Với mong muốn đến gần hơn với công chúng thông qua các hoạt động trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia vừa tổ chức tọa đàm về vấn đề chỉnh lý nội dung và hình thức trưng bày phần lịch sử cận - hiện đại với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia về văn hóa, lịch sử.
Theo báo cáo của Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay Bảo tàng hiện có 2 hệ thống trưng bày tại Tràng Tiền và Trần Quang Khải, đang lưu giữ, trưng bày hơn 10.000 hiện vật, tài liệu gốc, trong đó có nhiều sưu tập, hiện vật quý, nhiều bảo vật quốc gia gắn liền với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.
Hệ thống trưng bày thường trực phần cận - hiện đại đã tiến hành ba lần chỉnh lý lớn về nội dung và hình thức vào các năm 1966 - 1967 - 1968, 1977 và 1994 - 1995. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm vận hành, khai thác, phục vụ, hệ thống trưng bày Bảo tàng đã xuống cấp, bộc lộ nhiều bất cập.
Từ thực trạng này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia xây dựng Kế hoạch chỉnh lý, nâng cấp hệ thống trưng bày (phần cận - hiện đại) tập trung vào 3 vấn đề gồm nội dung, kiến trúc và mỹ thuật trưng bày. Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đã thống nhất cần chỉnh lý, cải tạo trưng bày phần lịch sử cận - hiện đại và cũng đã đến lúc xây dựng bảo tàng mới, bởi tiền thân của Bảo tàng là Trụ sở làm việc Sở Thương chính Đông Dương, có tuổi thọ đã 101 năm nên xuống cấp trầm trọng. Bảo tàng cũng cần có cách tiếp cận hiện đại bắt nhịp kịp thời đại công nghệ, đảm bảo sự thống nhất, xuyên suốt, liên thông; tạo hành trình tham quan cho khách hợp lý, rõ ràng hơn...