Mỹ ‘đơn thương độc mã’ trong vấn đề trừng phạt Iran?

Hà Anh 21/09/2020 15:40

Mỹ đang thể hiện quyết tâm áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt lên Iran. Nhưng ngày một rõ hơn, điều này dường như không được các nước đồng minh châu Âu cũng như các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ tán thành.

Ảnh minh họa. Nguồn: The New Daily.

Lý lẽ của Mỹ

Ngày 20/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng chỉ trích các nước châu Âu vì không ủng hộ các nỗ lực của Washington nhằm khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) đối với Iran.

Hôm 19/9, ông Pompeo tuyên bố rằng, các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran đang được khôi phục sau khi Mỹ kích hoạt cơ chế phản hồi nhanh trong 30 ngày.

Sau thông báo này, Trưởng Chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell khẳng định, Washington không thể đơn phương khôi phục các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Tehran.

Trong một lần xuất hiện trên đài truyền hình Fox News, ông Pompeo cũng cáo buộc các nước châu Âu đã không triển khai việc trừng phạt Iran.

“Người châu Âu đã không tham gia cùng chúng tôi trong việc này dù họ biết chúng tôi đúng. Họ nói với chúng tôi một cách riêng tư rằng, họ không muốn việc bán vũ khí quay trở lại… Nhưng họ không hành động. Họ sẽ không có lựa chọn nào tốt hơn để thay thế cho những gì chúng tôi đã làm. Tôi hy vọng họ sẽ tham gia cùng chúng tôi”, ông Pompeo nói.

Ngoại trưởng Mỹ cũng chỉ trích các nước châu Âu vì vẫn còn là một phần trong Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), còn được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, mà Mỹ đã rút khỏi năm 2018.

“Họ vẫn gắn bó với thỏa thuận hạt nhân ngớ ngẩn được ký cách đây 5 năm. Tôi hy vọng họ sẽ hiểu rằng, nếu thực sự muốn dẫn đầu, nếu muốn trở thành một phần của liên minh toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro ở Trung Đông, thì bạn cần tham gia cùng chúng tôi. Chúng tôi cần các biện pháp trừng phạt này để gỡ lại”, ông Pompeo tuyên bố.

Trước động thái này của Mỹ, ngày 20/9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, Washington đã thất bại trong nỗ lực khôi phục các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran.

Lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Iran dự kiến ​​sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10.

Ngày 19/9, Anh, Pháp và Đức cho biết, việc giảm bớt các lệnh trừng phạt đã được thông qua như một phần của Thỏa thuận Hạt nhận Iran năm 2015 sẽ vẫn có hiệu lực sau ngày 20/9.

Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga tại Moscow. Nguồn: Tass.

Nga khẳng định nỗ lực duy trì Thỏa thuận Hạt nhân Iran

Ngày 20/9, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định trong một tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo các điều khoản của Kế hoạch hành động toàn diện chung về chương trình hạt nhân Iran vẫn được duy trì và được thực hiện.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Nga luôn nỗ lực nhằm duy trì và đảm bảo thực hiện bền vững JCPOA sẽ vẫn được tiếp tục” và “Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ không thay đổi và các cam kết phát sinh từ Nghị quyết này phải được thực hiện theo phương thức và khối lượng đã thống nhất ban đầu trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại của tất cả các quốc gia".

Moscow nhắc lại rằng, tháng 8/2020, các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ đã bác bỏ nỗ lực của Mỹ nhằm khôi phục các lệnh trừng phạt chống lại Iran của LHQ là vô hiệu. Vào tháng 9, lập trường này đã được xác nhận và Nga hoàn toàn đồng ý với nó.

"Tuyên bố của Mỹ rằng, các nghị quyết trừng phạt chống lại Iran đã được khôi phục là điều mơ tưởng. Chúng tôi hy vọng rằng các đồng nghiệp Mỹ sẽ đủ dũng cảm để đối mặt với sự thật và ngừng phát biểu thay mặt Hội đồng Bảo an LHQ", trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga.

Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ các bước đi của Mỹ nhằm biến Hội đồng Bảo an LHQ thành công cụ "gây áp lực tối đa" của Washington đối với Tehran.

"Hành vi trái với JCPOA và Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo LHQ trở thành đòn giáng nặng nề từ Mỹ vào chính quyền của Hội đồng Bảo an LHQ, một biểu hiện của sự coi thường công khai đối với các quyết định của mình và luật pháp quốc tế nói chung. Đây là điều không thể chấp nhận được, không chỉ cho chúng tôi, mà còn cho các thành viên khác của Hội đồng Bảo an", tuyên bố khẳng định.

"Không có gì ngạc nhiên khi “canh bạc” do phía Mỹ tung ra với việc "thiết lập lại" bất hợp pháp các lệnh trừng phạt cũ của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Iran đã thất bại", trích tuyên bố.

Trước đó, ngày 20/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo cho Hội đồng Bảo an LHQ về kế hoạch của Washington để bắt đầu khôi phục các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran. Theo Mỹ, các lệnh trừng phạt có thể có hiệu lực vào ngày 20/9, bất chấp sự phản đối của các quốc gia thành viên khác của Hội đồng Bảo an LHQ.

Năm 2018, Mỹ đã rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) do Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp và Đức cùng với Tehran xây dựng để vượt qua cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và khởi xướng sau đó là một chiến dịch 'áp lực tối đa' với Iran.

Vào ngày 11/9, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định trong một cuộc họp báo với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị rằng, Nga và Trung Quốc cùng với đa số các quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ không chấp nhận nỗ lực của Mỹ nhằm dỡ bỏ JCPOA.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ ‘đơn thương độc mã’ trong vấn đề trừng phạt Iran?