Chiều 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Nhiều ĐB đã đồng tình với những cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hà Nội.
Theo đó, liên quan đến vấn đề nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố từ 70% lên 90%, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay từ 70% lên 90% bảo đảm cho TP Hà Nội có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như trước đây.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2016-2020 của TP Hà Nội, nhu cầu vốn đầu tư công của thành phố giai đoạn 2016-2020 khoảng 300 nghìn tỷ đồng, trong khi thành phố chỉ cân đối ngân sách được 105 nghìn tỷ đồng, nên việc huy động vốn đầu tư phát triển tập trung cho các dự án trọng điểm nhằm sớm triển khai đồng bộ, hoàn thành, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả là hết sức cần thiết.
Cũng theo ông Dũng, việc tăng mức dư nợ vay của TP Hà Nội được kiểm soát trong giới hạn trần nợ công cả nước, mức vay và bội chi ngân sách của TP Hà Nội hằng năm được tổng hợp trong tổng mức vay và bội chi ngân sách được Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, đa số ý kiến đồng ý với việc nâng mức dư nợ vay của ngân sách TP Hà Nội lên 90% để bảo đảm tương đồng với cơ chế đặc thù của TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội, nhằm tạo dư địa cho Thủ đô có thể tăng quy mô vay vốn đầu tư một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, trong bối cảnh nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp và các dự án ODA về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đã được chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế cho địa phương vay lại.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố từ 70 % lên 90% cho Hà Nội là cần thiết, bởi bây giờ nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng về kinh tế và xã hội, môi trường của thành phố là rất lớn, tỷ lệ với nguồn thu ngân sách của thành phố.
Nhiều trẻ em bị xâm hại bởi người thân
Cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Kết quả giám sát cho thấy: Trong giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019 có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt;1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác. Trong các vụ xâm hại theo thống kê 5 năm trở lại đây thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Nhiều địa phương, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90% như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Nai.
Đoàn giám sát cũng nhận thấy còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Đáng chú ý, ngoài các hình thức trẻ em bị xâm hại nêu trên, theo báo cáo của Chính phủ, còn 790.518 trẻ em lao động trái pháp luật; 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ 15 tuổi tảo hôn.
Qua giám sát tại một số địa phương, Đoàn giám sát còn phát hiện, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, chiếm trên dưới 90%.
Cho rằng những số liệu trên mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, công tác bảo vệ trẻ em có lúc còn chưa tốt, và quan trọng là phải bảo vệ trẻ em để tình trạng xâm hại không còn xảy ra nữa.
Bởi theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, thực tế nhiều vụ việc chỉ được phát hiện xử lý khi báo chí phản ánh, khi có hậu quả xảy ra hay tố cáo, lúc đó chính quyền cơ quan chức năng mới biết cho nên báo cáo cần kiến nghị rõ hơn về trách nhiệm.