Là một trong những làng nghề luyện kim truyền thống nổi tiếng, hàng năm làng nghề thôn Vân Chàng (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cho ra lò hàng triệu sản phẩm luyện kim, thu lại nhiều tỷ đồng cho làng nghề. Tuy nhiên gần 10 năm nay, nước thải sinh hoạt và sản xuất của làng nghề Vân Chàng vẫn xả thẳng ra môi trường khiến cho môi trường làng nghề bị ô nhiễm nặng, trong khi đó, khu xử lý nước thải chất thải khá hoành tráng của làng nghề bỏ hoang phế trong sự búc xúc của nhân dân
Khu xử lý nước thải để hoang phế, làng nghề ngập chìm trong ô nhiễm.
Thôn Vân Chàng nổi tiếng với nghề truyền thống là buôn bán, sản xuất các đồ dụng, vật dụng kim loại như dao, kéo, cuốc, xẻng, đặc biệt là đồ nhôm. Sau khi các sản phẩm thô ra lò, công đoạn cuối cùng là tráng qua axit và xút để tạo độ sáng đẹp cho sản phẩm. Bởi vậy, đây là khâu thải ra một lượng lớn nước thải ô nhiễm từ các xưởng sản xuất ra môi trường xung quanh.
Trước thực trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, năm 2008 nhờ nguồn vốn tài trợ từ Thụy Sĩ, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Nam Định đã kết hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng tổ hợp bể lắng xử lý nước thải cho làng nghề tại thôn Vân Chàng. Công trình gồm 2 hồ chứa, một khu nhà lưu trữ chất thải rắn và một bể lắng nước thải với công suất hàng trăm m3 nước thải/ ngày đêm.
Ngay trong năm 2008 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ở thời gian đầu, bể lắng đã phát huy tác dụng, tuy nhiên do công tác quản lý vận hành của địa phương chưa xác định rõ ràng ai là người quản lý nên công trình dần hư hại dẫn tới hiện tượng bỏ không, tới nay đã xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng.
Cả khu xử lý nước thải hoang tàn, đổ nát, cỏ dại mọc um tùm. Đặc biệt, khu nhà xử lý chất thải rắn sau đó đã được địa phương chuyển công năng thành nhà mồ phục vụ tâm linh. Sau khi chuyển công năng của khu nhà này, chất thải rắn bao gồm gỉ sắt thép, sỉ than trong quá trình sản xuất được các hộ tự ý đưa ra bờ sông hoặc các bãi đất công trống để đổ thải.
Điều này dẫn tới việc ô nhiễm môi trường đất, ảnh hưởng tới môi trường thủy sinh tại các sông ngòi gần đó. Cũng do lượng nước thải độc hại từ làng nghề thải ra ngày càng nhiều, trong khi đó công trình xử lý nước thải không phát huy tác dụng, khiến con sông chảy qua thôn đã bị ô nhiễm trầm trọng, nước sông chuyển thành màu đen hoặc vàng đục, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Cũng từ lâu, con sông này biến thành con sông chết vì không có loài tôm cá, thủy sản nào có thể sinh sống nổi. Từ lâu các đường ống dẫn nước thải công nghiệp đã bị tắc bởi cặn bã sản xuất, nên có muốn đưa ra bể xử lý nước thải cũng không được.
Chưa kể tới việc bể đã bỏ hoang lâu năm, lắng đọng nhiều tạp chất, cỏ cây mọc um tùm, mỗi khi trời mưa thường đưa nước thải tràn ngược lại vào các đường ống lân cận, ảnh hưởng rất lớn tới các hộ dân sinh sống xung quanh.
Theo người dân phản ánh, mùi nồng nặc bởi hóa chất từ một số hộ sản xuất gần đó chảy ra là nguyên nhân khiến trẻ em và người già mắc phải các bệnh đường hô hấp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Xuân Tiến- Bí thư Chi bộ thôn Vân Chàng chia sẻ: “Ngay sau khi xây xong, các cấp cũng không có sự quan tâm tới công trình này, chính quyền cấp thôn đã nhiều lần phản ánh lên thị trấn, lên huyện nhưng chưa nhận được câu trả lời”.
Khi được hỏi về hoạt động của tổ hợp bể lắng xử lý nước thải trên địa bàn thôn Vân Chàng, ông Vũ Duy Hưng - Phó Chủ tịch thị trấn Nam Giang cho biết, công trình xây dựng đã lâu nhưng cho tới nay bên phía chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa có văn bản bàn giao công trình cho địa phương đưa vào sử dụng. Hiện chưa có ban quản lý cụm công nghiệp ở địa phương do đó công trình hiện tại vẫn chưa có người chịu trách nhiệm giám sát hoạt động.
Còn ông Nguyễn Văn Hưởng- Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Trực cũng cho rằng, huyện không trực tiếp quản lý về tổ hợp công trình bể lắng và xử lý nước thải tại thôn Vân Chàng, những thông tin liên quan như quy trình hoạt động do Ban quản lý cụm công nghiệp phụ trách.
Như vậy có thể khẳng định, công trình xử lý nước thải làng nghề Vân Chàng có giá trị lớn được xây dựng, nhưng không rõ ai quản lý, bảo vệ nên rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc” dẫn đến xuống cấp bỏ hoang phế, không phát huy tác dụng, trong khi làng nghề Vân Chàng vẫn ngập ngụa trong ô nhiễm.