Theo đánh giá của Bộ Y tế, ưu điểm lớn nhất khi thực hiện tự chủ tài chính bệnh viện (BV) là tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế. Nhưng thực tế cho thấy hiện vẫn còn thiếu nhiều chính sách để “quản” tự chủ, bởi khi liên doanh liên kết, giá thiết bị, máy móc bị đẩy cao lên so với thực tế, giá các loại dịch vụ cũng sẽ tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí mà người bệnh phải trả sẽ cao hơn. Làm thế nào để tự chủ bệnh viện thực sự đáp ứng được sự hài lòng người bệnh đang là một vấn đề đặt ra.
Cơ chế tự chủ được kỳ vọng sẽ giúp các BV nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Nghị quyết thí điểm tự chủ 4 BV (Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy và K) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2019. Cơ chế tự chủ đang được kỳ vọng sẽ giúp các BV chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các trung tâm kỹ thuật cao trong điều trị bệnh, phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.
Kiểm soát giá dịch vụ y tế
Theo đó, để thực hiện Nghị quyết này, Bộ Y tế thành lập Hội đồng quản lý, cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc BV hoặc Tổng Giám đốc BV với thời gian tối đa 2 năm. Hội đồng quản lý có 7-11 người trong đó gồm một đại diện của Bộ Y tế.
Hội đồng Quản lý bệnh viện có quyền quyết định cấu hình, tính năng kỹ thuật trang thiết bị y tế đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển chuyên môn của bệnh viện và an toàn cho người bệnh. Chủ tịch Hội đồng Quản lý phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và quyết toán hoàn thành các dự án đầu tư.
Bệnh viện được xác định quỹ tiền lương theo doanh thu hoặc quỹ lương khoán, được quyền quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động. Giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo khung giá do Bộ Y tế ban hành.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tính đúng tính đủ sẽ giúp các BV công nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chủ động huy động xã hội hóa để người dân có thêm lựa chọn.
GS Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Với các BV công tự chủ tài chính hoàn toàn, giá dịch vụ y tế vẫn được kiểm soát như đang áp dụng vì ban điều hành có thành viên của Bộ Y tế, BV vẫn có các quy chế kê đơn, sử dụng thuốc an toàn hợp lý… Khi tự chủ tài chính toàn diện thì tất cả các yêu cầu chuyên môn vẫn duy trì nên yên tâm là không phải ông giám đốc hay bác sĩ làm gì thì làm không ai kiểm soát.
Ưu điểm lớn nhất của tự chủ toàn diện là người đứng đầu BV hoàn toàn quyết định về nhân lực, đầu tư, mua sắm. Việc này sẽ giảm rất nhiều về thủ tục. Ví dụ trước đây BV xây dựng nâng cấp khoa phòng cũng phải xin phép Bộ Y tế dù tiêu tiền của chính BV. Mà thủ tục xin - cho thì rất lâu vì liên quan các vụ, cục, rồi chờ lãnh đạo ký đồng ý. Thời gian chờ đợi được phê duyệt có khi vài tháng, thậm chí cả năm. Khi BV tự chủ, các thủ tục đó được cắt giảm hoàn toàn, đẩy nhanh hơn rất nhiều về tiến độ công việc. Về nhân lực, người đứng đầu BV được quyết định bổ nhiệm đến phó giám đốc, được lựa chọn người phù hợp với công việc và người mà giám đốc thấy phù hợp nhất như vậy công việc vận hành, quản lý cũng thuận hơn vì đúng người mà mình cần, mình ưng ý. Vì nếu để cấp trên (Bộ Y tế bổ nhiệm) thì phó giám đốc BV lại chưa chắc đã là người mà giám đốc thấy phù hợp, việc điều hành sẽ không thuận.
Phân tích từ các chuyên gia, tự chủ đồng nghĩa BV phải tự kiếm tiền để nuôi sống bộ máy khám chữa bệnh, phải chú trọng về chất lượng dịch vụ y tế, cải cách hành chính, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh cả về chất lượng khám chữa bệnh và phong cách phục vụ. Tự chủ tài chính đồng nghĩa với việc người bệnh là người trả lương cho y bác sĩ, vậy nên thu hút người dân đến khám chữa bệnh tại BV là điều tối quan trọng.
