Bộ Quốc phòng Afghanistan hôm 14/4 cho hay có khoảng 36 phiến quân thuộc tổ chức IS đã bị tiêu diệt trên lãnh thổ nước này sau khi Mỹ thả “mẹ của tất cả các loại bom”, một trong số các thiết bị nổ phi hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay.
Bom GBU-43 mà Mỹ thả xuống Afghanistan hôm 13/4. (Nguồn: Reuters).
Vụ tấn công diễn ra hôm 13/4 trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cử phái đoàn cấp cao đầu tiên của ông tới Kabul, và khi mà các kế hoạch cho gần 9.000 binh sỹ Mỹ đang đóng tại Afghanistan vẫn chưa rõ ràng.
Quả bom GBU-43 nặng khoảng hơn 11 tấn được thả từ một máy bay MC-130 vào khu vực quận Achin thuộc tỉnh miền Đông Nangarhar tiếp giáp với Pakistan, Lầu Năm Góc cho hay. Đây là thiết bị nổ được định hướng bằng GPS và chưa từng được sử dụng trong chiến trận kể từ sau cuộc thử nghiệm đầu tiên năm 2003, khi nó tạo nên một làn khói hình nấm có thể nhìn thấy từ khoảng cách 32 km.
Sức nổ của trái bom này tương đương 11 tấn TNT, tức gần tương đương với hai quả bom hạt nhân loại nhỏ mà quân đội Mỹ từng thả xuống Nhật Bản vào kết thúc Thế chiến II - có sức nổ tương đương với 15.000 và 20.000 tấn TNT.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cho biết, vụ đánh bom này nhằm vào một hệ thống đường hầm và hang động mà IS sử dụng để di chuyển, tiếp cận các mục tiêu cố vấn quân sự Mỹ và lực lượng của Afghanistan trong khu vực.
Lực lượng phiến quân Taliban đã lên án vụ đánh bom này, nói trong một tuyên bố rằng: “Việc sử dụng quả bom lớn như vậy là không thể biện minh và sẽ để lại nhiều ảnh hưởng tâm lý và thể chất cho người dân của chúng tôi”.
Mỹ thường xuyên tổ chức các chiến dịch không kích nhằm vào IS và Taliban ở Afghanistan, và lực lượng không quân nước này đã triển khai gần 500 vũ khí các loại chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, tăng từ con số 300 trong năm 2016.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ sử dụng các trận không kích hạng nặng nhằm vào chiến binh IS ở Nangarhar. Hồi năm ngoái, một máy bay ném bom B-52 hoạt động ở Qatar đã thực hiện ít nhất 2 nhiệm vụ không kích ở Afghanistan. Loại máy bay này có thể chở theo 32 tấn bom, tên lửa hoặc các loại vũ khí khác trong mỗi lần xuất kích. Quân đội Mỹ ước tính có khoảng 600-800 chiến binh IS trên lãnh thổ Afghanistan, phần lớn tập trung ở Nangarhar, và cả ở tỉnh lân cận Kunar.
Tổ chức LHQ đã nhiều lần nêu quan ngại của họ rằng chiến dịch không kích của Mỹ đang làm tăng con số thường dân thương vong ở Afghanistan. Các vụ không kích của lực lượng liên quân Mỹ dẫn đầu thực hiện hồi năm ngoái đã khiến ít nhất 127 thường dân thiệt mạng và 108 người khác bị thương, theo LHQ.