Theo cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, kết quả phân tích mẫu nước không phát hiện bất thường, các chỉ số kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép.
Liên quan sự việc cá tôm chết bất thường dạt vào bờ sông Đáy đoạn qua địa bàn một số xã, thị trấn thuộc huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), xảy ra từ ngày 7 đến ngày 9/5, ngày 14/5, Sở TN-MT tỉnh Nam Định có văn bản gửi UBND các huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên (có sông Đáy chảy qua); Công an tỉnh, Sở NN và PTNT, Sở Y tế tỉnh về việc tăng cường quản lý, giám sát nguồn nước thải ra sông Đáy.
Trong văn bản, Sở TN-MT tỉnh Nam Định cho biết sau khi hiện tượng trên xảy ra, UBND huyện Nghĩa Hưng đã phối hợp với các Sở ngành có liên quan kiểm tra, xác minh tuy nhiên chưa xác định được nguyên nhân của hiện tượng trên.
Sở cũng cho biết, cơ quan này đã thực hiện lấy mẫu nước mặt tại 3 vị trí trên sông Đáy đoạn chảy qua địa bàn huyện Nghĩa Hưng, gồm 1 mẫu tại vị trí cách điểm lấy nước vào của Nhà máy nước Phú Mỹ Tân (tại xã Nghĩa Sơn) khoảng 100 m; 1 mẫu tại vị trí cách điểm lấy nước vào của Trạm cấp nước thô cho Nhà máy xử lý nước sạch của KCN Dệt may Rạng Đông (tại xã Nghĩa Lạc) khoảng 50 m; 1 mẫu tại vị trí các điểm lấy nước vào của Nhà máy nước Quỹ Nhất khoảng 50 m. Tại thời điểm lấy mẫu đoạn sông Đáy chảy qua địa bàn huyện Nghĩa Hưng không còn hiện tượng tôm, cá chết trên sông và dạt vào bờ.
Theo Sở TN-MT tỉnh Nam Định, “kết quả quan trắc các thông số phân tích trong 3 mẫu nước mặt không phát hiện thấy có bất thường so với kết quả quan trắc hiện trạng môi trường nước mặt sông Đáy thực hiện hàng năm tại điểm lấy mẫu trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, các chỉ số kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép”.
Sở cho biết trong thời gian tới sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, cơ quan và chính quyền địa phương theo dõi đầy đủ diễn biến, tình hình để kịp thời tham mưu phương án giải quyết, xử lý.
Để phòng ngừa nguyên nhân do nước thải của các cơ sở sản xuất xử lý không đảm bảo quy chuẩn nhưng vẫn xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nước sông Đáy, Sở TN-MT Nam Định đề nghị UBND 2 huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã ven sông tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời hành vi xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý nước thải chưa đạt quy chuẩn môi trường của các cơ sở sản xuất xả nước thải ra lưu vực sông Đáy; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình trên địa bàn quản lý, tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Theo dõi, giám sát, kịp thời phản ánh chính xác thông tin liên quan đến các nguồn thải, chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để kịp thời ngăn ngừa, xử lý theo quy định.
Trước đó, như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, từ ngày 7 đến ngày 9/5, tại sông Đáy đoạn chảy qua địa bàn nhiều xã, thị trấn thuộc huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) như Hoàng Nam, Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phú Quỹ Nhất, Nghĩa Hải xảy ra hiện tượng cá và nhiều loại thủy sản khác bị yếu, bị chết, dạt vào bờ; nước sông một số đoạn chuyển màu xanh lờ lờ, nước bị rớt. Hiện tượng này chỉ chấm dứt khi đến sáng ngày 10/5 mực nước sông Đáy lên cao. Khi hiện tượng trên xảy ra, người dân địa phương đã ra bờ sông vớt cá và các loại thủy sản khác về ăn, mang bán…
Qua kiểm tra, xác minh, UBND huyện Nghĩa Hưng xác định tổng số các loại thủy sản yếu được người dân bắt và bị chết dọc bờ sông Đáy thuộc địa bàn các xã, thị trấn của huyện khoảng 2,5 tấn. Chính quyền huyện sau đó đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của huyện tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo nguồn nước từ các nhà máy nước sạch; tuyên tuyền các hộ dân không vớt tôm cá bị chết để sử dụng hoặc đem bán. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Nam Định xem xét nguyên nhân hiện tượng trên.
Sông Đáy là một chi lưu của sông Hồng, tách ra từ cửa Hát Môn thuộc địa bàn 2 huyện Phúc Thọ và Đan Phượng (Hà Nội); là dòng sông chính của lưu vực sông Nhuệ-Đáy ở phía Tây Nam vùng châu thổ sông Hồng. Sông chảy xuyên qua địa bàn tỉnh Hà Nam, sau đó trở thành ranh giới giữa hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Sông đổ về biển ở cửa Đáy.