Trong số những nhà văn Việt Nam, có nhiều người được độc giả chú ý bởi đã chọn cho mình một mảng đề tài độc đáo: đó là viết về những phong tục, tập quán, thiên nhiên và con người vùng cao. Kỳ này, chúng tôi xin được đề cập đến 2 trong số các nhà văn ấy.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy.
1. Là người đi sau những cái tên đã định hình phong cách sáng tác về vùng núi như nhà văn Ma Văn Kháng, nhà thơ Pờ Sảo Mìn, nhà thơ Lò Ngân Sủn…, nhưng nhà văn Đỗ Bích Thúy (sinh năm 1975) sớm khẳng định được con đường văn chương của mình. Đó là viết về mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang.
Cuốn sách mới nhất của Đỗ Bích Thúy là tiểu thuyết “Lặng yên dưới vực sâu” vừa được NXB Hội Nhà văn ra mắt hồi giữa tháng 4/2017. Với cuốn sách này, Đỗ Bích Thúy tiếp tục khẳng định mình là người nặng lòng với vùng đất Hà Giang- nơi chị sinh ra và lớn lên.
Đây là cuốn sách thứ 17 của chị, và là cuốn sách thứ 15 viết về vùng cao, với những câu chuyện của người dân tộc thiểu số ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Trước đó, có thể kể tới những tập truyện ngắn và tiểu thuyết như: “Sau những mùa trăng”, “Những buổi chiều ngang qua cuộc đời”, “Bóng của cây sồi”, “Chúa đất”…
Nhà văn Đỗ Bích Thúy cho biết, tiểu thuyết “Lặng yên dưới vực sâu” ra đời sau khi chị viết xong kịch bản cho 32 tập phim truyền hình cùng tên. Khi kịch bản viết xong, chị đã suy nghĩ rất nhiều về những vấn đề và câu chuyện đặt ra trong phim.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy thấy rằng, có thể nhiều khán giả khi xem phim sẽ có những thắc mắc. Vì vậy, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã quyết định viết thành cuốn tiểu thuyết “Lặng yên dưới vực sâu”.
Bìa cuốn “Lặng yên dưới vực sâu”.
Trong tiểu thuyết có đề cập đến một phong tục đẹp đã có từ lâu đời của người Mông. Đó là tục bắt vợ. Tục này thường xảy ra khi chàng trai và cô gái yêu nhau, nhưng do gia đình của chàng trai nghèo quá nên không đáp ứng được lễ thách cưới của nhà gái nên được sự thống nhất của hai gia đình, chàng trai hẹn cô gái đến một địa điểm rồi… bắt về làm vợ.
Đọc tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy, nhà văn - nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến cho rằng, “câu chuyện tình tay ba của các nhân vật đầy bi thảm nhưng rất đẹp. Đẹp như khúc tình ca Mông của những người con trai, con gái yêu nhau cùng hạnh phúc và bất hạnh. Đỗ Bích Thúy đã cho chúng ta những cảm giác trái ngược cùng bất ngờ của chữ nghĩa cuộn chảy trong tác phẩm”.
Cũng theo nhà văn Phạm Ngọc Tiến, tiểu thuyết là “một câu chuyện hấp dẫn, lạ lẫm, đầy hình ảnh về người Mông lạ kỳ, kiêu hãnh. Viết được như Đỗ Bích Thúy về dân tộc Mông giờ hiếm người theo kịp”. Còn nhà phê bình Phùng Gia Thế thì nhận xét: “Lặng yên dưới vực sâu như một điệu khèn hoang dã u sầu nhưng chất chứa khát khao yêu thương, nhân bản”.
Trước tiểu thuyết này, vào năm 2015, Đỗ Bích Thúy đã ra mắt tiểu thuyết “Chúa đất” - lấy cảm hứng từ một truyền thuyết cách đây khoảng 2 thế kỷ ở vùng Đường Thượng (Yên Minh - Hà Giang). Đó là truyền thuyết vô cùng bi tráng về chúa đất Sùng Chúa Đà và cây cột đá chỉ dùng để treo người. Cột đá cao 1,9m, hai bên có hai cái lỗ để nhét tay người bị hành quyết vào.
Tất cả những ai trêu ghẹo vợ chúa, và vi phạm luật lệ do ông đặt ra đều bị chúa đất bắt phải chết bằng công cụ man rợ đó. Hiện cột đá này đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang.
