Rạng sáng ngày 2/6 (giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Cho dù được dự báo trước nhưng tuyên bố này được ví như việc Tổng thống Trump chấm dứt sự tham dự của Mỹ vào TPP trước đây 4 tháng.
Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực trên phạm vi toàn cầu. Ảnh: ABCnews.
Lý do chính
Trong tuyên bố từ bỏ Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu một cách toàn diện, Tổng thống Donald Trum đã gọi Hiệp định đó là “bất công ở mức cao nhất đối với Mỹ”. Tương tự, với Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Trump cũng cho rằng, nếu tham gia, nước Mỹ sẽ bị thiệt. Tới thời điểm này, chính sách “vì nước Mỹ- nước Mỹ trên hết” của ông Trump được đánh giá là nhất quán. Và chính điều đó khiến nhiều quốc gia, nhất là châu Âu cho rằng thiếu “tính nhân loại” khi sự cục bộ, chủ trương quốc gia dân tộc nổi lên một cách quá rõ ràng.
Với việc rút khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris, ông Trump đã tỏ rõ sự cương quyết khi mà các đồng minh của Mỹ và hầu hết các nước khác trên thế giới đều tham gia.
“Để hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng của tôi là bảo vệ nước Mỹ và các công dân Mỹ, nước Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu”- ông Trump nói và cho rằng, “điểm mấu chốt ở đây là Hiệp định Paris này rất bất công, bất công ở mức cao nhất đối với nước Mỹ”.
Cho dù ông Trump có nói rằng sẽ bắt đầu thương lượng để trở lại Hiệp định- có thể là Hiệp định Paris hoặc một hiệp định hoàn toàn mới với những điều khoản công bằng hơn đối với nước Mỹ, doanh nghiệp Mỹ, các công nhân, người dân và người đóng thuế Mỹ.
“Nước Mỹ trước tiên và trên hết”- trang Politico bình luận về quyết định của Tổng thống Donald Trump và bày tỏ sự ủng hộ khi cho rằng ông Trump đã thực hiện những cam kết được đưa ra trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái.
Từ chối tương lai?
Cần lưu ý, suốt thời gian qua, hầu hết các nhà lãnh đạo trên thế giới, những tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường đều đã “đánh tiếng” đề nghị Tổng thống Mỹ tiếp tục tham dự vào Hiệp định Paris. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra cách đây chưa lâu, đối với Hiệp định môi trường Paris, ông Trump đã bày tỏ thái độ lưỡng lự trước sự thúc ép của các đối tác, khi nói rằng cần có thêm thời gian để quyết định. Tuy nhiên, chưa đầy 1 tuần sau, ông đã đưa ra quyết định rút lui. Về phía các lãnh đạo Pháp, Italy và Đức, họ nói rằng sẽ không đàm phán lại các điều khoản của Hiệp định, bất chấp đề nghị của ông Trump.
Theo Washington Post ngày 2/6, thì giờ đây Mỹ sẽ cùng với 2 quốc gia khác là Nicaragua và Syria nằm trong nhóm các nước phản đối Thỏa thuận về vấn đề khí hậu mà các nước đã đạt được vào năm 2015. Cho dù không đưa ra bình luận, nhưng ngụ ý của Whasington Post đã rõ khi đặt nước Mỹ hầu như đơn độc về một phía với phần còn lại của thế giới.
Cũng cần nói thêm, quyết định lần này của Tổng thống Donald Trump không phải là lần đầu tiên đi ngược lại với Tổng thống tiền nhiệm B.Obama, khi ông Obama ủng hộ Hiệp định này. Quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định này đã tạo nên cú sốc đối với chính phủ tiền nhiệm của ông Obama vì Hiệp định này được coi là một trong những di sản của ông Obama, bên cạnh Đạo luật cải cách y tế Obamacarre.
Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Donald Trump từ lâu đã tỏ ra hoài nghi căn cứ khoa học của tình trạng biến đổi khí hậu. Cũng chính vì thế mà ông Trump tuyên bố rằng, “Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu chỉ đơn giản là ví dụ mới nhất về việc Washington tham gia vào một thỏa thuận không có lợi cho Mỹ, chỉ có lợi cho các nước khác, đẩy những người lao động Mỹ- những người tôi rất yêu quý và những người đóng thuế lâm vào cảnh phải gánh chịu chi phí, mất việc làm, tiền lương thấp, các nhà máy bí bách và sản xuất kinh tế giảm sút”.
Theo cách tính toán của đội ngũ chiến lược gia Nhà Trắng thì việc thực thi Hiệp định này sẽ làm Mỹ thiệt hại 3 nghìn tỷ USD và mất đi 6,5 triệu việc làm khi họ buộc phải tuân thủ các điều khoản hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Đáng chú ý, ngày 2/6, cựu Tổng thống Obama đã nói rằng việc ông Trump từ chối tham gia vào Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc ông ấy đang gia nhập “một nhóm nhỏ các quốc gia từ chối tương lai”. Đây là một phát biểu hiếm hoi của ông Obama kể từ sau khi rời Nhà Trắng.
Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) hồi tháng 12/2016, trong đó quy định một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Hiệp định đặt mục tiêu đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Gần 200 quốc gia đã tham gia Hiệp định Paris và đã được 55 nước phê chuẩn, đại diện cho 55% tổng lượng khí thải toàn cầu, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Brazil và Liên minh châu Âu (EU). |