Tinh hoa Việt

Nâng cao nhận thức về giá trị kinh tế của văn hóa

MAI ANH (thực hiện) 26/12/2023 16:09

Khai thác vốn văn hóa truyền thống tạo ra sản phẩm mang tính thương mại, khởi nghiệp thành công từ những sản phẩm là hướng đi đang được giới trẻ áp dụng, tuy nhiên vẫn chưa được phổ biến bởi còn nhiều yếu tố tác động.

Trao đổi về vấn đề này, TS Mai Thị Hạnh - Khoa Các khoa học liên ngành (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, cần ưu tiên nâng cao nhận thức về giá trị kinh tế của văn hóa, tạo ra hệ sinh thái giúp người trẻ thuận lợi hơn để sáng tạo, khởi nghiệp.

PV: Bà đánh giá như thế nào về việc người trẻ sử dụng chất liệu văn hóa để sáng tạo ra các sản phẩm khởi nghiệp, góp phần quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam?

400629746_1831357970612239_751888207319580602_n-copy(1).jpg
TS Mai Thị Hạnh.

TS MAI THỊ HẠNH: Thực tế tôi đã chứng kiến khá nhiều các bạn trẻ khởi nghiệp từ vốn văn hóa truyền thống. Trong đó có nhiều bạn là người dân tộc thiểu số, họ ý thức được các giá trị văn hóa bản địa và đưa các giá trị đó vào trong các sản phẩm hoặc các dịch vụ văn hóa.

Có nhiều người đã thành công, nhưng cũng không ít người thất bại. Tuy nhiên, tôi đánh giá rất cao việc lựa chọn khởi nghiệp từ vốn văn hóa truyền thống của các bạn trẻ và rất mừng vì giới trẻ hiện nay đã ý thức hơn về việc tìm hiểu văn hóa truyền thống.

Việc các bạn trẻ sử dụng văn hóa truyền thống để sáng tạo nên các sản phẩm và dịch vụ văn hóa thể hiện rằng giới trẻ đang rất ý thức về tinh thần dân tộc, từ đó tạo ra một hình thức để quảng bá văn hóa địa phương, văn hóa của tộc người và văn hóa của toàn dân tộc, xây dựng nên thương hiệu của sản phẩm văn hóa đương đại. Thực tế đã có một số bạn thành công tạo được dấu ấn ban đầu không chỉ với thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Chẳng hạn như nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng đã đưa hồn cốt văn hóa Việt Nam, đặc biệt là hồn cốt của văn hóa các tộc người thiểu số vào thiết kế thời trang đã có những thành công nhất định ở Milan.

Bên cạnh đó việc làm của các bạn là một sự thay đổi trong nhận thức về giá trị kinh tế của văn hóa. Sự thay đổi này đang bắt nhịp với chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay trong việc là coi văn hóa là một nguồn lực để phát triển. Đây là một điều rất đáng mừng của giới trẻ.

Vậy theo bà đâu là khó khăn lớn nhất khiến nhiều người trẻ vẫn còn e ngại khi bắt đầu?

- Bản thân khởi nghiệp vốn đã không dễ, khởi nghiệp từ vốn văn hóa thì có lẽ sẽ càng khó khăn hơn. Thực tế cho thấy có rất nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp từ vốn văn hóa gặp phải khó khăn là không biết cách làm thế nào để đưa văn hóa truyền thống vào một sản phẩm văn hóa nào đấy, chẳng hạn như đưa văn hóa vào nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, thiết kế... gọi chung là sản phẩm của công nghiệp văn hóa. Họ gặp phải câu chuyện là làm thế nào để tạo ra một sản phẩm và quy trình sáng tạo sẽ diễn ra như thế nào? Bắt đầu từ đâu? Khâu bước ra sao?... Đó là điều khó khăn nhất.

Thứ nữa, khó khăn cũng bắt nguồn từ việc người trẻ bị thiếu vốn xã hội. Thông thường người trẻ sẽ có ít mạng lưới quan hệ nên chưa có được sự hỗ trợ về mọi khía cạnh. Đây là câu chuyện làm thế nào để tạo nên các mối quan hệ, kết nối các mối quan hệ để có thể tạo thành một cái hệ sinh thái.

Theo bà, trong thời gian tới để khuyến khích người trẻ sáng tạo, khởi nghiệp cần có những giải pháp như thế nào?

- Việc đầu tiên cần phải nâng cao nhận thức của giới trẻ về giá trị kinh tế của văn hóa. Đây chính là một nguồn vốn lớn có thể giúp họ sáng tạo và là một điểm tựa rất mạnh. Đặc biệt cần phải giáo dục thế hệ trẻ một cách bài bản nhận thức về việc sáng tạo từ văn hóa truyền thống và tư duy khởi nghiệp từ sớm, chứ không đợi đến khi là sinh viên thì mới được đào tạo.

Bên cạnh đó cần phải làm cho những người trẻ hiểu sâu sắc hơn nữa về văn hóa truyền thống. Việc làm cho người trẻ hiểu sâu sắc về bản sắc văn hóa ấy là phải hiểu trên hai khía cạnh. Thứ nhất là hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc, cái gì được gọi là đặc trưng để tạo nên thương hiệu văn hóa cho dân tộc.

Thứ hai là hiểu về quyền văn hóa để giúp cho họ sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa mà không vi phạm quyền văn hóa của các cộng đồng và nó không dẫn tới trường hợp gọi là chiếm đoạt văn hóa. Hài hòa và thấu hiểu hai điều kiện trên sẽ là tiền đề tạo ra giá trị kinh tế và tạo ra cả cái lợi ích cho cộng đồng.

Hiện người trẻ đang thiếu một nền tảng lý thuyết và phương pháp trong việc đưa văn hóa vào các sản phẩm công nghiệp văn hóa, cùng với đó là thiếu hệ sinh thái để phát triển, cho nên xây dựng nền tảng và tạo hệ sinh thái bao gồm nhiều nguồn lực là điều đặc biệt quan trọng.

Vấn đề bản quyền, pháp lý cũng cần phải được làm rõ và có kế hoạch để hỗ trợ họ, tạo điểm tựa giúp cho người trẻ khởi nghiệp thành công hơn.

Để theo đuổi con đường này đòi hỏi người trẻ phải có những yếu tố gì để có thể đi đường dài, thưa bà?

- Hiểu và yêu văn hóa là điều kiện cần thiết và sử dụng công nghệ hiện đại là điều quan trọng để đưa văn hóa vào sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên trước hết bản thân người trẻ phải chú tâm nghiên cứu về văn hóa truyền thống. Nếu như họ không phải là người trực tiếp nghiên cứu thì phải nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia về văn hóa và phải tham vấn ý kiến của cộng đồng văn hóa, cộng đồng di sản. Ví dụ, nếu họ muốn đưa văn hóa của một tộc người thiểu số nào đó vào sản phẩm văn hóa của họ ấy thì cần tham vấn ý kiến cộng đồng. Đó như là một sự xin phép đối với cộng đồng đó.

Ngược lại, cộng đồng sẽ tư vấn lại cho họ mức độ văn hóa cần đưa vào sản phẩm đã phù hợp hay chưa? Thừa, thiếu, cần thêm bớt như thế nào để đó vẫn là văn hóa của cộng đồng nhưng đồng thời nét văn hóa đó sẽ trở nên đẹp hơn và tạo nên giá trị kinh tế.

Trân trọng cảm ơn TS Mai Thị Hạnh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao nhận thức về giá trị kinh tế của văn hóa