Được chăm lo tốt về văn hóa tinh thần, nữ công nhân sẽ gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp, năng suất lao động cao hơn và sẽ giảm được những hệ lụy đáng tiếc cho xã hội. Tuy nhiên, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) những nhu cầu cơ bản đó vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Hoạt động văn hóa tinh thần của công nhân cần được chú trọng hơn.
Thiếu các hoạt động giải trí
Phải lao động cật lực lo cơm áo, gạo tiền và thiếu thốn tình cảm gia đình là hoàn cảnh chung của nữ công nhân trẻ xa quê, đang sống và làm việc ở các KDC, KCX trong cả nước.
Căn phòng trọ lọt thỏm tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh của vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân Anh chỉ vỏn vẹn chưa đầy 20m2. Vật dụng giá trị nhất là chiếc tivi thế hệ cũ thi thoảng bật lên cho có chút giải trí. Chị Vân Anh cho biết: Hai vợ chồng cùng làm công nhân công ty Kai, khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Quê mãi tận huyện Nông Cống, Thanh Hóa, năm 2015 hai người ra Hà Nội lập nghiệp. Bằng cấp, tiền bạc không có, cạy cục, nhờ vả mãi mới xin được vào làm việc tại công ty.
Lương 2 vợ chồng cộng lại được hơn 8 triệu đồng cũng được coi là khá so với nhiều công nhân khác. Tuy nhiên, chị Vân Anh cho biết: Khó khăn nhất cho nữ công nhân là liên tục phải chịu áp lực công việc và gò bó về thời gian.
Công việc chủ yếu của chị là lắp ráp các linh kiện điện tử, làm theo dây chuyền, người này phụ thuộc người kia. Nếu người đứng đầu dây chuyền làm nhanh, số lượng cao thì đồng nghiệp phía sau không theo kịp. Nhưng nếu số lượng sản phẩm thấp chị lại bị quản lý trừ điểm.
“Mặc dù nghề nào cũng có cái khó, cái khổ riêng, nhưng làm công nhân là khổ nhất. Thi thoảng vợ chồng cũng nản nhưng vẫn phải động viên nhau vì cuộc sống mà cố gắng mưu sinh bởi ở ngoài xã hội còn có nhiều hoàn cảnh khổ hơn mình”, chị Vân Anh chia sẻ.
Chị Lê Thúy Hạnh, công nhân Công ty Canon cũng tự xem mình là người may mắn hơn nhiều công nhân đang thuê trọ khác vì được bố mẹ đẻ cho mấy chục m2 đất làm chỗ “chui ra chui vào”.
Gần 10 năm làm công nhân, tính cả lương thâm niên chị cũng chỉ được 4 triệu đồng/tháng. Tằn tiện kéo co mãi rồi cũng đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Nhưng để có cuộc sống như vậy, chị phải chạy như con thoi nhận thêm việc nọ, việc kia. Ngoài công việc, những hoạt động văn hóa, văn nghệ là thứ xa xỉ chị ít nghĩ tới.
“Nhìn mọi người được tham gia các hoạt động văn hóa, được đi chơi, đi xem phim… tôi cũng thèm lắm, nhưng công ty không tổ chức, tôi lại không có điều kiện”, chị Hạnh bộc bạch.
Cần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân
Những câu chuyện trên chỉ là những lát cắt rất nhỏ về đời sống văn hóa nghèo nàn của công nhân ở các KCN, KCX hiện nay.
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 300 KCN, KCX hoạt động ở gần 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, với số lượng công nhân lên đến hàng triệu người.
Qua thực tế khảo sát ở một số nơi cho thấy, hầu hết công nhân ở các KCN đang phải thuê các nhà trọ. Do thời gian và cường độ làm việc căng thẳng, thu nhập thấp nên đa số công nhân không đủ điều kiện để mua sắm các phương tiện phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa như đài, ti vi, sách báo… lâu dài dễ đẩy một bộ phận công nhân sa vào lối sống không lành mạnh, ảnh hưởng tới tái sản xuất sức lao động của công nhân, thậm chí có thể dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Giải trí là nhu cầu quan trọng đối với đời sống công nhân lao động, tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống sau những giờ lao động sản xuất. Tuy nhiên, sự đáp ứng của xã hội với các nhu cầu giải trí của họ ít được quan tâm, một mặt do thiết chế giải trí trong khu công nghiệp còn thiếu thốn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra chỉ tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2020, 15% các KCN xây dựng được thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động, 70% công nhân lao động tại KCN được tuyên truyền Luật lao động, công đoàn và những lợi ích liên quan, được tham gia các hoạt động văn hóa thể thao, được học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề.
“Với những KCN đã có nhà đa năng, sinh hoạt cộng đồng, công đoàn sẽ đổi mới nội dung hoạt động, thu hút công nhân dựa trên hoạt động của các CLB. Công đoàn sẽ cử chuyên gia tới hỗ trợ các CLB dựa trên sở trường của công nhân để đa dạng hóa hoạt động”, ông Tiêm nói.