Hàn Quốc và Mỹ đã khởi động cuộc tập trận quân sự chung trong hôm 5/8, bất chấp những lời cảnh báo của Bình Nhưỡng rằng cuộc tập trận này sẽ làm phương hại tới các vòng đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.
Mỹ, Hàn Quốc khởi động cuộc tập trận chung như kế hoạch trong hôm 5/8. (Nguồn: Getty).
Tập trận giả định
Cuộc tập trận được tổ chức sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm một loạt tên lửa tầm ngắn trong những ngày gần đây được coi như một “lời cảnh báo” tới Seoul để chính quyền nước này ngừng các cuộc tập trận giả định trên máy tính với Washington. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo nói trước Quốc hội trong hôm đầu tuần rằng cuộc tập trận đã bắt đầu, thêm rằng Seoul “rõ ràng đang duy trì sự sẵn sàng đối phó với hành động quân sự từ phía Triều Tiên”.
Chi tiết về cuộc tập trận hiện không được công bố, nhưng một quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho hay, cuộc tập trận chung năm nay bao gồm thử nghiệm khả năng kiểm soát chiến lược của Hàn Quốc trong bối cảnh giả định xảy ra chiến tranh. Theo Hiệp ước an ninh Mỹ-Hàn, một tướng lĩnh Mỹ sẽ có quyền quản lý lực lượng chung trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang, nhưng Seoul từ lâu đã tìm cách đảo ngược điều khoản này.
Giới phân tích cho rằng, các hoạt động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc có thể làm chậm các vòng đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un mới đây đã có cuộc gặp tại khu phi quân sự (DMZ) chia tách hai miền Triều Tiên, và nhất trí khởi động lại các vòng đàm phán hạt nhân, tuy nhiên đến nay các vòng đối thoại cấp làm việc vẫn chưa được tổ chức.
Triều Tiên từ trước đến nay luôn phản ứng dữ dội trước các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc, coi các cuộc diễn tập đó như hành động chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nhằm vào đất nước họ.
Năm ngoái, sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tổ chức tại Singapore, ông Trump đã khiến nhiều người bất ngờ khi đưa ra tuyên bố ngừng các cuộc tập trận chung, chấp nhận luận điểm của Triều Tiên khi cho rằng các cuộc tập trận là hành động “khiêu khích”. Cuộc tập trận Ulchi Freedom Guardian (UFG) dự kiến tổ chức hồi tháng 8 năm ngoái, đã bị hủy.
Ngoài ra, các cuộc tập trận thường niên quy mô lớn khác như Foal Eagle và Key Resolve, diễn ra trong mùa Xuân với sự tham dự của hàng chục nghìn binh sỹ, cũng được thay thế bằng cuộc tập trận “Dong Maeng” có quy mô nhỏ hơn, được tổ chức trong tháng Ba.
Thay đổi quan điểm
Cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn tổ chức trong tháng 8 này cũng đã được giảm quy mô - theo Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc - và không được đặt tên. Phía quân đội Hàn Quốc hiện chưa đưa ra thêm bình luận gì về các cuộc tập trận vừa được khởi động.
Giới truyền thông Hàn Quốc hiện chỉ gọi cuộc tập trận này là “19-2 Dong Maeng”, tức cuộc tập trận Dong Maeng thứ hai trong năm 2019.
Tuần trước, Bình Nhưỡng từng cảnh báo rằng các vòng đàm phán hạt nhân sẽ bị ảnh hưởng nếu như Seoul và Washington tiếp tục tổ chức tập trận như kế hoạch. Thứ Sáu tuần trước, Triều Tiên đã thực hiện vụ thử tên lửa lần thứ 3 chỉ trong vòng 8 ngày, nói rằng đây là vụ thử “hệ thống phóng tên lửa dẫn đường cỡ nòng lớn”.
Ông Ahn Chan-il - chuyên gia nghiên cứu tại Seoul - nhận định rằng: “Các cuộc tập trận đáng ra không được tổ chức nếu như có một số bước tiến cụ thể trong đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington, trong lúc mà cuộc tập trận UFG đã bị ngừng từ năm ngoái”.
Các vụ thử tên lửa mới đây cũng là yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của Mỹ và Hàn Quốc - vị chuyên gia nói thêm. “Điều này cho thấy Seoul đang thay đổi quan điểm của họ về Bình Nhưỡng” - ông Ahn nhận định.
Hiện có khoảng 28.500 binh sỹ Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc nhằm bảo vệ nước này trước Triều Tiên, rất nhiều trong số này đóng tại Trại Humphrey ở Pyeongtaek, phía Nam thủ đô Seoul - căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất của Mỹ.