Nhà văn Cao Duy Sơn.
2. Một nhà văn khác cũng nặng lòng với vùng cao, mà cụ thể là với vùng đất Cô Sầu (Trùng Khánh - Cao Bằng)- đó là nhà văn Cao Duy Sơn. Những tác phẩm của ông đều được ra đời với cái hồn đất, hồn người của lũng Cô Sầu nổi tiếng.
Đó là những tác phẩm như “Ngôi nhà xưa bên suối”, “Hoa bay cuối trời”, “Đàn trời”… để qua đó, những nhân vật và câu chuyện về vùng cao hiện ra, khiến người ta suy ngẫm. Cuốn sách gần đây của nhà văn Cao Duy Sơn là tiểu thuyết “Biệt cánh chim trời” (NXB Trẻ).
Theo nhà văn Trung Trung Đỉnh, ở cuốn sách này, “văn Cao Duy Sơn giàu hình ảnh, giàu chất say của người say thiên nhiên”. Cụ thể hơn, trong cuốn “Biệt cánh chim trời”, Cao Duy Sơn đề cập đến số phận về người con gái đẹp của rừng, của những phận người phiêu dạt trong ám ảnh dục vọng và lẫm lỗi.
Theo TS Đỗ Thị Thu Huyền (Viện Văn học), “Biệt cánh chim trời” không phải là câu chuyện về một loài chim di trú mà là một diễn giải ngầm về cuộc sống nhiều bất định, nhiều loạn lạc và cả những thăng trầm trong cuộc sinh tồn.
Bìa cuốn “Biệt cánh chim trời”.
“Trong tiểu thuyết này, nhà văn dù không tập trung vào mô tả những phong tục, tập quán của quê hương nhưng sứ mệnh mang vác văn hóa ở mỗi cá nhân đôi lúc vẫn được thể hiện rõ. Những đoạn viết được tác giả đan cài trong mạch truyện đem đến sự sinh động: đám cưới Chuân và Đăm với quần áo màu chàm, nghi lễ phù dâu, động tác vái lạy, uống rượu, khi Đăm hát Nam Kim Thị Đan trong những cơn say đầm đìa, khi Thoàn nhớ về quê hương đã trồng những nương cải nơi mảnh đất Tây Nguyên… Sự thâm nhập chất thơ trong văn xuôi không mới, nhưng ở những khoảng lặng ấy của “Biệt cánh chim trời”, với xúc cảm trữ tình, tâm lý trạng huống…, người đọc nhận ra sự chiêm nghiệm của tác giả trước cuộc sống và bởi thế dễ tạo được sự đồng cảm ngay trên bề mặt của những diễn ngôn”, TS Đỗ Thị Thu Huyền phân tích.
Sinh năm 1956, nhà văn Cao Duy Sơn quả quyết rằng, “cả đời tôi chỉ đeo đuổi đề tài về người miền núi”, nhất là thung lũng Cô Sầu, nơi ông sinh ra và lớn lên.
Đó cũng là cái nôi văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn Cao Duy Sơn, để ông cho ra đời hàng loạt những trang viết về cùng đất này và đoạt những giải thưởng cao quý như cuốn “Ngôi nhà xưa bên suối” từng được giải thưởng văn học ASEAN hay tiểu thuyết “Đàn trời” đã nhận được giải A của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2007 và nhiều giải thưởng khác.
Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải Tháng 4 năm nay, NXB Trẻ đã chính thức giới thiệu tập truyện ngắn “Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải” của Nông Quang Khiêm - một tác giả dân tộc Tày. Cả tập truyện thấm đẫm không khí hoang sơ mà hùng vĩ, với những con người mộc mạc mà quyết liệt, những mối tình mãnh liệt mà vẫn mong manh. Hơn 120 trang sách cuốn hút bởi cảm giác vừa quen vừa lạ, làm say lòng trước vẻ nguyên sơ và dữ dội của những con người và vùng đất nơi đây. Đọng lại sâu lắng nhất vẫn là nỗi đau thân phận của những người đàn bà câm lặng trong nỗi khốn cùng. Và ám ảnh bởi những con người lạc loài trong nhịp đời gấp gáp, hay chính là hiện thân cho một vẻ đẹp văn hóa rực rỡ đang dần trở nên lạc lõng đến buồn bã. |