliott Abrams cũng đã nhắc đến những quan điểm này trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo giới rằng, Washington hy vọng tất cả các biện pháp sẽ được áp dụng lại.
Chính quyền Trump đang mong đợi các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran sẽ được khôi phục vào lúc 0h ngày 20/9 (giờ GMT).
Tuy nhiên, Mỹ hiện bị cô lập trong chủ trương áp đặt lại các trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran. 13 trong số 15 quốc gia Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc phản đối, trong khi Anh, Pháp và Đức tuyên bố các bước đi của Mỹ sẽ không có hiệu lực.
Trong một bức thư gửi tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ba nước châu Âu cho rằng, việc giảm bớt các lệnh trừng phạt đã được nhất trí trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ có hiệu lực sau ngày 20/9.
Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 vào ngày 8/5/2018 và đưa ra các biện pháp hạn chế kinh tế khắc nghiệt đối với Tehran. Một năm sau, Iran thông báo rằng họ đã bắt đầu đình chỉ một số nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận hạt nhân.
Iran cho rằng, Mỹ đang thực hiện một chiến dịch có mục tiêu chống lại quốc gia này, cố gắng can thiệp vào chính trị nội bộ của họ và cô lập Iran trong khu vực.
Ngoại trưởng Iran Zarif cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt mà Mỹ áp đặt đối với nước này, cho rằng những chính sách này ảnh hưởng đến cả "bạn và thù".
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi cuối tháng 8 tuyên bố Washington đã khởi động quá trình 30 ngày để khôi phục gần như tất cả các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Tehran, do Iran không "giữ vững sứ mệnh" duy trì hòa bình và an ninh.