Ai đã từng đi dọc đê biển, đoạn qua địa bàn các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc (vừa được sáp nhập thành xã Nghĩa Thắng) của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) hẳn đều biết nơi đây có một dải rừng phi lao dày đặc.
Những ô đầm nuôi trồng thủy sản.
Không chỉ bảo vệ đê trước sóng biển, rừng phi lao còn tạo vẻ đẹp sinh thái cho cảnh quan nơi đây. Tuy nhiên, những năm gần đây, mỗi lần qua đây, bằng mắt thường, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy những dải phi lao phòng hộ cho tuyến đê biển không còn dày đặc như trước mà trở nên thưa vắng dần. Thay vào đó là rất nhiều những ô đầm nuôi trồng thủy sản hoặc những thửa ruộng trồng rau màu. Có những chỗ trước đây rừng ken đặc nay chỉ còn lại một số cây phi lao đứng chơ vơ giữa những đầm tôm, ao cá hoặc ruộng rau.
Nếu như trước đây, đứng trên mặt đê không thể nhìn thấy các hoạt động ngoài biển vì rừng che mắt nhưng nay nhiều đoạn hoàn toàn có thể vì không còn rừng. Từ đê, men theo con dốc đi xuống, ngang qua nơi ngành kiểm lâm đặt tấm biển rừng phòng hộ, chúng tôi ngạc nhiên khi chỉ đi thêm mấy chục bước chân đã “xuyên qua rừng”; ngay phía trước, sát rừng là một đại dự án nuôi ngao vạng vừa hoàn thành việc đào ô, đắp bờ...
Liên quan đến hiện tượng rừng phòng hộ trên địa bàn ngày càng teo tóp, ông Trần Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng lý giải nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của thiên nhiên, bão gió khiến phi lao bị chết, gẫy. Tương tự, ông Vũ Dần, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nghĩa Hưng cũng cho rằng nguyên nhân rừng mất đi là do ảnh hưởng của sóng gió, không phải do bị chặt phá lớn.
Về hoạt động nuôi trồng thủy sản ở khu vực rừng phòng hộ, ông Trần Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng cho biết thời điểm từ năm 2012 trở về trước hoạt động nuôi trồng thủy sản đã tồn tại ở đây. Khi đó, các hộ dân được UBND huyện Nghĩa Hưng giao thầu đất. Sau đó, nhằm khai thác, phát huy giá trị cảnh quan, UBND huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng, làm chủ đầu tư dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Rạng Đông tại đây. Để phục vụ dự án, huyện đã thu hồi lại những diện tích đã giao thầu cho các hộ dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do dự án du lịch sau đó không được đầu tư hoàn chỉnh, lâm cảnh dở dang nên lâu nay người dân lại quay lại, tận dụng đất rừng phòng hộ để nuôi thủy sản. Khẳng định không có hoạt động chặt phá lớn xảy ra nhưng ông Vũ Dần, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nghĩa Hưng thừa nhận có việc trong quá trình sản xuất người dân chặt phá, đốn hạ cây rừng liền kề khu vực sản xuất...
Theo thống kê của cơ quan chức năng địa phương, huyện Nghĩa Hưng có tổng cộng trên 1.100 ha rừng phòng hộ ven biển. Mấy năm trở lại đây, rừng phòng hộ ven biển của huyện, bao gồm dải rừng phi lao bảo vệ tuyến đê biển đoạn qua địa bàn xã Nghĩa Thắng đã bị thu hẹp khoảng 10 ha, riêng năm 2019 bị mất khoảng 0,5ha...