Giảm người hưởng lương từ ngân sách
Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, đến nay 100% số đơn vị sự nghiệp y tế trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ. Thống kê sơ bộ đến cuối năm 2018, cả nước có khoảng 160 đơn vị đã tự đảm bảo chi thường xuyên, chiếm 7,6% tổng số đơn vị sự nghiệp. Có gần 1.400 đơn vị tự chủ được 80 - 90% chi thường xuyên. Các BV khi tự chủ đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển chuyên môn kỹ thuật cao như ghép tạng, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi, tim mạch, chẩn đoán và điều trị ung thư sớm... Ngân sách năm 2018 giảm cấp cho các bệnh viện khoảng 9.000 tỉ đồng/năm so với 3 năm trước.
“Chưa có thống kê đầy đủ tại các BV của cả nước về cắt giảm biên chế, nhưng tại 23 bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, nhờ tự chủ toàn bộ chi thường xuyên nên đã giảm hơn 25.000 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tương ứng gần 1.250 tỉ đồng”- ông Liên nói.
Ông Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) chia sẻ, ông nhận thấy các BV đã có nỗ lực khi thực hiện tự chủ, nếu không nỗ lực thì bệnh nhân không đến. Gần đây, có BV đưa nghệ sĩ dương cầm và đàn piano biểu diễn cho bệnh nhân nghe, có bệnh viện treo tranh, tạo không gian ấm cúng. Ngoài ra, do tự chủ mà các thiết bị y tế kỹ thuật cao, mới tại nhiều bệnh viện liên tục được đầu tư, mua sắm nhằm cạnh tranh, thu hút người bệnh.
Chia sẻ về quá trình tự chủ BV, ông Nguyễn Ngọc Hiền- Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho hay, từ năm 2015 BV đã tự chủ tài chính, đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động. Năm 2018, BV Bạch Mai thu hút gần 2 triệu lượt khám bệnh ngoại trú, điều trị nội trú cho hơn 161.000 trường hợp, thu 4.500 tỷ đồng, trong khi chi hơn 3.600 tỷ đồng. Đời sống y bác sĩ được cải thiện, bệnh nhân được khám chữa bệnh với chất lượng cao.
Tương tự, BV K Hà Nội cũng được Bộ Y tế giao là đơn vị tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên từ năm 2017. GS Trần Văn Thuấn- Giám đốc BV K cho biết: Mỗi năm, BV tiếp đón hơn 400.000 lượt khám bệnh (tăng gần 50% so với thời điểm trước năm 2016), điều trị nội trú cho hơn 45.000 người bệnh (tăng hơn 20% so với thời điểm trước năm 2016).
Báo cáo kết quả về tài chính cho thấy doanh thu của BV có mức tăng trưởng tốt: năm 2017 tăng hơn 40% và năm 2018 tăng gần 20%. Người bệnh đến khám chữa bệnh tại BV K đã được tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật công nghệ cao như chụp PET/CT, xạ trị đa mức năng lượng…
GS Trần Văn Thuấn cũng cho rằng, để đảm bảo cho các đơn vị thực hiện tự chủ hiệu quả thì cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt đối với các đơn vị thuộc nhóm 1 theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP (tự đảm bảo toàn bộ tự kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư). Cần trao quyền cho các BV, tăng mức phân cấp đối với các dự án đầu tư, mua sắm để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo thời gian cũng như quyết định đầu tư có hiệu quả hơn và người bệnh sẽ được hưởng lợi; Cho BV được phép ban hành mức giá thu dịch vụ khám chữa bệnh tính đúng, tính đủ 7/7 yếu tố cấu thành giá… Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn về thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần sớm được sửa đổi theo hướng phát huy quyền tự chủ toàn diện; Đồng thời kiện toàn quy trình, thủ tục giám định, thanh quyết toán BHYT để giảm thiểu thời gian, công sức, đổi mới cơ chế sử dụng BHYT theo hướng chi thêm cho quản lý sức khỏe, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật để giảm chi phí khám chữa bệnh.
(Còn nữa)