Mặt trận

Nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Quý 18/06/2024 09:44

Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh đạt trên 73 triệu đồng, tăng gần 30 triệu đồng so với năm 2020, cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của đồng bào DTTS.

bai-duoi.jpg
Ông Triệu Quý Bảo (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) thu hoạch trà hoa vàng. Ảnh: N. Quý.

Từ một huyện miền núi biên giới với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 96%, thu nhập của người dân gần 9 triệu đồng/năm, trên 60% hộ nghèo và cận nghèo, nay Bình Liêu đã vươn lên trở thành huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cho thu nhập cao.

Mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm là con số mơ ước của ông Hoàng Phúc Hiếu (thôn Lục Nà, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) hơn chục năm về trước, nhưng đến nay, để kiếm được số tiền đó với ông lại là điều quá đơn giản.

Từ năm 2022, ông Hiếu đã đầu tư trồng trên 5.000m2 cây dâu tây vụ đông. Được trồng trên đồng đất ngoài trời, kết hợp ứng dụng trồng theo quy trình phủ nilon đen để tránh cỏ mọc, phun tưới nước tự động tạo độ ẩm trong đất cùng điều kiện tự nhiên rất phù hợp nên dâu tây của gia đình ông quả tươi, giòn, vị đậm, thơm ngon…

Không chỉ cung ứng quả cho thị trường, ông Hiếu còn nhanh nhạy, nắm bắt xu hướng, thực hiện mô hình du lịch trải nghiệm tham quan vườn kết hợp với hái quả. Với sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, những thay đổi tích cực trong tư duy sản xuất, mô hình của gia đình ông Hiếu không chỉ mang lại doanh thu từ 400-500 triệu đồng/năm, mà còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, lan tỏa ý chí làm giàu trên địa bàn.

Là địa bàn có tới 67/177 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, Quảng Ninh bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 với sự chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị. Bằng nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, sau 3 năm thực hiện, vùng đồng bào DTTS, miền núi của Quảng Ninh đã có bước phát triển rõ rệt.

Theo đó, tỉnh đã ban hành các nghị quyết thực hiện chương trình MTQG để tạo sức bật phát triển và nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn. Đồng thời ưu tiên dành nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và huy động tổng thể các nguồn lực khác tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng động lực với vùng khó khăn; gắn kết với các trung tâm kinh tế, trung tâm đô thị, các vùng động lực, khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển nhanh bền vững; tiếp tục ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giáo dục, y tế; đầu tư, nâng cấp công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt, hạ tầng điện, viễn thông, thiết chế văn hóa...

Riêng giai đoạn 2021-2024, Quảng Ninh ưu tiên bố trí trên 3.400 tỷ đồng vốn đầu tư công ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ nguồn vốn này đã thu hút trên 6.100 tỷ đồng vốn tín dụng và vốn xã hội hóa cho thực hiện chương trình. Các nguồn vốn đều được bố trí có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các mục tiêu của chương trình đã đề ra. Từ đó, tiếp tục tạo chuyển biến căn bản, toàn diện, tạo ra động lực mới cho sự phát triển bền vững của vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Vốn là địa phương còn nhiều khó khăn, song những năm gần đây huyện Ba Chẽ đã “thay da đổi thịt”. Bằng chính sức lao động và tư duy đổi mới, người dân nơi đây đang từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần kiến tạo sự đổi thay của huyện miền núi Ba Chẽ.

Ông Triệu Quý Bảo (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) là người tiên phong trồng trà hoa vàng trong xã. Với diện tích 5ha, ông trồng trên 1.000 gốc trà hoa vàng xen kẽ dưới tán rừng quế, sa mộc… Bình quân 1 cây trà cho thu từ 1-2kg hoa tươi/năm, tương đương khoảng 1 triệu đồng/cây/năm.

Ông Bảo chia sẻ, thời gian đầu, cây cho thu hoạch lá. Sau 5 năm, cây cho thu hoạch hoa. Với giá bán ổn định, thị trường tiêu thụ dễ dàng, nhu cầu cao nên giờ đây cây trà hoa vàng đã trở thành cây thoát nghèo của gia đình tôi và nhiều người dân trong xã. Trừ các chi phí, việc bán hoa, lá và cây giống đã mang lại thu nhập cho gia đình từ 200-300 triệu đồng/năm, cuộc sống ổn định, phấn đấu làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số