Trong những vụ việc đáng tiếc xảy ra gần đây, có nhiều trường hợp nảy sinh mâu thuẫn từ mạng xã hội như facebook, hoặc vì “câu like” mà thực hiện hành vi tiêu cực. Về điều này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội chia sẻ: Cần phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Làm sao giúp các em nhận ra được giá trị của bản thân, biết cách tôn vinh cái đẹp để hướng đến một xã hội tốt đẹp.
TS Nguyễn Tùng Lâm.
PV:Quan điểm của ông như thế nào về những vụ việc như vụ học sinh nữ đánh nhau tung clip lên facebook, nữ sinh “câu like” đốt trường…?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi nhấn mạnh đến xu hướng sử dụng facebook đang phát triển trong toàn xã hội, mình không cấm được cũng không thể lên án được. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng facebook ấy, đang có những biểu hiện gây báo động trong giới trẻ mà chúng ta phải tham gia chấn chỉnh, chứ không thể để mặc…
Ở đây có một vấn đề của giới trẻ, đó là các em chưa xác định được đâu là những giá trị tốt đẹp để khoe ra, chứ không phải chỉ có cái ảnh, hay bộ quần áo. Những giá trị đáng để tôn vinh có thể kể đến là lòng nhân ái, sự bao dung… Đáng buồn là trong rất nhiều giá trị của con người thì các em học sinh này lại chỉ quan tâm đến những chuyện “câu like”.
Hiện nay có nhiều người đi làm từ thiện, nhiều người làm về môi trường, đóng góp cho cộng đồng của mình rất nhiều việc làm ý nghĩa, tại sao một bộ phận giới trẻ lại không học tập cái đó?
Như thế có nghĩa các em không có cái nhìn đúng về giá trị, chưa xác định đúng lý tưởng sống để khẳng định mình. Và những người bấm nút “like” cũng đi theo xu hướng đó, kích thích để người khác làm, chứ không phải xem việc làm đó có giá trị không. Ví dụ người ta muốn “câu like” bằng hành động đốt trường thì phải ngăn cản chứ, sao lại ủng hộ?
Vậy theo ông, lỗi người “câu like” hay người “like” nặng hơn?
Chúng ta không nên bàn đến ai nặng ai nhẹ, mà người đưa ra chủ trương, những người khác lao vào để đủ số lượng “like” mong muốn và làm việc nguy hiểm thì đều hại. Nếu mọi người khi biết đến có cảnh báo kịp thời, hoặc lên án ngay thì lại khác. Vì thế, cả hai cùng phải có trách nhiệm.
Để giải quyết tình trạng này, theo ông cần có biện pháp gì?
Mạng xã hội hiện nay đang phức tạp, cần có biện pháp an ninh. Chúng ta cần có bộ phận, có phần mềm kiểm soát được những hành động gây hại này, và phải có cảnh báo.
Nhà mạng cũng cần có những cảnh báo khi thấy có những yếu tố câu like như thế, có ảnh hưởng tới xã hội, con người, an ninh pháp luật. Nghĩa là phải có cảnh báo kịp thời để can thiệp giải quyết ngay chứ không thể để muốn làm gì thì làm.
Bộ GD&ĐT đang kêu gọi các trường thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử ở từng trường. Theo ông, có nên có quy tắc về ứng xử trên mạng xã hội như facebook không?
Tôi nghĩ các nhà trường cần đưa vào. Hiện nay Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng đã đưa. Thứ nhất là quy định về ngôn ngữ văn hóa của người học, thứ hai là phải dạy học sinh những giá trị yêu thương tôn trọng, giá trị về trách nhiệm, làm bất cứ hành vi gì thì cũng phải có trách nhiệm của bản thân.
Vừa rồi một số em thiếu trách nhiệm, không tính đến hệ lụy. Khi sống bằng trách nhiệm, bằng giá trị tôn trọng yêu thương, chắc chắn các em sẽ có cách đối xử với mọi người khác đi.
Chúng tôi đưa ra quy tắc đầu tiên về ngôn ngữ giao tiếp, để các em ý thức không phải ngôn từ nào cũng nói được, tự do nói tục chửi bậy. Quy tắc thứ hai, chúng tôi hướng cho học sinh biết tự tôn vinh bản thân, tôn vinh mọi người. Quy tắc thứ ba là phải có trách nhiệm để khi có hành động gì thì phải tự chịu trách nhiệm.
Nhưng với những hành vi xuống cấp văn hóa bên ngoài trường lớp, theo ông cần có biện pháp xử lý như thế nào?
Cần hiểu rằng, những cái gì gây ra tác hại cho xã hội, con người thì tức là anh đã vi phạm luật pháp. Mà vi phạm luật pháp, nếu hiện diện trên facebook thì luật phải bổ sung. Quan điểm của tôi bất kể ai thực hiện hành vi ở đâu, có tác hại đến người khác thì phải xử lý…
Trân trọng cảm ơn ông!